DN nước ngoài: Đầu tư mạnh
Đáng chú ý nhất là Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam (CP). Sau gần 20 năm sang Việt Nam đầu tư ở lĩnh vực chăn nuôi, mới đây CP đã lên kế hoạch trong năm 2012 sẽ xây dựng chuỗi 10.000 điểm bán lẻ, cửa hàng trên cả nước cung cấp thực phẩm sạch.
Ông Chamnan Wangakkarangkul, Phó tổng giám đốc CP Việt Nam cho hay, kinh doanh thực phẩm sạch đang là xu hướng mới mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải nhắm đến. Để thực hiện tham vọng này, CP xây dựng nhiều nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, cùng với việc phát triển hệ thống chăn nuôi khép kín để hỗ trợ việc xây dựng, phát triển chuỗi thực phẩm sạch này.
CP cho biết công ty này sẽ hợp tác với những đối tác có mặt bằng đẹp để xây dựng cửa hàng. Công ty sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu và chỉ dẫn hình thức kinh doanh, bảo đảm, chế biến. Hiện CP đã thực hiện xong 30% của tổng số 10.000 cửa hàng.
Ông Chamnan Wangakkarangkul cũng thông tin, đây là bước đi cuối cùng trong việc khép kín quy trình kinh doanh, từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất con giống, đầu tư trang trại chăn nuôi, chế biến và phân phối thực phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng, mà CP đã thực hiện thành công tại Thái Lan.
Được biết, hiện CP đang chiếm khoảng 5% thị phần thịt heo, 30% thị phần thịt gà ở thị trường cả nước.
Ngoài CP, mới đây một số doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đang khẩn trương xúc tiến tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để xây dựng chuỗi phân phối thực phẩm sạch. Mục tiêu mà các nhà đầu tư nước ngoài này hướng đến là sẽ xây dựng các chuỗi siêu thị, điểm bán lẻ thực phẩm an toàn ở TP. HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương…
DN trong nước: Liên kết để tồn tại
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng việc doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh thị trường chăn nuôi, sau đó chi phối luôn mảng phân phối, bán lẻ thực phẩm sạch là điều đã được dự báo. Thế mạnh của doanh nghiệp nước ngoài là có tiềm lực vốn mạnh, quy trình sản sản xuất khép kín từ khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến phân phối, bán lẻ.
“Sự cố heo tạo nạc vừa rồi, người chăn nuôi trong nước kiệt quệ, còn người tiêu dùng hoang mang không biết dùng thực phẩm gì. Nắm bắt cơ hội này, doanh nghiệp nước ngoài lập tức xây dựng chuỗi thực phẩm sạch để cung cấp cho thị trường là điều không có gì lạ. Chỉ có điều, sau chăn nuôi thì kinh doanh mặt hàng này lại có nguy cơ rơi vào nhà đầu tư ngoại”, ông Công nói.
Liên kết khâu sản xuất, giết mổ là điểm yếu của doanh nghiệp trong nước. (Ảnh: Trung Hiếu)
Ông Phùng Khôi Phục, Phó tổng giám đốc Tổng Công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (DOFICO) thừa nhận: Thực lực kinh tế chưa cho phép doanh nghiệp trong nước xây dựng được hệ thống cửa hàng bài bản như doanh nghiệp nước ngoài. Bản thân DOFICO được đánh giá là một doanh nghiệp mạnh trong ngành thực phẩm, nhưng một năm cũng chỉ dám mở vài cửa hàng bán lẻ thực phẩm sạch.
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nhận định: nhiều sự cố về thực phẩm như vừa qua chính là cơ hội cho doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch "ghi điểm". Hiện Vissan có 87 cửa hàng và trong năm nay sẽ phát triển lên 100 cửa hàng thực phẩm sạch.
Dù hoan nghênh việc CP mở nhiều cửa hàng bán thực phẩm sạch sẽ có lợi cho người tiêu dùng, nhưng ông Mười cũng băn khoăn không hiểu cơ sở nào để trong một thời gian ngắn CP có thể mở được nhiều điểm như vậy.
“Trước đây CP công bố mở 100 cửa hàng bán thực phẩm sạch ở TP. HCM. Tuy nhiên, sau khi triển khai khoảng 15 cửa hàng, công ty này ngừng lại. Sau đó, phần lớn cửa hàng đã mở cũng ngừng hoạt động”, ông Mười cho hay.
Theo ông Mười, không nên quá lo ngại về việc ngành chăn nuôi cũng như thực phẩm sẽ bị doanh nghiệp nước ngoài chi phối, bởi mỗi doanh nghiệp có một chiến dịch cạnh tranh khác nhau. Tuy nhiên, điểm yếu của doanh nghiệp trong nước là chưa có sự khép kín giữa các khâu sản xuất, kinh doanh, trong khi doanh nghiệp nước ngoài lại làm tốt điều này.
Còn Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Trí Công cho rằng, để cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, nhà nước cần chú trọng đầu tư nhiều hơn nữa cho nông nghiệp, trong đó tập trung vào người chăn nuôi. Ngoài ra, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cần phải có sự liên kết các khâu chăn nuôi, giết mổ, chế biến, phân phối để tiết giảm chi phí thì mới có thể canh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.