Khởi tố, điều tra vụ nổ làm 10 người chết

Tối 24/2, Công an TPHCM tổ chức họp báo để thông tin về vụ nổ làm 10 chết và nhiều người bị thương vào rạng sáng cùng ngày.

Theo đại tá Lê Anh Tuấn, Chánh Văn phòng Công an TPHCM, vụ cháy nổ xảy ra lúc 0h30 phút tại nhà số 394/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3) do ông Lê Minh Phương (SN 1955) thuê mướn, căn nhà này được ngăn đôi.

Nhận được tin báo, lượng lượng Công an TPHCM, Sở Cảnh sát PCCC và Bộ đội Công binh thuộc Bộ Tư lệnh TPHCM có mặt kịp thời để phối hợp cứu nạn – cứu hộ (CN-CH). Công tác CN-CH được tiến hành khẩn trương, có khoa học, kịp thời cứu được 3 người đưa đi cấp cứu gồm: bà Lưu Thị Rép (SN 1943), ông Phạm Quang Minh (SN 1932, cả hai cùng ngụ số 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Bà Rép và ông Minh đang được điều trị tại Bệnh viện quận 3 và sức khỏe đang hồi phục.

Ông Hồ Sỹ Cường (SN 1932, ngụ 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) bị thương nặng, hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115. Về tài sản, toàn bộ 4 căn nhà liền kề (nhà 384/7 – 384/7A – 384/7B và 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa) với tổng diện tích 276 m2, kết cấu xây dựng tường gạch, mái tôn, 1 trệt, 1 gác lửng và 1 lầu bị sập hoàn toàn.

Trong quá trình tìm kiếm nạn nhân, đã phát hiện một số đạn mã tử và vỏ đạn các loại (đã lấy hết thuốc súng), khả năng được sử dụng để tạo hiệu ứng cháy nổ, khói lửa cho phim.

Ngay trong buổi sáng, lãnh đạo Thành ủy – UBND TPHCM có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác CN-CH. Buổi chiều cùng ngày, lãnh đạo Thành ủy - UBND TPHCM cũng đã chủ trì cuộc họp với các đơn vị có liên quan để chỉ đạo tiếp tục giải quyết vụ việc. Đến tối cùng ngày, công tác khám nghiệm hiện trường vẫn đang được thực hiện để điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy nổ nêu trên.

Lực lượng chức năng tìm và đưa những xác người cuối cùng ra xe của Bệnh viện An Bình chở về nhà xác

Chở xác nạn nhân cuối cùng về nhà xác Bệnh viện An Bình (Q.5 – TPHCM).

Thành ủy cũng giao Ủy ban MTTT Việt Nam TPHCM phối hợp các ban ngành, đoàn thể TP và UBND quận 3 hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tổ chức hậu sự, cứu chữa người bị thương.

Một số phóng viên báo chất vấn sau vụ nổ vai trò của CSKV ở đâu vì kinh doanh ngành liên quan đến cháy nổ. Quy trình quản lý vật liệu nổ như thế nào cũng được đại tá Lê Anh Tuấn cho biết vụ việc đã được cơ quan CSĐT Công an TPHCM khởi tố vụ án để làm rõ nguyên nhân. Tuy nhiên có thể nói ông Phương đã vi phạm “Pháp lệnh Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”.

Vụ nổ kinh hoàng
                  
Ông Vũ Thanh Bình, công tác tại Cục Thi hành án Dân sự TPHCM cho biết trong lúc cả gia đình đang ngủ bất ngờ ông nghe một tiếng nổ thật lớn và nhà bị rung chuyển dù nhà ông Bình ở cách xa hiện trường vụ nổ khoảng 700 m theo đường chim bay. Khi ông Bình chạy ra lan can nhìn về hướng có tiếng nổ chỉ thấy khói bốc lên mờ mịt, vài phút sau có thêm một tiếng nổ nữa. Áp lực của vụ nổ cũng làm nhiều kính nhà dân gần đó vỡ, chiếc xe jeep đậu tại nhà 384/9 bị móp phần đầu, bánh xe trước nổ lốp và gương chiếu hậu vỡ vụn.
                                                  
Chị Nguyễn Thị Kim Phương (nhà trong hẻm 384), kể khi mọi người còn đang tìm cách tiếp cận hiện trường, bất ngờ nghe một tiếng nổ khác phát ra rồi cả khu vực bốc cháy khiến mọi người chựng lại, lúc này toàn bộ 3 căn nhà 384/7 – 384/7A và 384/9 bị sập hoàn toàn, không ai dám tiếp cận và gọi cảnh sát PCCC.

Một số người dân trong hẻm 384 cho rằng nguyên nhân cháy có thể phát xuất từ lò lửa của quán bún. Tuy nhiên, có mặt tại hiện trường để chỉ đạo công tác CN-CH, thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TPHCM cho biết nguyên nhân vụ nổ gây cháy rồi sập nhà xuất phát từ căn số 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, ban đầu được xác định do vật liệu nổ được dùng để tạo cảnh khói, lửa và nổ trong phim ảnh.

Danh sách 10 nạn nhân tử vong, gồm:

1 – Ông Lê Minh Phương (SN 1955).
2 – Bà Mạc Thị Phước (SN 1965, vợ ông Phương).
3 – Em Lê Nam Phương (SN 2006, con gái út ông Phương).
4 – Em Lê Khánh Phương (SN 1996, là con ông Phương).
5 – Em Lê Minh Quân (SN 1998, con ông Phương).
6 – Bà Nguyễn Thị Tân Xuân (SN 1969).
7 – Em Hồ Kiều Anh (SN 1996, con bà Xuân).
(cùng ngụ số nhà 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 8, quận 3).
8 – Bà Nguyễn Thanh Minh (SN 1962).
9 – Em Phạm Ngọc Thùy (SN 1987, là con bà Minh, (cùng ngụ tại số nhà 384/7A Nam Kỳ Khởi Nghĩa).
10 – Một thi thể chưa xác định danh tính, do cháy đen, hiện đang được giám định. Tuy nhiên theo nhận định ban đầu của Công an TPHCM, có thể là bà Lê Thị Tuyết, SN 1970, em ông Phương).

Đã từng xảy ra nổ khi đang quay phim

Công ty Cổ phần Công nghệ giải trí Lạc Việt (tên tiếng Anh - Lac Viet Entertainment Technology Corporation), trụ sở tại ấp Xóm Chùa, xã An Phú, huyện Củ Chi – TPHCM. Công ty được cấp giấy phép kinh doanh vào ngày 22/1/2010, do bà Mạc Thị Phước (vợ ông Lê Minh Phương làm giám đốc).

Đến ngày 9/4/2010 bắt đầu hoạt động, ngành nghề chính là sản xuất chương trình truyền hình. Vào lúc 19H30 phút ngày 21/12/2011, trong quá trình đoàn làm phim đang thực hiện cảnh quay cháy - nổ tại trụ sở của công ty ở ấp Xóm Chùa (X. An Phú, H. Củ Chi) bất ngờ nhiều tiếng nổ phát ra, sau đó gây cháy thật khiến 9 người trong đoàn phim trọng thương.