Những ngày tháng 5/2014 này, người sống gần khu sinh thái Rú Chá (thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã có việc làm đặc biệt là đồng tâm góp tiền sửa chữa lại ngôi miếu 300 năm tuổi gắn liền với nhiều giai thoại thú vị, mang đậm giá trị văn hóa tín ngưỡng.
Ba đời canh miếu
Cổ miếu nằm trong khu vực sinh thái rú chá rộng 5ha, xung quanh cây cối rậm rạp, um tùm. Nền đất nơi miếu được dựng là một bán đảo, hai cây cổ thụ ôm hai bên miếu tạo được bóng mát. Ngôi miếu chia làm ba cấp. Cao nhất là nơi đặt 3 bài vị thờ bà thánh mẫu, đệ nhất tứ thần và đệ nhị tứ thần. Hai bậc dưới để bát nhang và đồ thờ cúng, chuông mõ, hai con ngựa nhỏ đứng bên hai chiếc ghe.
Người làng Thanh Phước kể lại, từ nhỏ đã nghe đời cha ông kể lại, một năm cách đây khoảng hơn 300 năm, làng mới lập thì trong cơn lũ lụt có một bát nhang làm bằng gỗ dựng đứng trôi dạt về, tới vị trí giữa Rú Chá thì đứng khựng lại. Nước rút, người trong làng thấy chuyện lạ, cứ để nguyên bát nhang ở vị trí đó thờ cúng.
Ít ngày sau, một nhóm người ở trên xã Hương Thọ, thị xã Hương Trà về xin chuộc lại bát nhang. Bữa đó trời đang nắng chang chang lại bỗng nhiên có giông tố sét đánh dữ dội. Trả lại bát nhang, người làng Thuận Hòa mua bát nhang mới, lập miếu thờ nơi vị trí cũ. Người ta cho rằng bát nhang thờ một “vị thần” trôi về đây để phò hộ cho dân làng.
Ông Đặng Duy Bản (72 tuổi, người tình nguyện hầu từ cho miếu bà đã hơn 30 năm) kể lại, gia đình ông nối “nghề” đặc biệt này. Ông nội ông hầu từ 50 năm, cha ông 45 năm, tính đến đời ông là tổng cộng 125 năm tự nguyện lo nhang khói cho miếu.
“Tôi có nhiều kỷ niệm vui buồn trên miếu này lắm. Hồi 7 tuổi cha tôi cùng một số người dắt tôi đi vào Rú Chá để thắp nhang. Lần đó mọi người bị đàn ong bay ra đốt chạy tán loạn, tôi thì “đứng như trời trồng” nhưng không hiểu sao những con ong này không đốt tôi một nhát nào. Rồi năm 14 tuổi, tôi cùng cha đi vào vệ sinh, dọn dẹp cho miếu, hoảng sợ thấy một cặp rắn to bằng cổ chân vặn mình quẫy đạp trong miếu. Quỳ lạy khấn vái, ngẩn đầu lên đã không còn thấy hai con rắn nữa”, ông Bản nhớ lại.
Ông nội và cha ông Bản qua hai cuộc chiến tranh, đối mặt nguy hiểm bao lần nhưng không bị một vết đạn, con cháu đề huề, kinh tế khá giả. Ông nội thọ 73 tuổi,
cha ông Bản thọ 83. Người cha trước lúc qua đời trăn trối dặn dò con cháu phải tiếp tục lo trông miếu bà. Người trong làng cho phép lăng mộ của ông nội và cha ông Bản được chôn cất cạnh miếu.
Vợ ông Bản “lo xa”: “Sau này, khi mà chồng tôi qua đời thì cũng phải chọn đứa con nào có tâm huyết để truyền lại việc chăm lo cho miếu”. Hiện ông lão đang “luyện” cho đứa con trai 26 tuổi những công việc này.
Tối kỵ những kẻ bán độ?
Những truyền thuyết hư hư thực thực về ngôi miếu cứ quanh quẩn, nên người làng chẳng ai dại gì “phạm” đến ngôi miếu, đồ lễ thờ cúng có khi để mốc xanh cũng chẳng đứa trẻ nào mon men.
