Em và chồng em ly hôn cách đây 1 năm. Khi đó chúng em có một con trai hơn 2 tuổi. Tòa án xử cho em nuôi con. Em không yêu cầu chồng có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Vì vậy tòa án ghi trong trích lục là tạm hoãn phụ cấp nuôi con của chồng em đến khi nào em có yêu cầu, chồng em có quyền đến thăm con.
Em xin hỏi tòa xử như vậy có đúng không? Nếu em không cho anh ấy gặp con có được không? (Câu hỏi của bạn Phạm Hoàng Ngân, Tiền Giang).
Luật sư tư vấn:
Căn cứ vào các quy định pháp luật về hôn nhân và gia đình, tôi xin trả lời bạn như sau:
Đối với vấn đề cấp dưỡng:
Tại đoạn 2 khoản 1 Điều 92 Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 quy định: “Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con”.
Ảnh minh họa
Tại điểm mục 11, Nghị quyết 02/2000/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn như sau:
Người không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Đây là nghĩa vụ của cha, mẹ; do đó, không phân biệt người trực tiếp nuôi con có khả năng kinh tế hay không, người không trực tiếp nuôi con vẫn phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con. Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cấp dưỡng vì lý do nào đó, thì Toà án cần giải thích cho họ hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con để họ biết nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con.
Nếu xét thấy việc họ không yêu cầu cấp dưỡng là tự nguyện, họ có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì Toà án không buộc bên kia phải cấp dưỡng nuôi con.
Như vậy, nếu Toà án đã giải thích cho bạn hiểu rằng việc yêu cầu cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi của con mà bạn vẫn không yêu cầu cấp dưỡng cho con, bạn có đầy đủ khả năng, điều kiện nuôi dưỡng con thì quyết định của Tòa án là đúng pháp luật.
Tuy nhiên, trong bản án có ghi nhận việc tạm hoãn sẽ chấm dứt khi bạn có yêu cầu. Như vậy, nếu bây giờ bạn muốn chồng cũ thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, bạn có thể gửi yêu cầu về việc thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cho Tòa án để Tòa án xem xét giải quyết.
Đối với vấn đề quyền thăm nom con sau khi ly hôn:
Theo quy định tại Điều 94 Luật Hôn nhân và gia đình 2000 thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền thăm nom con; không ai được cản trở người đó thực hiện quyền này.
Trong trường hợp người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Như vậy, nếu việc thăm nom đó không cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc con của bạn thì dù chồng cũ bạn không có đóng góp cấp dưỡng vẫn được quyền thăm nom con.