Cảnh sát Robert Snow luôn tránh đề cập đến những chuyện mang tính tâm linh hay đưa ra các suy luận vô căn cứ về các hiện tượng bất thường của bản thân. Ông đã rất chắc chắn về sức mạnh trí óc của bản thân và cho rằng mình không thể bị thôi miên. Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh suy nghĩ này là sai. Ngay sau khi ngồi lên chiếc ghế trong phòng làm việc của tiến sĩ Mariellen Griffith, một chuyên gia tâm lý với 15 năm kinh nghiệm, Robert đã được trải nghiệm cuộc sống của nhiều kiếp trước.
Ông Robert Snow
Đúng vậy, Robert đã trải qua rất nhiều kiếp, nhưng một trong số đó đã để lại ấn tượng đặc biệt khiến ông không thể ngừng nghĩ về nó. Nó quá sống động, quá thực, đến nỗi mà ông đã bắt đầu nghi ngờ về sự sáng suốt của mình. Robert cần phải biết là chúng đến từ đâu? Vì thế nên ông đã vận dụng những kĩ năng điều tra của mình để tìm ra sự thật.
Một trong những “kí ức” đã ám ảnh Robert mạnh mẽ là studio của một nghệ sĩ sống ở thế kỷ 19.
“Tôi có một cái tủ kính nhỏ và một tủ đựng hồ sơ…Tôi rất cô đơn…Tôi nghĩ tôi là một nghệ sĩ – cả chỗ này toàn là những bức vẽ…Tôi đang vẽ một bức chân dung của ai đó. Tôi không thích vẽ chân dung…Nhưng tôi cần số tiền này.” – Trích đoạn ghi âm “kí ức” của Robert.
Sau đó, Robert miêu tả rằng ông đang vẽ một bức tranh chân dung của một người phụ nữ gù, “Tôi không nghĩ là Amanda có thể có con. Ý tôi là chúng tôi không thể có con…Tôi đang gọi một ly rượu…".
Ông còn nhớ là đã nhìn thấy một cây dương cầm và một cây gậy chống. Nhưng chỉ có một thứ cứ quanh quẩn trong tâm trí Robert, ấy là bức chân dung của người phụ nữ gù. Thật kì cục!
Robert bắt đầu bị ám ảnh bởi những kí ức này. Ông đã quyết định, cách tốt nhất đề điều tra kĩ càng hiện tượng này là cố gắng tìm được bức tranh đó. Robert hy vọng có thể đã nhìn thấy nó trong một cuốn sách hoặc ở một bảo tàng nào đó. Đây là việc làm lý trí duy nhất mà ông có thể làm…bất cứ điều gì có liên quan đến cuộc sống ở kiếp trước. Ông đã tìm kiếm hàng trăm cuốn sách ở thư viện nhưng không có kết quả.
Sau một năm, gần như là tình cờ, vợ ông đề nghị đi du lịch ở New Orleans. Một buổi chiều khi Robert tới thăm một phòng tranh ở Khu phố Pháp, nơi đang trưng bày những bức tranh cổ từ một bộ sưu tập cá nhân. Ở đó, ông nhìn thấy bức chân dung của người phụ nữ gù, chính là bức vẽ đã xuất hiện rất sống động trong kí ức về quá khứ của Robert.
Bức chân dung người phụ nữ gù
“Mọi thứ xung quanh dường như đang quay cuồng. Tôi há hốc miệng nhìn chằm chằm vào bức chân dung, kí ức về những điều trong một quá khứ mà tôi hoàn toàn không có chút ít khái niệm nào về nó đang hiện lên rõ mồn một, và như có một luồng điện hàng trăm vôn đang chạy dọc trong người, làm tay chân tôi đông cứng lại...
Phải mất nhiều phút sau đó, tôi đã không tiến đến gần bức tranh mà nhắm mắt đứng yên tại chỗ để lại một lần nữa nhìn thấy cảnh tượng chính mình đang vẽ bức tranh đó trong studio, và rồi lại mở mắt ra để nhìn thấy một bức vẽ hoàn chỉnh hiển hiện trước mắt.
Mọi thứ bắt đầu tạo nên cảm giác kì quái, giống như bạn vừa tỉnh lại sau một giấc mơ quá sức sống động, và sau đó bạn phải tự nói với bản thân rằng đó chỉ là một giấc mơ mà thôi. Đó không phải là sự thật.
Cuối cùng, mặc dù tôi biết, với một sự chắc chắn tuyệt đối rằng đó chính là bức tranh mà tôi đã thấy trong khi bị thôi miên, nhưng tôi vẫn cố gắng thuyết phục bản thân rằng đó chỉ là mơ bởi điều này quá sức kì quặc nếu là sự thật.
Sau khi dành ra vài phút nữa để cân nhắc kĩ càng hơn, tôi bắt đầu nhận thấy sự tuyệt vọng trong việc tìm ra lời giải đáp cho toàn bộ chuyện này. Nhưng dù có thất vọng hay không thì những chuyện như thế này không thể xảy ra trong đời thực.
Làm sao có thể trùng hợp đến như vậy khi bỗng dưng Melanie đòi đi New Orleans? Tại sao chúng tôi lại đến phòng tranh này để rồi bức vẽ hiện ra ngay trước mắt tôi đây?”
Sau đó, Robert mới biết người đàn ông đã vẽ bức chân dung ấy tên là Carroll Beckwith, người luôn đi lại với một cây gậy chống và sở hữu một studio riêng. Robert tìm hiểu kĩ hơn và cuối cùng phát hiện ra rằng Beckwith có một cuốn nhật ký viết tay được lưu giữ ở Học viện thiết kế quốc gia. Trong đó chứa toàn bộ những chi tiết về cuộc đời người nghệ sĩ này, từ năm 19 tuổi cho đến một ngày trước khi ông qua đời ở tuổi 65.
Carroll Beckwith – một trong những “kiếp trước” của Robert Snow
Mọi thứ đều nằm trong cuốn nhật ký đó, chuyện Beckwith yêu thích rượu như thế nào, chuyện vợ ông ta không thể có con, nỗi cô đơn của ông ta... Điều này có liên quan tới việc ông ta phải đi lại với sự hỗ trợ của gậy chống và rằng ông ta ghét phải vẽ tranh chân dung biết bao nhiêu, cùng với ghi chú cuối cùng, cái ngày trước khi ông qua đời – về một bức chân dung của một phụ nữ gù.
Thực sự thì có đến 28 chi tiết cụ thể được tiết lộ trong cuốn băng ghi âm lúc Robert bị thôi miên đã được chứng thực là ăn khớp hoàn toàn với cuốn nhật ký cá nhân 17 nghìn trang giấy của Carroll Beckwith.
Sau toàn bộ những chuyện này, ngài cảnh sát trưởng Robert Snow đã phải thay đổi hoàn toàn cái nhìn về thế giới. Tất cả mọi thứ đều có ý nghĩa và mục đích mới. Trong khi đang cố gắng “làm quen” với những kiến thức mới thì Robert vẫn phải giữ kín toàn bộ thông tin về cuộc điều tra cá nhân này nếu không muốn chức vụ hiện tại bị hủy hoại nghiêm trọng.
Cuối cùng, sau khi nghỉ hưu, Robert đã tiết lộ toàn bộ sự thật. Câu chuyện của ông đã trở thành một trong những câu chuyện được nghiên cứu kĩ càng nhất và cũng là một bằng chứng thuyết phục nhất về sự hồi sinh.