Vừa qua, liên Bộ (Khoa học và Công nghệ, Công thương, Công an và Giao thông vận tải) đã có dự thảo Thông tư liên tịch quy định về sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm (MBH) cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp máy. Đây được xem là khung pháp lý nhằm hạn kiểm soát việc sản xuât và kinh doanh MBH, xử lý tình trạng kinh doanh và sử dụng MBH kém chất lượng.
Giá MBH rẻ hơn mũ phớt
Lượn một vòng quanh các tuyến phố của Hà Nội, hầu như tuyến phố nào cũng có vài điểm bán MBH, từ vỉa hè tới các cửa hàng sang trọng, thiết kế đẹp mắt, với đủ mức giá, kiểu cách thiết kế để phục vụ nhu cầu người dân.
Mũ bảo hiểm bày bán tràn lan trên phố Chùa Bộc - đoạn trước cổng Học viện Ngân Hàng.
Dọc tuyến Phố Huế - Hàng Bài, có hàng chục cửa hàng kinh doanh MBH, đặc biệt tập trung nhiều ở đoạn đường gần khu vực chợ trời. MBH bán ở đây có đủ mức giá, thấp thì 30 ngàn đồng/chiếc, cao thì vài trăm ngàn cũng có. Với đủ kiểu dáng thời trang, màu sắc đa dạng.
“Em cứ xem và chọn thoải mái, đã vào của hàng của chị thì không cần phải đi đâu tìm nữa mất công. Tất cả những cửa hàng khác cũng chỉ có những hàng thế này thôi, đẹp xấu tùy túi tiền”, một bà chủ của hàng bán MBH ở đấy quảng cáo.
Như để khẳng định lời quảng cáo của mình, bà chủ lấy từng mẫu hàng mũ để chúng tôi xem, ở cửa hàng này giá thấp nhất là 30.000 đồng/chiếc, giá cao thì 500.000 cũng có, tùy thuộc vào chất lượng, kiểu dáng…
Ở cửa hàng này có hàng trăm mẫu mã MBH, từ loại che nửa đầu tới loại trùm cả đầu, từ loại có lưỡi trai rời tới loại lưỡi trai liền với thân mũ. Mũ có tem CR, CS, địa chỉ sản xuất cũng có, loại này thường có giá cao, phải trên 100.000 đồng/chiếc. Mũ không tem, không chữ cũng nhiều, với mức giá phần lớn dưới 100.000 đồng/chiếc, loại này người dùng chỉ cần đập nhẹ, hoặc làm rơi cũng có thể vỡ.
Ai dám khẳng định những mũ này đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh chụp trên Phố Huế.
Thậm chí, những loại MBH lưỡi trai liền, đội nửa đầu còn được thiết kể xẻ một khoảng nhỏ phía sau phục vụ nhu cầu những chị em thường buộc tóc đuôi gà. “Loại này mới ra thời gian gần đây, đang được rất nhiều thanh niên thích, nếu em có nhu cầu giá chỉ 50.000 đồng/chiếc”, bà chủ cửa hàng giới thiệu về mẫu mũ mới ra.
Ở dọc đường Khuất Duy Tiến – Phạm Hùng – Phạm Văn Đồng cũng có hàng chục điểm bán MBH vỉa hè, những chiếc mũ đủ màu sắc được xếp trên kệ, số khác được đặt trên tấm bạt trải ra vỉa hè.
MBH bán theo kiểu “bán dạo” thế này giá chỉ giao động từ 30 tới 50.000 đồng/chiếc. Những MBH bán ở đây đều không rõ xuất xứ, trên thân mũ không có bất kể tem, chữ gì…
“Bán vỉa hè nên chỉ lấy loại rẻ tiền thôi, vốn đầu tư ít, không may bị lực lượng chức năng thu giữ thì thiệt hại cũng ít. Hơn nữa, những người mua mũ dọc đường thế này chủ yếu là họ đi quên mũ, mất mũ, hoặc có người đi cùng giữa đường… nên họ mua dùng tạm để qua mặt lực lượng chức năng”, chị Nguyễn Thị Thủy, bán mũ ở vỉa hè đường Phạm Hùng gần đối diện Trung tâm Hội nghị Quốc gia cho biết.
Tại một số điểm khác, người bán MBH còn tranh thủ bán thêm mũ phớt, kính, khẩu trang...
Khó quản lý, xử phạt
Việc bán MBH kém chất lượng diễn ra phổ biến, ai cũng thừa nhận, nhưng việc xử phạt người bán, và cả người dùng đều rất khó khăn.
Mũ bảo hiểm bán kèm mũ phớt, với giá chỉ vài chục ngàn một chiếc. Ảnh chụp trên phố Tây Sơn, Hà Nội.
“Hầu hết MBH là bán ở vỉa hè là kém chất lượng, và họ thường bán không cố định, quản lý thị trường có đến thì họ cũng chỉ quơ quơ vào hai bảo tải là đi mất, nên khó xử lý”, ông Lộc thừa nhận.
Cũng theo ông Lộc, hiện nay việc xử các điểm kinh doanh, buôn bán MBH đã phân cấp rõ rồi, chính quyền địa phương là quản lý sở tại phải làm việc này.
“Chúng tôi đã nói rất nhiều rồi, cái này mà chính quyền sở tại không vào cuộc thì không có cơ quan nào làm được? Những việc đấy rất rõ, hàng ngày phơi ra đấy, cán bộ phường ngày nào cũng đi, không thể không thấy được”, ông Lộc nói.
Ngoài ra, cũng theo ông Lộc, trong quá trình xử lý việc kinh doanh MBH mà chính quyền sở tại thấy cần phải phối kết hợp các cơ quan chức năng, thì Quản lý thị trường sẵn sàng cắt quân ở các địa bàn cụ thể để xuống đi cùng họ để làm.
Về phần xử lý người sử dụng MBH không đạt chất lượng, theo Trung tá Nguyễn Văn Tòng, Đội trưởng đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phóng CSGT, Công an TP. Hà Nội) cho hay: “Lâu nay chúng tôi chưa nhận được bất kể văn bản hướng dẫn kiểm tra, xử phạt nào về MBH không đạt yêu cầu chất lượng. Nến dù có muốn kiểm tra, xử phạt cũng không xử được”.
Người sử dụng mũ bảo hiểm tùy vào sở thích của mình, còn có đảm bảo chất lượng hay không cũng không phải vấn đề, vì không bị xử phạt.
Trung tá Tòng dẫn chứng, giờ mình ra hỏi người điều khiển xe máy là mũ của anh kém chất lượng, nếu người ta hỏi lại là anh lấy cơ sở gì để xử phạt tôi, thì lúc đấy chúng tôi biết làm thế nào?
“Bây giờ cần có quy định rõ ràng, mũ nào bảo đảm, mũ nào không, mũ bảo đảm thì phải dùng tem gì, ISO ra làm sao, cơ quan nào cấp… mới xử lý được”, Trung tá Tòng đề xuất.
Được biết, cuối năm 2008, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về MBH cho người đi mô tô, xe máy. Theo đó, những loại mũ không có dấu hợp chuẩn (CS) không được phép sản xuất, lưu hành. Tuy nhiên, tới nay MBH không đạt các quy định đấy vẫn tràn lan trên khắp các cung đường, mặt phố.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia đánh giá, dù có tem CR hay CS thì người tiêu dùng vẫn dễ bị “đánh lừa”. Vì hiện nay công nghệ sản xuất những tem giả như thế không khó. Và không phải người tiêu dùng nào cũng có thể phân biệt được.