Khoanh vườn bán đường cho dân buôn lậu

Lạng Sơn có hàng trăm km đường biên giới giáp ranh với Trung Quốc (TQ), trong đó có 4 cửa khẩu gồm Hữu Nghị, Tân Thanh, Cốc Nam và Chi Ma.

Dịp cuối năm này, qua 4 cửa khẩu, mỗi ngày có hàng trăm người vượt biên gùi hàng về, rồi được hợp thức hóa đưa đi tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau.

“Phi đội bay”

Chúng tôi về Lạng Sơn dịp cuối năm, đúng vào dịp nói theo cách nói của người dân nơi đây là “mùa” vượt biên gùi, vác hàng. Theo kinh nghiệm của người dân địa phương, chưa cần lên biên giới, chỉ cần đi một vòng quanh các chợ Tân Thanh, Đồng Đăng đều có thể “phán” được tình trạng buôn lậu ở vùng biên đang “nóng” ở mức nào.

“Có cầu ắt có cung. Trong chợ hàng hóa, buôn bán nhộn nhịp ắt ở ngoài đường biên đang rất “nóng” và ngược lại” – anh Thắng, một người dân ở chợ Đồng Đăng khẳng định.

Chúng tôi phóng xe về hướng cửa khẩu Cốc Nam. Trên đường đi, chúng tôi bắt gặp hàng chục, hàng trăm xe máy chở những bao hàng cao quá đầu người phóng vun vút hướng về thị trấn Đồng Đăng, khiến nhiều người đi đường rùng mình vội nép sát vào lề đường. Đây chính là “phi đội bay” chuyên “ăn” hàng từ các cửu vạn vác từ trên núi xuống để tập kết về các kho ở thị trấn Đồng Đăng cho chủ.

Theo quan sát của chúng tôi, phi đội này thường đi thành từng đoàn, phóng với tốc độ 70 – 80km/giờ, lạng lách, đánh võng, nên từ lâu đã trở thành nỗi khiếp sợ của người dân nơi đây, nhất là các em học sinh nhỏ. Hầu hết các tay lái đều không đội mũ bảo hiểm, xe được xoáy nòng, lắp thêm giảm xóc nên có thể chở cả tạ hàng nhưng vẫn phi như bay.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, ở Đồng Đăng có đến hàng chục “phi đội bay”, mỗi phi đội có hàng chục người, hầu hết là những thanh niên lực lưỡng, “có số má”, hoạt động khá liều lĩnh. Không chỉ người đi đường bị va quệt, thậm chí cả khi bị công an đề nghị dừng xe chúng vẫn rồ ga phóng qua.

Khoanh rào bán đường

Dọc hai bên cánh gà cửa khẩu Cốc Nam, địa hình đa số là núi đá vôi, mặc dù vậy, đội quân cửu vạn vẫn ngày đêm mở đường gùi, vác hàng qua, bất chấp lực lượng biên phòng, hải quan… đã thành lập nhiều lán trại, trạm chốt để ngăn chặn.

Một cửu vạn tên Minh cho biết, tùy từng thời điểm mà gùi vác hàng xuống núi, có thể là buổi trưa, chập tối hay lúc nửa đêm…

Khoảng 16 giờ ngày 27/12/2014 chúng có mặt tại khu thác Ném, Hang Dơi, Hang Chui, Ma Mèo… (xã Tân Mỹ). Tại đây chúng tôi bắt gặp cảnh tượng: Dọc hai bên đường có đến hàng chục lán căng bạt làm nơi trông xe, mỗi lán có đến hàng trăm chiếc xe máy, trông chẳng khác nào bãi xe của các lễ hội vậy. Thì ra đây là xe của những cửu vạn gửi từ sáng để leo núi vượt biên gùi vác hàng về.

Quan sát, chúng tôi thấy trên núi chằng chịt những con đường mòn mới mở, thi thoảng lại có đoàn người gùi, vác, lăn hàng xuống núi.

Quan điểm:

Bà Nguyễn Thị Minh Hằng

"Thậm chí ở những chỗ vách đá dựng đứng, họ còn làm ròng rọc thả hàng từ trên núi xuống vườn, nên cơ quan chức năng tiếp cận rất khó”. 

Vào quán nước lân la tìm hiểu, một người dân ở đây cho biết, tất cả những hoạt động ở đây đều có “luật lệ” của nó. Ví như anh muốn dựng bãi trông xe cũng phải làm “luật”, nhưng “luật” nặng nhất là “bán”, cho thuê đường.

Cụ thể những hộ có đất nương rẫy giáp biên có thể mở lối mòn, các ông chủ sẽ mua, hoặc thuê để mở đường cho phu, cửu vác hàng qua, rồi chính các ông chủ này lại “làm luật” với các chủ khác nếu muốn qua đường. Ngoài ra mỗi phu, cửu khi vác hàng qua nương rẫy phải trả cho gia chủ từ 10.000 – 15.000 đồng/người/chuyến, tùy giá trị chuyến hàng.

Và để tiện giao thương, những hộ gia đình này đã rào, thậm chí xây tường rào bao quanh để thu phí, không chỉ vậy một số hộ ở thôn Khơ Đa, Tà Lài, xã Tân Mỹ còn làm kho cho các ông chủ giấu mặt thuê cất hàng.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng sau khi được cửu vạn gùi xuống núi được đưa thẳng vào kho của các hộ cho thuê đường rồi chờ “phi đội bay” đến “ăn” hàng, hoặc đưa thẳng lên xe máy của “phi đội bay”, xe “cóc” (ô tô 5 – 9 chỗ). Tất cả chu trình này đều được thực hiện nhuần nhuyễn, nhanh gọn.

Trao đổi với phóng viên NTNN, bà Nguyễn Thị Minh Hằng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan cửa khẩu Cốc Nam cho hay, không chỉ ở khu vực thôn Khơ Đa, ở thôn Cốc Nam, khu vực Hang Dơi… một số hộ sát đường biên cũng xây tường rào bao quanh, rồi mở lối cho cửu vạn gửi hàng vào.

“Thậm chí ở những chỗ vách đá dựng đứng, người dân còn làm ròng rọc thả hàng từ trên núi xuống vườn, nên cơ quan chức năng tiếp cận rất khó. Nhiều trường hợp khi chúng tôi tiếp cận, họ còn báo, bảo vệ cho chủ hàng, rồi huy động các phu, cửu đưa hàng đi tẩu tán” - bà Hằng cho hay.

(Còn nữa)