Kiếp phu vàng và những trái đắng đầy xót xa

Ảo tưởng bởi những thỏi vàng ròng sớm thay đổi cuộc sống, nhiều người đã đánh đổi tất cả để đeo đuổi giấc mơ vô vọng đó.

Chuyện hai vợ chồng Nguyễn Sỹ Tình cùng đứa con gái 5 tuổi mang trong mình căn bệnh thế kỷ, từ những tháng ngày chồng lang thang làm phu đào vàng tại Sơn La. Hoàn cảnh khó khăn cùng với án “tử hình” treo lơ lửng trên đầu khiến họ đang chới với giữa những vòng xoáy cuộc sống đời thường. Giờ đây giữa sự thật phũ phàng, hai vợ chồng chỉ còn biết ôm con, tựa cửa chờ… chết!

Hỡi ôi cái kiếp phu vàng!

Vợ chồng anh Nguyễn Sỹ Tình (SN 1974), thôn Tri Hòa, xã Quảng Phong, huyện Quảng Xương là trường hợp có hoàn cảnh rất bi đát. Công ăn việc làm không ổn định, sức khỏe ngày càng sa sút cùng với sự xa lánh của mọi người khiến đôi vợ chồng trẻ nhiều lúc bế tắc hoàn toàn. Đôi khi, họ chỉ muốn chết cho đỡ khổ, nhưng vì con cái họ cố gắng gượng từng ngày mong sao kiếm bát cơm, bát cháo để con không phải chịu cảnh mồ côi. Khuôn mặt hốc hác, thâm cuồng vì những đêm dài thức trắng chờ khách chạy xe ôm, anh Tình vẫn chưa hết bàng hoàng chia sẻ: Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, nhà lại đông anh em. Năm tôi 7 tuổi bố mẹ cho tôi đi ở thuê tại Quảng Ninh, ở đó tuy vất vả nhưng tôi vẫn cam chịu, điều tệ hại nhất là tôi thường xuyên bị họ đánh, chửi. Sau 6 năm ở thuê với bao nhiêu khổ cực, cay đắng tôi đã bỏ về quê. Cái nghèo, cái đói từ bao đời nay cứ vây bám, đẩy gia đình tôi vào cảnh cùng cực.

Không thể cam chịu số phận, năm 1993 theo người anh em tôi bắt đầu lang thang tại các bãi vàng ở Sơn La, thời gian đầu đi bán kem, bán lồng, bán hàng tạp hóa… Một thời gian sau tôi cũng như bao người khác với ước mơ đổi đời, chấp nhận gửi phận mình vào vào các bãi đãi vàng đầy nguy hiểm, ăn cơm trần gian, làm việc dưới địa phủ. Cuộc sống giàu sang đâu không thấy. Từ sáng sớm, đến tối mịt, nai lưng ra làm nhưng tiền chủ yếu rơi vào túi các ông chủ, ở đó chúng tôi bị ràng buộc bỡi rất nhiều luật rừng, hễ làm sai, trái điều gì liền bị những trận đòn không nương tay. Đến bây giờ tôi cũng không biết mình bị HIV từ lúc nào, lây qua đường nào, bỡi ở bãi vàng tôi có hút thuốc phiện… nhưng không nghiện. Sau đó về quê, một vài lần thử trích nhưng không dùng bơm tim chung, sau đó không hút, trích nữa. Nghe bác sỹ bảo tôi bị HIV cách đây khoảng 5 năm. Năm 1997 tôi về quê lấy vợ. Hạnh phúc bắt đầu chớm nở sau bao giông bão cuộc đời. Năm 2000 tôi giải nghệ về với vợ con, vì thực ra đi làm như thế nhưng có giúp gì được vợ con đâu, bỡi ngày công thấp, mọi cho phí lại đắt đỏ…

