Nước mắt hạnh phúc
Trong quyển nhật ký mô tả kỷ niệm ngày con chào đời, anh N.X.Tr., 35 tuổi (ngụ Q.3, TP.HCM) viết: “Bác sĩ (BS) ơi, bé gái nhà em đã chào đời lúc 15g30 ngày 16/8/2014. Bé nặng đến 3,3kg nên bà xã em phải sinh mổ. Hiện hai mẹ con đều khỏe. Vậy là vợ chồng em đã trải qua một quãng đường dài đầy lo lắng, hồi hộp, có niềm vui lẫn nỗi buồn, cả nước mắt… mới đi đến ngày hôm nay”.
Cách đây sáu năm, anh Tr. cùng vợ “gõ cửa” khoa hiếm muộn ở nhiều bệnh viện (BV), nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy, anh không có tinh trùng (TT). Lúc nhỏ, Tr. bị chứng tinh hoàn ẩn. Đến sáu tuổi, người nhà mới đưa anh đi mổ thì đã quá trễ nên khả năng sinh TT không còn, vì nhiệt độ ở vùng bụng làm các tế bào sinh tinh bị hư. Vì vậy, theo nhiều BS, nếu muốn có con, vợ chồng anh phải xin TT của người khác. Nhìn chồng đau đớn, tuyệt vọng, vợ anh không cam lòng, tiếp tục nuôi hy vọng sẽ kiếm được đứa con của chính anh. Đến năm 2013, nghe tin lần đầu tiên tại Việt Nam, các BS BV Hạnh Phúc có thể can thiệp bằng kỹ thuật vi phẫu tìm TT từ các mô tinh hoàn, bơm TT vào trứng, thụ tinh trong ống nghiệm (TTTÔN), vợ chồng anh Tr. tìm đến.
Sau khi thăm khám, các BS nhận định, biến chứng teo tinh hoàn của anh Tr. nặng nên khó có khả năng sinh TT. Thế nhưng, sau nhiều nỗ lực, cuối cùng, các BS đã thụ tinh được bảy phôi thai cho vợ chồng anh. Lần đầu tiên chuyển ba phôi vào tử cung cho vợ anh bị thất bại. Vài tháng sau, vợ anh Tr. tiếp tục được chuyển bốn phôi còn lại và lần này, một bé gái đã “ở lại” với vợ chồng anh.
Trong lá thư bày tỏ niềm vui gửi BS Huỳnh Thị Thu Thảo, Khoa Hỗ trợ sinh sản, BV Hạnh Phúc, anh Tr. viết: “Vợ chồng em quyết định đặt tên Thảo để cảm ơn chị đã đưa con gái đến với vợ chồng em, đến với cuộc sống này. Nếu không có các BS, em thật không bao giờ dám mơ đến ngày vợ chồng em được làm bố, làm mẹ. Em mong con gái sớm đến ngày biết đi, để đưa bé đến gặp các chị, cùng các chị chia sẻ niềm hạnh phúc này”.
Anh N.T.D. (kỹ sư, 34 tuổi), chồng chị N.T.P.D. (nhân viên văn phòng, 32 tuổi, ngụ Q.1, TP.HCM) đã bật khóc khi nói về niềm hạnh phúc: “Sau bao năm tuyệt vọng, gia đình tôi sắp chào đón một thành viên mới”. Cách đây bảy năm, khi chưa kết hôn, anh D. bị quai bị, dẫn đến biến chứng teo tinh hoàn. Một mình lủi thủi đi khám nam khoa, các BS cho biết, khả năng sinh tinh của anh kém và không có TT. Nghe xong, anh đau đớn nghĩ đến việc chia tay người yêu, nhưng chị D. vẫn quyết định nên vợ nên chồng với anh. Sau đám cưới, chị D. kiên trì động viên chồng cùng chị đi đến các BV với hy vọng mong manh sẽ có thể sinh con. Giờ đây, điều kỳ diệu đã đến. Họ đang chờ đón đứa con đầu lòng.
