Đó là một căn phòng được gọi là ‘Phòng Gia đình’, một nơi thiêng liêng riêng tư sau thảm kịch kinh hoàng ngày 11/9/2001.
Nơi đây, người nhà của những nạn nhân tử nạn đặt lên đó những kỷ vật, hoặc những dòng tâm tư gửi riêng cho người đã khuất.
Một kỷ vật được đặt ở ‘Phòng Gia đình’, mở cửa năm 2002 trong một tòa nhà đối diện với khu Trung tâm Thương mại Thế giới cũ.
Đúng dịp kỷ niệm 13 năm kể từ khi nước Mỹ rung chuyển vì vụ tấn công nhằm thẳng vào trái tim cường quốc, Tổng thống Barack Obama một lần nữa tuyên bố gửi quân trở lại chiến trường mà họ chưa kịp rút hết quân đi, Iraq.
Dù lực lượng này không trực tiếp tham chiến, nhưng rõ ràng là người Mỹ vẫn chưa xong việc, nếu không nói là một tương lai u ám hơn đang chờ đợi họ tại đây.
Iraq hiện nay không phải là Afghanistan của 13 năm trước. Taliban cũng không phải là nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ngày nay. Iraq hiện nay đã phân rã và xé toang thành nhiều mảnh, và chìm trong bạo tàn của IS, mà ngay cả Taliban hay al-Qaeda cũng không được coi là đối thủ.
IS là nhóm quân thánh chiến Sunni, được lập ra trong thời kỳ xung đột sắc tộc ở Iraq, sau khi Tổng thống Saddam Hussein bị Mỹ và đồng minh lật đổ năm 2003. Hồi tháng 6, nhóm này lập một ca líp, hiện trải dài từ bắc Syria tới miền trung Iraq.
Đau thương từ các cuộc chiến thì đều giống nhau. Không ai so sánh giữa sự kiện hàng ngàn người chết trong vụ sập tòa tháp và hai nhà báo Mỹ vừa bị hành quyết, để xem sự kiện nào dã man hơn.
Với Mỹ, cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu nay khốc liệt hơn rất nhiều. Bởi họ chỉ mới tiêu diệt được một cơ số kẻ đứng đầu lực lượng khủng bố này, thì đã có vô số nhóm khủng bố hoặc nhân tố phi nhà nước nổi lên, len lỏi và vượt ra khỏi khu vực Trung Đông. IS chỉ là một trong số đó.
Kẻ thù mà nước Mỹ tìm diệt không những nhân lên về số lượng, mà còn trở nên tàn bạo hơn, cố kết chặt hơn trên toàn khu vực, địa bàn hoạt động rộng hơn và sức công phá của vũ khí cũng khủng khiếp hơn.
Toàn cảnh căn ‘Phòng Gia đình’, trên tầng 20 của tòa nhà Liberty Plaza.
Nếu trước kia, Osama bin Laden chiếm được 4 chiếc máy bay để tấn công Mỹ. Thì nay, tại sân bay Tripoli các lực lượng Hồi giáo cực đoan 'Bình minh Libya' được cho là đã thu được 11 máy bay dân sự, sau khi đánh chiếm sân bay này. Mỹ đã lên tiếng lo ngại số máy bay đó được dùng để tái hiện thảm kịch 11/9.
Lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng không chỉ có súng ống, đạn dược, mà còn chiếm được số nguyên liệu hạt nhân trong kho vũ khí cũ ở Iraq. Với số tài nguyên đó và các mạng lưới thành viên có năng lực và kỹ thuật cao hơn, mối đe dọa với Mỹ còn khủng khiếp hơn so với việc 2 tòa tháp bị sập.
Chẳng hạn, kịch bản xa vời nhất nhưng không phải không có căn cứ - đó là một quả bom hạt nhân nổ trên bầu trời Mỹ, đánh sập toàn bộ mạng lưới điện quốc gia. Giới chức Quốc phòng Mỹ từng cảnh báo, một tình huống như vậy có thể khiến đất nước của họ đứng trước nguy cơ diệt vong.
Nhưng có lẽ, thách thức lớn nhất hiện nay trong cuộc chiến chống khủng bố lại không phải là vấn đề của chỉ riêng người Mỹ, hay Tổng thống của họ.
IS không chỉ đe dọa Mỹ, mà còn thách thức Nga, kết nạp các thành viên cực đoan người Trung Quốc, và lực lượng bất mãn ở nhiều quốc gia khác, kích động chiến tranh ở những điểm nóng xung đột. Khủng bố hiện nay kết nối với nhau trên nhiều châu lục, tựa như với mục đích thành lập nên một dạng ‘mặt trận thống nhất’.
Trong khi đó, phe còn lại chỉ có Mỹ và các đồng minh thân cận. Hai người chơi chủ chốt khác là Nga, Trung "bị loại" vì vấn đề khủng hoảng Ukraina, tranh chấp ảnh hưởng ở Đông Á. Và trên tất thảy, vào lúc này hai bên còn đang mải trừng phạt nhau không nương tay hết vòng này tới vòng khác.
Nước Mỹ từng bỏ qua lời cảnh báo của Nga về đối tượng tình nghi khủng bố là sinh viên trường MIT của Mỹ. Sau đó, chính đối tượng này đã đánh bom giải chạy bộ ở Boston. Thực tế đó minh chứng rằng, thiếu sự tin cậy và hợp tác quốc tế thì cái được gọi là ‘mặt trận chống khủng bố toàn cầu’ khó mà hình thành nổi.
Đây là cuộc chiến mà Mỹ và đồng minh không thể đơn độc, nếu thiếu các đối tác lớn khác. Và nếu không thể ngăn được tính hung tàn của khủng bố, thì những nỗi ám ảnh đang bao trùm trong căn ‘Phòng Gia đình’ sẽ chẳng thể nguôi ngoai. Cũng như, ai biết được ở nơi nào trên thế giới sẽ có những căn phòng tương tự như vậy nữa không?