Không cần ngày tận thế, địa cầu đang 'chết dần chết mòn' vì khí CO2

Nếu không có động thái nào làm giảm lượng khí thải CO2 trong những thập kỷ tới, một phần ba số động, thực vật trên trái đất sẽ sụt giảm số lượng nghiêm trọng.

Các nhà khoa học khẳng định, số lượng lớn các loài động thực vật trên khắp địa cầu sẽ suy giảm mạnh mẽ trong thế kỷ này nếu thế giới vẫn nấn ná trong việc thi hành các biện pháp cắt giảm khí thải Carbon dioxide.

Các nhà khoa học khí tượng cảnh báo, lượng khí thải CO2 hiện đang ở mức cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu thế giới không có bất kể động thái nào nhằm cắt giảm lượng khí thải CO2 trong những thập kỷ tới, một phần ba số động, thực vật đang tồn tại trên trái đất sẽ phải gánh chịu sự sụt giảm số lượng nghiêm trọng.

Kết luận này được đưa ra sau khi các chuyên gia khảo sát số lượng của 50.000 loài, phân bố trên khắp thế giới nhằm theo dõi ảnh hưởng của hiện tượng nóng lên toàn cầu tới giới hạnh lãnh thổ cũng như điều kiện sống của cá loài.

Nghiên cứu khẳng định, thực vật, động vật lưỡng cư như ếch, cóc, nháu và các loài bò sát nhỏ như thằn lằn là nhóm có khả năng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hiện tượng biến đổi khí hậu cũng như dễ bị tổn thương bởi nhiệt độ cao do không có khả năng di chuyển nhanh nhằm tìm kiếm một vùng lãnh thổ mới khi môi trường thay đổi.

Nghiên cứu cũng khẳng định, cần phải nhanh chóng áp dụng các biện pháp giảm thiểu khí thải gây ô nhiễm, nhằm ngăn chặn kịp thời thảm họa đối với sự đa dạng sinh học trên địa cầu. Nếu các biện pháp này càng được đưa vào áp dụng muộn, tác hại bởi sự ô nhiễm do con người gây ra sẽ càng trở nên to lớn và khó khắc phục.