Tỷ lệ thành công khiến người bệnh đầy hy vọng
BS Huỳnh Thị Thu Thảo cho biết, qua thực hiện được kỹ thuật vi phẫu tìm TT từ tinh hoàn bị teo để tiêm TT vào trứng thực hiện TTTÔN, BV Hạnh Phúc đã giúp nhiều cặp vợ chồng có được con của chính mình. Trong số 21 bệnh nhân nam đến thực hiện thì có đến 15 trường hợp thu được TT, chiếm 71% và tỷ lệ thai sinh còn sống đạt khoảng 63%.
Siêu âm cho thai phụ sau khi chuyển phôi từ chồng không có tinh trùng
Các cơ sở thực hiện TTTÔN hiện nay chỉ thực hiện việc trích TT tinh hoàn (gọi tắt là Tese). Kỹ thuật này không cần vi phẫu, chỉ thực hiện được ở những tinh hoàn có kích thước bình thường, sinh tinh bình thường hay hơi kém. Khi mổ, BS sẽ lấy một mảnh mô tinh hoàn bất kỳ rồi tìm TT. Do đó, những bệnh nhân bị teo tinh hoàn thì không thể làm được.
Muốn tìm được TT cho những bệnh nhân này, phải chuyển qua kỹ thuật vi phẫu tìm TT từ mô tinh hoàn (gọi là micro Tese). Lúc này, BS sẽ tìm chính xác được vài điểm có khả năng sinh tinh trong cả khối tinh hoàn bị hư. Tuy nhiên, tỷ lệ tìm được TT bằng kỹ thuật micro Tese ở những bệnh nhân nam teo tinh hoàn cũng chỉ ở khoảng 20-60%, tương đương với các nước trên thế giới. Với những bệnh nhân mà tinh hoàn teo với thể tích chỉ còn 3ml trở xuống thì không còn hy vọng để thực hiện.
Hiện nay, nam giới bị vô tinh do các bệnh lý này chiếm khoảng 10-15% trong nhóm vô sinh ở nam. BS Mai Bá Tiến Dũng, Trưởng khoa Nam học, BV Bình Dân TP.HCM khuyến cáo: để thực hiện được kỹ thuật micro Tese, đòi hỏi BS nam khoa rất giàu kinh nghiệm mổ tinh hoàn để tìm đúng chỗ có nhiều khả năng có TT trong cả khối tinh hoàn toàn mô xơ… Kỹ thuật micro Tese đã được thực hiện ở nước ngoài cả chục năm nay nhưng riêng tại Việt Nam, lần đầu tiên được BV Bình Dân nghiên cứu và báo cáo vào cuối năm 2010. Tuy vậy, lúc đó chỉ tìm TT để chứng minh y học Việt Nam làm được như các nước trên thế giới chứ chưa ứng dụng vào việc thụ tinh.
Một bé sơ sinh chào đời từ cha “không tinh trùng”
BS Lê Đăng Khoa, Khoa Hiếm muộn, BV Hùng Vương TP.HCM cho biết: micro Tese là phương pháp trích TT rất hiệu quả đối với các trường hợp vô sinhnam không có TT trong tinh dịch do hội chứng một lớp tế bào Sertolie, ức chế sinh tinh, sinh tinh nửa chừng… gây nên. Các BS sẽ dùng kính phóng đại chuyên dụng tìm TT trong tinh hoàn để làm TTTÔN. Kỹ thuật thực hiện TTTÔN có áp dụng phương pháp micro Tese của BV Hạnh Phúc là báo cáo đầu tiên của Việt Nam.
Cũng theo BS Khoa, kỹ thuật micro Tese khác với phương pháp nuôi cấy tinh tử được áp dụng tại Học viện Quân y 103. Micro Tese dùng kính hiển vi tìm những TT trưởng thành (dù đôi khi chỉ có vài con) nhưng tỷ lệ tìm thấy TT 20-80% và tỷ lệ có thai không thua kém một ca TTTÔN thông thường. Trong khi đó, việc nuôi tinh tử thành TT thì không mất công sức tìm TT trưởng thành mà chỉ chờ thời gian nuôi cấy, nhưng tỷ lệ TTTÔN chỉ đạt từ 20-25%.