Cụ thể, từ năm 2009 đến nay, Việt Nam ghi nhận 55 ca phản ứng nặng sau tiêm chủng, trong đó có 17 trường hợp được kết luận có thể có liên quan đến tiêm chủng. Liên quan đến tiêm chủng ở đây có thể có rất nhiều lý do, từ phản ứng cơ thể quá mẫn, cơ thể kích ứng với kháng nguyên lạ…
“Không có vắc – xin nào an toàn 100%.Quan trọng nhất là phải cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ. Chúng ta tiêm vắc-xin và hàng chục triệu trẻ em phòng được rất nhiều bệnh nguy hiểm, hay trước một ca phản ứng nặng do cơ thể quá mẫn cảm với vắc- xin mà ngừng tiêm chủng?” – GS.TS Nguyễn Trần Hiển nói.
Ông Kohei Toda - Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng, không vắc-xin nào an toàn 100%, chất lượng vắc-xin nội địa của Việt Nam rất tốt. Đối với những trường hợp có phản ứng nặng sau khi tiêm vắc-xin, đều đã có kết luận của hội đồng, phần lớn không liên quan, còn những trường hợp còn lại chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi.
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, nhờ tiêm chủng, tỷ lệ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ em đã giảm đáng kể. Tỷ lệ tử vong trẻ dưới năm tuổi giảm một nửa. Việt Nam đã thanh toán được nhiều bệnh lý nguy hiểm như uốn ván sơ sinh, ho gà và tiến tới loại trừ sởi trong năm 2012…
Thứ trưởng khẳng định rằng, Bộ Y tế sẽ tiếp tục đầu tư hơn nữa cho chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), nâng cao chất lượng TCMR để trẻ em được bảo vệ tốt nhất trước các bệnh lý nguy hiểm.
Việt Nam tự cung cấp 10/11 loại vắc-xin
Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) chính thức triển khai ở Việt Nam từ năm 1985 với việc tiêm chủng sáu loại vắc-xin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ em bao gồm: lao, bạch hầu- ho gà- uốn ván, bại liệt và sởi. Đến nay, chương trình TCMR đã triển khai tiêm miễn phí 11 loại vắc xin phòng bệnh phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có 10/11 loại là tự sản xuất.
Trong hơn 25 năm qua, Việt Nam đã đạt và duy trì một số thành quả trong việc giám sát và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin.
Từ năm 1995, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin cho trẻ em dưới một tuổi luôn đạt trên 90% ở quy mô tuyến tỉnh. Năm 2000, Việt Nam đã thanh toán được bệnh bại liệt, được quốc tế công nhận đạt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh vào năm 2005.
Kết quả điều tra huyết thanh năm 2010 cho thấy tỷ lệ mang vi rút viêm gan B ở trẻ dưới năm tuổi khoảng 2% và Bộ Y tế đang tiến tới giảm tỷ lệ này xuống dưới 1% trong tương lai. Năm 2010, tỷ lệ mắc ho gà giảm xuống còn 0,1/100.000 dân. Từ năm 2006 đến nay, không có ca tử vong nào do ho gà.
Ước tính, nhờ TCMR, Việt Nam giảm được 6,7 triệu ca mắc và hơn 42 nghìn ca tử vong do các bệnh bại liệt, uốn ván sơ sinh, sởi, bạch hầu, ho gà.