Có những tai nạn tình cờ xảy ra, nhưng người ta cứ “đổ vấy” cho ngôi miếu, như câu chuyện liên quan đến cuộc đua ghe 14 năm về trước. Truyền thuyết cho rằng “nữ thần” và hai con trong miếu mê đua ghe (thế nên trong miếu mới thờ 2 chiếc ghe nhỏ bên cạnh hai con ngựa - NV), nên mỗi khi người làng đi đua đều tới đây để cúng vái. Suốt nhiều năm trước và sau năm 2000, đội ghe làng này đua đâu là thắng đó nên có một người khi ấy 36 tuổi ở thôn Vân Quật Đông (xã Hương Phong) lén lút tới phá miếu, đem những lá cờ giải thưởng về nhà nó may quần đùi để mặc. Một tuần sau mới phát hiện ra “nghi phạm”, sự việc được trình báo cho trưởng làng. Nhưng hội đồng tộc trưởng của làng chưa kịp họp thì nghi phạm đã bị “báo ứng”, cả nhà bị cháy, trâu heo nuôi trong chuồng cũng cháy đen, người bị nghi là kẻ trộm thì bị bệnh bụng to bất thường. “Sau đó người này xin làng đem mâm cau trầu rượu về đây để cúng tạ lỗi, nhưng hiện tại cái bụng của anh ta vẫn to hơn người”, một bô lão kể lại.
Một câu chuyện khác mới xảy ra cách đây 3 năm, càng khiến người làng cho rằng “thần miếu” “trừng phạt” những kẻ bán độ. Một tay đua nhớ lại: “Năm đó ghe chúng tôi được đại diện cho xã Hương Phong đi thi tỉnh ở sông Hương, ghe chúng tôi chạy chậm lạ thường và thua cuộc. Nhiều người quan sát và thấy rằng một người trong đội đua không chịu chèo, đi điều tra thì biết anh ta đã lấy 200 nghìn từ đội đua của xã bên. Rất nhiều người la mắng anh ta. Nửa tháng sau anh về ở đầm phá Tam Giang để kéo vó, không ngờ thuyền của anh bị đèn nổ khiến một người con tai nạn đau đớn, còn anh với vợ cũng phải đi nằm viện. Anh ta sau đó cũng quay lại tạ lỗi, nhưng nay gặp ai trong đội đua ghe, đều cúi đầu như hổ thẹn”.
Trong hơn 300 năm qua, miếu đã được sửa chữa vài lần. Lần đầu tiên cách đây khoảng 100 năm, lúc đó một viên quan đại thần của triều Nguyễn là ông Trần Hữu Thành, có một cô con gái rất xinh đẹp nhưng bỗng nhiên mắc bệnh lạ. Tương truyền một hôm ông về cúng bái, sau đó lấy một loại hoa dại cạnh miếu đem về nấu nước cho con gái uống. Cô gái tình cờ khỏi bệnh, vị quan cho người chở đá, gạch xuống dựng lại ngôi miếu. Cũng vì sự tích này mà cứ vào ngày kị của “nữ thần” là ngày 3/3 âm lịch, rất nhiều người tới đây xin lá, xin hoa đem về nấu nước uống. Trong ngày này, lễ vật cúng thường là hoa, chuối, xôi, gà và buộc phải có muối hột. Ai cũng “xin lộc” này, lấy muối này về hòa với nước điểm lên mắt cầu mong sức khỏe.
Ông Nguyễn Văn Đáng (54 tuổi, trưởng thôn Thuận Hòa) cho biết: “Vẫn biết những câu chuyện linh ứng về ngôi miếu chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nhưng có một thực tế là người làng đoàn kết, thân thiện hơn, trên bảo dưới nghe, gia đình thuận hòa, một phần vì người làng có chung một niềm tin vào “thần miếu”, để dù đi xa hay ở gần, không ai dám làm gì sai trái, từ đó cuộc sống được bình an”.