Điều tra viên trưởng Paris - Francois Molin tiết lộ, anh em nhà Kouachi - nghi phạm vụ thảm sát toà báo Charlie Hebdo và Amedy Coulibaly - kẻ khủng bố siêu thị tại đông Paris, có cả một kho vũ khí.
Điều tra viên Molins mô tả lại hiện trường vụ bắt cóc con tin ở nhà máy in: "Một khẩu súng phóng rocket M82 đã được nạp sẵn - tôi nhấn mạnh - đã được nạp sẵn, 10 lựu đạn khói, 2 khẩu súng máy Kalashnikov, 2 khẩu súng lục tự động đã được tìm thấy".
"Các chuyên gia xử lý bom thậm chí còn tìm thấy lựu đạn, được gài vào người như một cái bẫy, trên cơ thể một trong những kẻ khủng bố".
Cảnh sát đột kích vào siêu thị của người Do thái ở Paris hôm 9/1
Trong khi đó, Amedo Coulibaly tấn công cảnh sát bằng một khẩu súng trường Kalashnikov và một khẩu súng lục quân sự Skorpion.
Sau khi tên này bị bắn chết, cảnh sát đã tìm thấy ở hiện trường 2 khẩu súng lục Tokarev của Nga, 2 khẩu súng máy, 1 áo chống đạn và nhiều đạn dược. 15 thiết bị gây nổ và một ngòi nổ cũng được đặt bố trí bên trong siêu thị.
AP nhận định, những vũ khí tìm thấy trong vụ khủng bố tại Pháp vừa qua cho thấy sự thay đổi rõ rệt ở Tây Âu, nơi mà những vụ phạm tội bằng súng vốn ít hơn tại New York.
Dường như, mạng lưới khủng bố đang dần thay bom bằng các loại súng trường tấn công quân đội, súng máy và súng ngắn tự động.
Theo chuyên gia về chủ nghĩa khủng bố Magnus Ranstorp, "bạo lực đang dần tập trung hơn vào những nhóm người cụ thể, các mục tiêu người Do Thái, quân đội, cảnh sát", với hình thức tấn công bằng nhiều loại vũ khí hơn là sử dụng thiết bị phát nổ.
Ông Ranstorp cho hay, xu hướng này bắt đầu từ sau khi một nhóm nhỏ những kẻ khủng bố được huấn luyện tốt, trang bị vũ khí tận răng, làm tê liệt thành phố Mumbai trong vài ngày, và khiến 160 người thiệt mạng trong một vụ việc năm 2006.
Thời điểm đó, các quan chức chống khủng bố đã lên tiếng cảnh báo rằng, chiến thuật này sẽ "lọt vào mắt xanh" của những kẻ đang tìm cách thay thế các thiết bị gây nổ tự chế bằng những loại khác hiệu quả hơn.
AP cho hay, những tên khủng bố, bằng quan hệ trong thế giới ngầm, cũng có thể dễ dàng tìm thấy vũ khí hạng nặng trên thị trường chợ đen, đặc biệt là các quốc gia Balkan như Bosnia, Serbia và Croatia.
Sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ, hàng trăm triệu vũ khí hạng nặng đã được "tuồn" vào chợ vũ khí trái phép ở Hungary cũng như các quốc gia thuộc khối Liên Xô cũ.
Những vũ khí này được sử dụng để châm ngòi cuộc chiến ở Balkan và vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay. Hơn 500.000 vũ khí cũng đã bị đánh cắp khỏi các căn cứ quân sự của Albani năm 1997.
Thêm vào đó, các cuộc nổi dậy ở Trung Đông hoặc Bắc Phi có thể là "nguồn cung" các loại vũ khí quân sự cho những băng nhóm tội phạm ở châu Âu.
Một báo cáo năm 2013 của Uỷ ban Châu Âu chỉ ra rằng, một lượng lớn vũ khí quân sự đã được nhập nhập lậu bằng ô tô hoặc xe bus với số lượng nhỏ vào các quốc gia châu lục này, nhằm tránh bị phát hiện.