Khối tài sản 'khủng' của 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam
Chủ nhật, 31/05/2020 15:12

Cập nhật của Tạp chí Forbes đến cuối tháng 5, Việt Nam đang có đến 6 tỷ phú USD. Tổng tài sản 6 người này nắm giữ lên đến 13 tỷ USD.

Theo đó, Việt Nam có thêm 2 gương mặt mới góp mặt trong danh sách tỷ phú USD, đó là ông Nguyễn Đăng Quang và ông Trần Đình Long. Hai ông hiện cùng có khối tài sản hơn 1 tỷ USD.

Trước đó, hồi đầu tháng 4/2020, Việt Nam chỉ có 4 tỷ phú góp mặt trong danh sách này của Forbes là ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Bá Dương và ông Hồ Hùng Anh.

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup

Tài chính - Ngân hàng - Khối tài sản 'khủng' của 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam

Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Vingroup

Hiện, người giàu nhất Việt Nam vẫn là ông Phạm Nhật Vượng (SN 1968), Chủ tịch Vingroup với 6,1 tỷ USD, đứng thứ 311 trong danh sách tỷ phú USD toàn thế giới.  So với thời điểm đầu tháng 4, tài sản của tỷ phú Vượng đã tăng 400 triệu USD.

Năm 2020 cũng là năm thứ 8 liên tiếp tỷ phú Phạm Nhật Vượng xuất hiện trong danh sách các tỷ phú được Forbes vinh danh. Ông lần đầu được Forbes vinh danh năm 2013, với 1,5 tỷ USD, ở vị trí 974.

Mới đây, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) công bố báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2019, tổng doanh thu thuần hợp nhất cả năm 2019 của tập đoàn đạt 130.036 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm trước. Trong kỳ, các mảng kinh doanh tiếp tục mang lại kết quả tốt, dẫn đến lợi nhuận trước thuế đạt 15.637 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng tăng 23,7% so với năm ngoái, đạt 7.717 tỷ đồng.

Bông hồng quyền lực Nguyễn Thị Phương Thảo

Tài chính - Ngân hàng - Khối tài sản 'khủng' của 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam (Hình 2).

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo - doanh nhân nữ duy nhất của Việt Nam góp mặt
 trong danh sách tỷ phú USD

Đứng vị trí thứ 2 trong danh sách tỷ phú USD Việt vẫn là bà Nguyễn Thị Phương Thảo (SN 1970), Phó Chủ tịch HĐQT HDBank, Phó Chủ tịch và CEO của Hãng hàng không VietJet Air. Bà Thảo hiện đang sở hữu khối tài sản 2,3 tỷ USD, đứng thứ 1.056 trên bảng xếp hạng hiện hành của Forbes. So với hồi đầu tháng 4/2020, tài sản của bà Thảo đã tăng 200 triệu USD.

Về cơ cấu sở hữu hiện tại của HDBank, Sovico là cổ đông lớn duy nhất của nhà băng này với 13,34% cổ phần. Bà Thảo là Chủ tịch kiêm người đại diện phần vốn góp của Sovico ở HDBank.

Hàng không cũng chính là lĩnh vực đưa bà Thảo trở thành nữ tỷ phú tự thân đầu tiên của khu vực. Tính cả năm 2019, Vietjet Air thu về 52.059 tỷ đồng doanh thu và 5.010 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tổng tài sản đạt mức 47.608 tỷ đồng.

Ông Trần Bá Dương – Chủ tịch Thaco

Vị trí người giàu thứ 3 Việt Nam vẫn thuộc về ông Trần Bá Dương và gia đình. Tính đến ngày 29/5, tài sản ròng của ông Dương và gia đình được Forbes ước tính đạt 1,5 tỷ USD, giảm 200 triệu USD so với khi doanh nhân này xuất hiện trong danh sách của Forbes năm ngoái. Ông và gia đình đang đứng 1.684, thấp hơn thứ hạng 1.349 của năm 2019.

Ông Trần Bá Dương (SN 1960). Ông là người sáng lập và cũng là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCT ô tô Trường Hải (Thaco). Ngoài ra, ông còn được biết đến tới tư cách Tổng giám đốc CTCP đầu tư địa ốc Đại Quang Minh.

Nửa đầu năm 2019, doanh thu thuần của Thaco đạt 26.835 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 1.828 tỷ đồng. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng tài sản của Thaco ở mức 86.248 tỷ đồng.

Năm 2020, doanh nghiệp này đề ra mục tiêu giữ vững vị trí đứng đầu thị trường ô tô trong nước với thị phần trên 30%. Doanh thu kì vọng đạt 70.000 tỷ đồng và tổng giá trị xuất khẩu ô tô đạt trên 50 triệu USD.

Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank

Đây là năm thứ hai liên tiếp ông Hồ Hùng Anh (SN 1970) - Chủ tịch Techcombank được Forbes vinh danh trong danh sách tỷ phú thế giới. So với lần xếp hạng năm 2019, tài sản của ông Hùng Anh năm nay giảm từ mức 1,7 tỷ USD ghi nhận tháng 3/2019 xuống còn khoảng 1 tỷ USD. Hiện ông đang đứng vị trí thứ 1.990 trong danh sách của Forbes.

