DN xin “hoãn” tăng lương
Theo số liệu 6 tháng đầu năm nay do Tổng cục Thống kê vừa công bố, có tới gần 26.600 doanh nghiệp (DN) giải thể, ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm (tăng 5,4% so với cùng kỳ). Còn tại TP. HCM, cũng có tới gần 70% DN báo lỗ.
Dẫn chứng từ hai số liệu trên, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, tại hội nghị lấy ý kiến đề án tăng lương khu vực phía Nam trung tuần tháng 8 vừa qua, lấy lý do 6 tháng cuối năm còn gặp nhiều khó khăn, cũng có ý kiến đề nghị lùi thời gian thực hiện từ 3-6 tháng để chia sẻ với tình hình sản xuất, kinh doanh khó khăn của DN.
Nhìn nhận từ góc độ chủ sử dụng lao động, ông Phạm Gia Túc, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam bày tỏ: "Về nguyên tắc, chúng tôi ủng hộ và hiểu việc điều chỉnh trong các loại hình DN nằm trong lộ trình đã được xác định. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, các DN đang gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh (chi phí vay vốn cao, sức mua giảm sút, thị trường co hẹp…) thì việc gia tăng các chi phí sản xuất sẽ làm trầm trọng thêm tình hình khó khăn của DN, có thể dẫn tới nguy cơ phá sản hàng loạt. Ngoài ra, điều chỉnh lương tối thiểu không chỉ làm gia tăng chi phí thuê lao động, mà còn tác động ngay lập tức tới mặt bằng giá cả thị trường. Tại VN, lương tối thiểu có tác động tới đại bộ phận DN. Tôi đề nghị lùi thời điểm thực hiện điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong các loại hình DN”.
Ông Ngô Chí Hùng, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội đề xuất, nên dồn thời điểm điều chỉnh lương trong các loại hình DN cùng với thời điểm tăng của khối hành chính sự nghiệp (tức là vào ngày 1.5) để người lao động (NLĐ) đỡ phải thắc mắc, còn DN không phải giải thích nhiều lần.
Người lao động không thể chờ
Bên cạnh một số ý kiến đề nghị lùi thời điểm điều chỉnh lương, tại hội nghị, nhiều đại biểu lại không đồng tình với ý kiến lùi thời gian tăng tương sau ngày 1/1/2013.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Tổng Liên đoàn lao động cho biết, theo khảo sát của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ đáp ứng được hơn 60% nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình.
“Nếu DN chỉ trả tiền lương cho NLĐ dựa trên mức lương tối thiểu thì chắc chắn NLĐ sẽ không đủ sống để làm việc, do đó các DN phải trả thêm cho NLĐ các khoản phụ cấp hoặc trợ cấp bổ sung để NLĐ có mức thu nhập bình quân từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều DN khu vực FDI và DN tư nhân chủ yếu dựa vào tiền lương tối thiểu để trả cho NLĐ hoặc cao hơn mức lương tối thiểu một chút; đồng thời lấy tiền lương làm cơ sở đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Với mức đóng đó, NLĐ sau mấy chục năm làm việc, khi về hưu sẽ nhận được khoản lương hưu dưới mức nghèo đói, đó là gánh nặng cho xã hội”, ông khẳng định.
Khảo sát trên của Tổng Liên đoàn lao động cũng tương đồng với với nghiên cứu của Bộ LĐ-TB-XH, mức lương tối thiểu theo từng vùng (2 triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng I và 1,4 triệu đồng/tháng áp dụng cho vùng IV) mới chỉ đáp ứng được khoảng 57-63% so với nhu cầu của NLĐ. Trong khi liên tục trong thời gian gần đây, giá điện tăng, nước tăng, xăng dầu tăng kéo theo các mặt hàng khác đều tăng. Vì vậy, ông Hoàng Minh Hào, Phó vụ trưởng Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, năm 2013, cần thiết phải điều chỉnh lương tối thiểu vùng khu vực DN theo đúng quy định của Bộ luật Lao động.
Không đồng tình với việc DN viện lý do khó khăn, lùi thời gian tăng lương, bà Mai Anh, Phó chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Thái Bình bức xúc: “DN chỉ kêu khó, phải cân nhắc khi trả lương cho hàng nghìn lao động. Những lúc họ được hưởng lợi từ nguồn lao động dồi dào sao không thấy kêu”. Cho rằng, nếu không có NLĐ, DN không thể sống và tồn tại, bà Mai Anh kiến nghị, chọn phương án 1 tăng lương cho NLĐ là hợp lý hơn cả.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, Bộ đã lường trước việc điều chỉnh lương tối thiểu chắc chắn gặp khó khăn bởi đây là vấn đề nhạy cảm có liên quan đến NLĐ và DN. Vì vậy trong những lần điều chỉnh gần đây, bên cạnh lấy ý kiến của các bên liên quan theo quy định của Bộ luật Lao động, Nhà nước đã nhiều lần lấy ý kiến của DN, tổ chức hiệp hội… về mức tăng cùng thời điểm tăng. Việc công bố mức tăng thường được thực hiện trước thời điểm áp dụng từ 2-3 tháng, đồng thời thông báo rộng rãi đến các DN. Chọn thời điểm tăng lương 1/1/2013 là hợp lý nhất vì trùng với niên độ tài chính của DN.
Ông Huân cũng cho biết, trong tháng 9 dự thảo điều chỉnh lương tối thiểu trong các loại hình DN sẽ được trình Chính phủ và sẽ được công bố vào tháng 10 tới.
Hai phương án điều chỉnh mức lương tối thiểu Phương án 1: Mức 2.700.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I; vùng II là 2.400.000 đồng/tháng; vùng III là 2.130.000 đồng/tháng và vùng IV là 1.930.000 đồng/tháng. Phương án 2: Mức 2.500.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn vùng I; vùng II mức 2.250.000 đồng/tháng; vùng III mức 1.950.000 đồng/tháng; vùng IV 1.800.000 đồng/tháng. |