Thông tin này được đề cập trong bản “Nghiên cứu toàn cảnh về kiều hối tại Việt Nam và những đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) do Westen Union tài trợ.
Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới với tổng giá trị kiều hối là 11 tỷ USD năm 2013, chiếm 8% GDP.
Kết quả nghiên cứu của CIEM công bố cho thấy, trong giai đoạn từ năm 1991 – 2013 lượng kiều hối chính thức vào Việt Nam hàng năm đã tăng trưởng trung bình 38,6%, với tổng giá trị kiều hối là 80.386 triệu USD.
Cũng theo kết quả nghiên cứu của CIEM, trong 3 năm trở lại đây tỷ trọng người nhận kiều hối có mục đích sử dụng vào: chi tiêu hàng ngày chiếm 35,1%; sản xuất và kinh doanh chiếm 16,2%; tiết kiệm chiếm 10,5%. Nhu cầu dùng tiền kiều hối chữa bệnh chiếm 8,5%; mua sắm vật dụng lâu bền/xây dựng/sửa chữa nhà chiếm 6,9%...
“Hơn 16% dòng tiền kiều hối chảy vào lĩnh vực kinh doanh và sản xuất, đóng vai trò “phao cứu sinh” cho các nhà đầu tư không thể vay vốn ngân hàng do các quy định nghiêm ngặt về vay vốn”- nghiên cứu chỉ rõ.
Về lĩnh vực đầu tư, tỷ trọng người nhận kiều hối chiếm phần lớn nhất dùng để gửi ngân hàng nhận tiền lãi, chiếm hơn 30% tổng số người được khảo sát. Sản xuất và dịch vụ chiếm 27-30%, đầu tư và kinh doanh vàng khoảng 20%; thị trường bất động sản chiếm 16-17% trong 3 năm gần đây. Kết quả này khác biệt so với một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hồ Chí Minh công bố gần đây khi cho rằng, xét về giá trị, kiều hối được sử dụng nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, bất động sản trong 2-3 năm trở lại đây.
Đánh giá về “chất lượng” tiền kiều hối “chảy” vào Việt Nam thời gian qua, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, kiều hối cũng có tác động 2 mặt, nhưng tác động tới kinh tế vĩ mô và vi mô của Việt là khá tích cực.
“Kiều hối đã giúp Việt Nam tích trữ ngoại hối nhất là trong 2 – 3 năm vừa qua”- ông Thành nói.
Ngoài ra, tiền kiều hối về Việt Nam đã “đổ” về chứng khoán, bất động sản ít hơn thời gian trước, thay vào đó là “dồn” vào sản xuất, kinh doanh. “Đây là tín hiệu tích cực cho luồng tiền kiều hối, đóng góp gia tăng dự trữ ngoại hối của Việt Nam trong giai đoạn này”- TS. Thành nói.
Cũng theo báo cáo của CIEM, Hoa Kỳ là quốc gia chuyển tiền kiều hối về Việt Nam nhiều nhất, trong giai đoạn 2010 – 2012 chiếm tới 57% tổng số kiều hối chính thức của cả nước. Trong cùng kỳ, các quốc gia chuyển kiều hối lớn tiếp theo là Úc (khoảng 9% tổng giá trị cả nước), Canada (8,4%), Đức (hơn 6%), Campuchia (hơn 4%) và Pháp (khoảng 4%).
Trong giai đoạn 2007 – 2013 nguồn vốn kiều hối là nguồn vốn lớn thứ 2 tại Việt Nam (sau vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thực hiện) và lớn hơn cả vốn viện trợ chính thức ODA đã giải ngân. Đặc biệt, trong giai đoạn 2004 – 2006 kiều hối là nguồn vốn lớn nhất của Việt Nam. Dòng kiều hối về nước đã trải qua các giai đoạn tăng trưởng cao trong giai đoạn 2000 – 2007 và sụt giảm trong giai đoạn 2007 – 2017, với tổng mức giá trị dao động tương đương gần 8% GDP cả nước. Ước tính, năm 2014 ước lượng kiều hối “đổ” về Việt Nam khoảng 11-12 tỷ USD.