Ông Hồ Hùng Anh và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch tập đoàn Masan, tỷ phú năm ngoái nhưng không có mặt trong danh sách năm nay, được xem là cặp bài trùng tham gia xây dựng 2 đế chế Masan và Techcombank. Tháng 4/2018, ông Hồ Hùng Anh rút khỏi Masan để tập trung vào Techcombank theo những quy định riêng của ngành ngân hàng, còn ông Nguyễn Đăng Quang tiếp tục vận hành Masan.

Năm 2019, Techcombank đạt 12.838 tỷ đồng lợi nhuận, tăng trưởng 20%, vượt xa các ông lớn nhà nước là BIDV và Vietinbank. Tổng tài sản nhà băng này tính đến ngày 31/12/2019 tăng 20% đạt 383.699 tỷ đồng, huy động tiền gửi của khách hàng tăng 14,8% đạt 231.297 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan

Khối tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang (SN 1963) tăng do cổ phiếu MSN tăng mạnh mẽ lên mức cao nhất trong vòng khoảng 5 tháng qua.

Cụ thể, trong phiên giao dịch 14/5, cổ phiếu MSN tăng 3,2% lên 63.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, từ đầu tháng 4 đến nay, cổ phiếu MSN tăng khoảng 60% từ mức 40.000 đồng lên mức hiện tại.

Cổ phiếu MSN tăng mạnh trong bối cảnh mảng thực phẩm tiêu dùng nhanh của tập đoàn ghi nhận những kết quả tốt, bất chấp đại dịch COVID-19.

Kết quả kinh doanh quý 1/2020 cho thấy, CTCP Tập đoàn Masan ghi nhận mức doanh thu thuần hợp nhất đạt mức 17.632 tỷ đồng, tăng 116,1% so với mức 8.160 tỷ đồng vào quý 1/2019.

Doanh thu quý 1 của thành viên mới sáp nhập từ Vingroup là VinCommerce (VCM) lần lượt tăng trưởng 40,3% so với quý 1/2019 và 17% so với quý 4/2019.

Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của tập đoàn Masan. Tuy nhiên, ông Quang đang gián tiếp nắm giữ khoảng 520 triệu cổ phiếu MSN (thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương), tương đương gần 45% cổ phần Masan.

Năm ngoái, ông Nguyễn Đăng Quang được ước tính sở hữu khối tài sản 1,3 tỷ USD.

Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát

Tài chính - Ngân hàng - Khối tài sản 'khủng' của 6 tỷ phú giàu nhất Việt Nam (Hình 3).

Lần đầu lọt danh sách tỷ phú USD, ông Trần Đình Long cho rằng "bình thường thôi".
Với ông, việc ghi nhận giá trị của tập đoàn Hòa Phát quan trọng hơn việc
 ghi nhận tài sản của cá nhân Chủ tịch.

Người đứng trong top 6 tỷ phú USD được Forbes bình chọn là tỷ phú Trần Đình Long (SN 1961), là một doanh nhân, tỷ phú người Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Ông được coi là doanh nhân thành công và giàu có nhất ngành thép Việt Nam.

Trần Đình Long được gọi là “Vua thép” khi đang trên cương vị Chủ tịch HĐQT Hòa Phát. Tập đoàn này hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực: sắt thép xây dựng, ống thép và tôn mạ, nội thất, bất động sản, nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi… Nhưng sản xuất thép vẫn chiếm tỷ trọng 80% doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn. Hiện nay, Hòa Phát là đã trở thành doanh nghiệp sản xuất thép xây dựng và ống thép lớn nhất Việt Nam với thị phần lần lượt là 22% và 26%.

Năm 2016, ông được coi là người giàu thứ 3 trên sàn chứng khoán Việt Nam, sau Phạm Nhật Vượng, Trịnh Văn Quyết. Đến tháng 3 năm 2020, Trần Đình Long vẫn tiếp tục giữ ngôi vị người giàu thứ ba trên thị trường chứng khoán.

Tháng 3/2018, doanh nhân giàu có Trần Đình Long còn được tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes đưa vào danh sách "tỷ phú USD" giàu nhất thế giới đứng thứ 1.756 trên bảng xếp hạng với khối tài sản lên đến 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên sau đó vị doanh nhân này đã rớt khỏi danh sách trên khi tài sản sụt giảm dưới 1 tỷ USD.

Cập nhật của Tạp chí xếp hạng Forbes (Mỹ) theo khung thời gian thực cho thấy, mặc dù không còn nằm trong danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2020, song giá trị tài sản của ông Trần Đình Long hiện đã quay về mốc 1 tỷ USD (tăng 28 triệu USD trong 1 ngày).

Nguoiduatin.vn

Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khoi-tai-san-khung-cua-6-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-a476981.html.. Nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/khoi-tai-san-khung-cua-6-ty-phu-giau-nhat-viet-nam-a476981.html

Clip đang được xem nhiều nhất: Xe container cháy ngùn ngụt trên cầu Lai Vu

Tag: Tỷ phú giàu nhất việt nam , phạm nhật vượng , nguyễn thị phương thảo