Kiểm tra taxi Uber hoạt động không hợp pháp

Ngay trong buổi sáng 7/1, Thanh tra giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã xử lí và lập biên bản cho trên 10 trường hợp xe vi phạm.

Hôm nay (7/1), tại ga Quốc nội sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Cảnh sát giao thông kiểm tra, xử phạt xe ô tô tham gia kinh doanh nhưng không đăng ký kinh doanh, phù hiệu hay bảng hiệu,... trong đó có xe sử dụng phần mềm taxi Uber.

Lúc 8h30 sáng 7/1, 1 chiếc ôtô chở khách đến sân bay Tân Sơn Nhất. Qua kiểm tra ban đầu, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe kinh doanh chở khách nhưng không có logo, biển hiệu nên đã yêu cầu tài xế xuất trình các giấy tờ liên quan.

Tài xế Tiêu Minh Khải, 42 tuổi, lái xe cho công ty Hải Trung Kiên không xuất trình được giấy tờ nên đã bị Thanh tra giao thông tạm giữ phương tiện và một sổ kiểm định xe. Đồng thời, Thanh tra giao thông đã lập biên bản hành chính với lỗi “kinh doanh vận tải bằng ôtô mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định”. Tài xế Tiêu Minh Khải phân trần: “Tôi chỉ biết đưa đón khách theo đúng địa chỉ mà khách hàng đặt xe. Tôi chỉ biết đưa và trả khách và không biết hợp đồng gì cả. Lần này, tôi thiếu giấy phép kinh doanh đưa đón, vận chuyển hành khách. Xe này hoạt động theo chính sách của uber nên không có logo biển hiệu”.

Tại thời điểm kiểm tra, hành khách ngồi trên xe là ông Đoàn Đức Nguyên. Ông Nguyên cho biết, ông đã đặt xe qua ứng dụng phần mềm Uber và đi từ Nhà văn hóa Thanh Niên đến Sân bay Tân Sơn Nhất đón người thân.

Kết thúc chuyến đi, điện thoại của ông Nguyên được thông báo số tiền cước 91.000 đồng, thanh toán cước qua thẻ Visa. Ông Nguyên cho biết, cách đặt xe như thế này, giá cước rẻ hơn rất nhiều so với taxi truyền thống nhưng ông cũng chưa yên tâm vì sự an toàn của hành khách chưa được đảm bảo.

Ông Nguyễn Trung Ngôn, thanh tra viên của Thanh tra Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Xe vi phạm chủ yếu là những xe không có phù hiệu, không có bảng hiệu, bộ đàm, đồng hồ tính cước taxi hay giấy phép kinh doanh vận tải,... Nhiều tài xế tỏ ra thắc mắc về những lỗi vi phạm đều được lực lượng thanh tra giao thông giải thích cặn kẽ".

Cùng với việc chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành thanh kiểm tra, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Công ty Uber chỉ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải có đủ điều kiện kinh doanh về giấy phép, phương tiện, lao động… theo đúng quy định, dù Công ty Uber kinh doanh về công nghệ. Đồng thời doanh nghiệp kinh doanh vận tải ký hợp đồng với Công ty Uber phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật khi cung cấp phương tiện, lái xe có sử dụng phần mềm Uber, đặc biệt là thực hiện đầy đủ trách nhiệm của đơn vị kinh doanh vận tải.

Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết: “Doanh nghiệp hoạt động cung ứng uber phải được đăng kí và tuân thủ theo các quy định vận tải của pháp luật Việt Nam. Hiện nay, một số doanh nghiệp chưa đăng kí nhưng vẫn hoạt động theo taxi Uber này. Hiện nay Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các doanh nghiệp khai báo, đăng kí để tạo điều kiện thuận lợi cho người khác, đảm bảo đi lại an toàn, an ninh cũng như đóng thuế đầy đủ đối với Nhà nước”.

Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chỉ đạo các đơn vị thanh tra đột xuất và định kỳ đối với các xe hoạt động theo hình thức này, nếu không đảm bảo các qui định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và Uber cũng phải chịu trách nhiệm liên đới.