Chị Dương Thị Phượng (SN 1978), vợ anh Tình chán nản, thất vọng cho biết: Cuộc sống tuy vất vả nhưng có chồng con bên cạnh tôi cảm thấy an ủi rất nhiều. Năm 2011 tôi bị ốm nặng đi khám mới biết mình mắc HIV. Cầm kết quả xét nghiệm trên tay tôi suy sụp hoàn toàn. Điều tôi lo sợ nhất cũng đã đến, trong 4 đứa con, đứa con gái thứ 3 (5 tuổi) đã bị lây truyền từ bố mẹ. Do sức khỏe yếu, lại không có tiền bồi dưỡng, cháu nó thường xuyên ốm đau,  phận làm bố mẹ đã không lo được chu đáo cho con, lại khiến con bị bệnh tật từ bố mẹ như thế này, đau xót quá chú ơi!  Lẽ ra cháu nó đi học mẫu giáo từ năm ngoái, nhưng do yếu quá, năm nay cháu mới đi học. Nhà không có tiền để cháu ở lại bán trú, hơn nữa cũng tránh ngại cho các phụ huynh khác, ngày 4 lần vợ chồng thay phiên đưa, đón con. Hằng đêm thao thức không ngủ, cảm giác tội lỗi với những đứa con bé bỏng trĩu nặng. Thằng con trai đầu 15 tuổi, đang học lớp 8 thì bỏ, do cháu không chịu được những lời bàn tán, dị nghị của bạn bè. Nó đi bán tăm trong Nam, mong sao phụ giúp được bố mẹ phần nào.

Hệ luỵ đâu phải một đời!

Ngôi nhà 3 gian được lợp bằng những tấm bờ rô đó là kết quả từ những buổi sớm tranh thủ đóng từng viên gạch của anh Tình, cùng với sự giúp đỡ của bà con, vật dụng trong nhà không có gì đáng giá ngoài chiếc ti vi cũ. Anh Tình cho biết thêm: Từ ngày rời bãi vàng, về nhà làm ruộng, đan rổ rá, đi làm cửu vạn trên thành phố… con cái thỉnh thoảng cũng được bữa cơm thịt lợn hay hộp sữa tươi. Sau khi phát hiện bệnh, tâm lý nặng nề, sức khỏe sa sút, phải đi truyền máu cả tháng trời. Kinh tế đã không có, là lao động chính trong nhà giờ nằm một chỗ, gia đình càng túng quẩn hơn. Năm 2011, được quỹ Tình thương cho vay 3 triệu đồng, mua xe máy cũ chạy xe ôm. Ngày gặp khách thì được vài ba chục, trừ tiền xăng, ăn trưa, còn lại mang về nhà được một ít, ngày vắng khách bỏ tiền túi ra mua xăng.

Chị Phượng nghẹn ngào: Khi 2 vợ chồng cưới nhau, nội, ngoại đều nghèo nên chỉ có 2 bàn tay trắng. Trước kia khỏe mạnh, đi làm thuê, phụ giúp được chồng chút ít. Từ ngày biết tin bị bệnh, bà con ngại không ai thuê nữa, gạo chạy vay từng bữa, cay đắng, tủi nhục vô cùng. Năm 2011, cả 2 vợ chồng ốm liệt giường, tưởng không qua được, may nhờ lòng hảo tâm của bà con, quyên góp được mấy triệu, vợ chồng mới vượt qua được. Hiện cả nhà đang điều trị ARV, cùng chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sức khỏe có phần cải thiện hơn, bà con cũng hiểu, chia sẻ hơn. Đó là nguồn động viên rất lớn đối với vợ chồng tôi. Điều day dứt nhất là 4 đứa con, thằng đầu 15 tuổi, đứa con út mới gần 3 tuổi. Không biết tương lai của chúng rồi đây sẽ như thế nào, khi sức khỏe của bố mẹ ngày càng yếu.

Một tương lai mờ mịt của vợ chồng anh Tình đã được dự báo trước, khoảng cách của sự chia ly, cách trở mỏng manh trong gang tấc. Mong ước đổi đời của phu đào vàng chỉ là giấc mơ cay đắng. Giờ đây khi đối diện với bệnh tật họ càng khao khát sống hơn bao giờ hết. Tình mẫu tử trĩu nặng đôi vai, nước mắt của những người làm bố, mẹ chảy dài cùng với sự ân hận muộn màng. Họ tiếc thương cho phận mình vì đuổi theo giấc mơ đổi đời từ kiếp phu vàng mà giờ chỉ có “thần chết” chờ làm bạn.