Khóm phụng là loại khóm kiểng cho trái dai nhách, chua lè, phân thành nhiều nhánh, nhiều tầng tạo thành hình chim phượng hoàng (chim phụng) đang xòe cánh. Đây là loại trái đẹp, độc đáo chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết hoặc kết hình rồng phụng trong các hội thi chưng nghi, hội hoa xuân. Còn trái dứa son là loại cây cảnh có màu sắc rất đẹp, rực rỡ như màu son nên cũng được nhiều người ưa chuộng dùng để chưng trên mâm ngũ quả ngày Tết.
Những ngày này, các thương lái từ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận đổ xô về xã Thạnh Mỹ (huyện Tân Phước) thăm dò, đặt hàng khóm phụng, khóm son để cung ứng cho thị trường Tết. Thời điểm này, các cây khóm chưng này cũng đã bắt đầu khoe màu sắc rực rỡ, vươn mình tạo dáng độc đáo trong nắng để chuẩn bị làm cho cái Tết cổ truyền của dân tộc thêm ấm áp, sung túc.
Ông Lê Văn Sáu Nhỏ, nông dân trồng khóm phụng lâu năm ở xã Thạnh Mỹ cho biết, năm ngoái ông bán khóm phụng được 30 triệu đồng; trong đó khóm phụng loại đẹp, trái to bán được giá 150 đến 200 nghìn đồng/trái, còn khóm xô còn lại được thương lái thu mua với giá từ 25 đến 30 nghìn đồng/trái.
Năm nay, để có khóm phụng đẹp kịp thời gian bán Tết, ngay từ tháng 8 âm lịch ông Sáu Nhỏ bắt đầu xử lý khí đá (đất đèn) 1.000 cây khóm phụng của gia đình và được 700 cây cho trái với tỷ lệ trái đẹp khoảng 30 đến 40%. Những ngày qua, nhiều thương lái đã đến nơi xem khóm để đặt mua nhưng ông chưa bán. Vài ngày nữa các thương lái này sẽ trở lại để thỏa thuận giá và đặt cọc, đến 20 tháng Chạp mới bắt đầu cắt những trái khóm đẹp để bán các tỉnh miền ngoài, số khóm lại còn được cắt bán cho thị trường các tỉnh lân cận.
Theo anh Sáu Nhỏ, do khóm phụng có màu sắc sặc sỡ và hình dáng “lạ kỳ” nên rất được các “đại gia” ưa chuộng dùng để chưng trên mâm ngũ quả. Vì số lượng khóm trồng không nhiều, số trái đẹp ít (thường mỗi vườn chỉ có khoảng 30 đến 40% trái đẹp) nên rất hút hàng.
Bên cạnh khóm phụng, khóm son cũng là loại khóm kiểng được thị trường Tết ưa chuộng để chưng trên mâm ngũ quả. Tuy nhiên, loại khóm này có giá rẻ hơn khóm phụng nhiều lần, chỉ trên dưới 10 nghìn đồng/trái, bù lại khóm son không đòi hỏi quá nghiêm ngặt về mẫu mã nên tỷ lệ trái đạt yêu cầu cao hơn.
Ông Lê Văn Ngự, xã Thạnh Mỹ cho biết, năm nay ông có có 1.000 cây khóm son xử lý cho trái bán Tết. Đến giờ, ông vẫn chưa nhận đặt cọc bán vườn khóm này dù cách đây mấy ngày có một số thương lái ra giá 7.000 đồng/trái, bởi mức giá này vẫn rẻ hơn năm ngoái 3.000 đồng/trái. Mấy ngày nay thương lái đến hỏi mua càng nhiều nên ông Ngự dự tính đến 17 tháng Chạp mới bắt đầu chốt giá bán khóm son.
Theo nông dân trồng khóm, kỹ thuật trồng loại khóm son này rất công phu, đòi hỏi chế độ chăm sóc tỉ mỉ và kỹ lưỡng. Thời gian thu hoạch khóm son từ khi trồng đến khi cắt trái khoảng 10 tháng và mỗi cây chỉ cho một trái. Vì vậy, muốn có khóm son bán vào đúng dịp Tết thì khoảng tháng 2 âm lịch là bắt đầu trồng cây giống, đến đầu tháng 9 âm lịch bắt đầu xử lý để dứa ra hoa bằng cách dùng khí đá hòa tan với nước tưới cho trái dứa bán đúng vào dịp Tết. Bên cạnh đó phải thường xuyên tưới nước đầy đủ, phun xịt các loại phân thuốc để rệp sáp không kịp tấn công và khi thời tiết nắng nhiều ngày phải che để khóm không bị nám trái.
Ông Nguyễn Văn Bường, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước cho biết, năm nay, toàn huyện có khoảng ba ha đất trồng khóm phụng, khóm son bán dịp tết, tập trung chủ yếu ở xã Thạnh Mỹ.
Đến thời điểm này khóm phụng, khóm son đã bén duyên ở đất Tân Phước hơn 10 năm nhưng đến nay diện tích trồng hai loại khóm này chưa nhiều do kỹ thuật canh tác phức tạp hơn so với các loại khóm thông thường. Dù vậy, những năm gần đây cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, nhu cầu tiêu thụ các loại trái cây độc đáo cũng tăng theo nên nhiều nông dân trồng khóm đã nghĩ đến việc phát triển loại khóm này.