Hồ Roopkund ở độ cao hơn 5.000m so với mực nước biển trên đỉnh Himalaya, thuộc lãnh thổ Ấn Độ. Phần lớn thời gian trong năm, hồ được bao phủ bởi màn băng tuyết lạnh giá.
Năm 1942, các nhân viên kiểm lâm miền Bắc Ấn Độ đã tình cờ phát hiện ra hơn 200 bộ xương người ở một góc lòng mặt hồ Roopkund khi băng tuyết đã tan gần hết. Sau đó, người ta tiếp tục tiến hành xem xét và phát hiện ra có tới hơn 800 bộ xương người với nhiều kích cỡ khác nhau rải rác khắp hồ Roopkund.
Hồ Roopkund không có người sinh sống, nên sự tồn tại của một nhà mồ khổng lồ nơi đây là một điều rất đáng kinh ngạc. Không những vậy, cảnh tượng về những bộ xương chỉ hiện ra một lần trong năm khiến nhiều câu hỏi được đặt ra.
Sau đó các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng, hơn 800 người nằm dưới lòng hồ Roopkund là những người Ấn Độ di cư hành hương lên hồ Roopkund cùng các cư dân sống quanh khu vực này. Một cơn mưa đá với tốc độ vô cùng lớn (hơn 160km/h) đã bất ngờ xảy đến khiến cho những người này không kịp tìm chỗ ẩn nấp và thiệt mạng. Một số ít trong số họ bị thương và sau đó bị chết vì đói, rét.
Việc những bộ xương này còn nguyên là do sự bảo quản của băng tuyết trong nền nhiệt thấp của vùng hồ Roopkund.