Khánh Ly xúc động vừa hát vừa kể chuyện về Trịnh Công Sơn

Khi hát trên sân khấu Hà Nội tối 9/5, nữ ca sĩ cũng ôn lại những chặng đời gắn bó với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Chương trình "Live concert Khánh Ly" được tổ chức tối 9/5 tại Hà Nội đánh dấu sự trở lại của nữ ca sĩ sau gần 40 năm vắng bóng tại sân khấu quê nhà. Đây là cơ hội hiếm hoi để người hâm mộ được tái ngộ cô gái chân trần cất cao giọng hát theo tiếng đệm guitar mộc mạc của người nhạc sĩ họ Trịnh trong quán Văn Sài Gòn năm nào.

Bước sang tuổi 70, giọng hát Khánh Ly vẫn có sức truyền cảm đến lạ. Nữ ca sĩ thừa nhận bà "không biết tí gì về âm nhạc" bởi không được học chuyên sâu từ nhỏ, "chỉ biết giao phó mạng sống" của mình cho nhóm chơi nhạc cụ phía sau. Có lẽ chính vì vậy, cách nhả chữ phóng khoáng, hát theo bản năng nhiều hơn phô diễn kỹ thuật, đôi lúc bỏ mặc cả nhịp điệu của nhạc cụ xung quanh của Khánh Ly đến nay vẫn ít người bắt chước được. Những "Diễm xưa", "Tình xa", "Tình nhớ", "Cát bụi tình xa", "Như cánh vạc bay", "Hạ trắng"... của sân khấu hôm nay vẫn không có quá nhiều đổi khác.

Khánh Ly hạnh phúc trên sân khấu thủ đô tối 9/5.

Mỗi ca khúc nhạc Trịnh được Khánh Ly trình bày trong đêm nhạc đều đi kèm với một câu chuyện, "không có điều gì là ngẫu nhiên". Nhớ về thời "Tuổi đá buồn", Khánh Ly tâm sự ngày trước bà không hề biết đó là ca khúc viết cho mình. Hình ảnh cô gái bước chân tới nhà thờ Chánh toà Đà Lạt để học giáo lý đã tạo nên cảm hứng cho nhạc sĩ viết nên những ca từ ám ảnh. Nhưng đến khi cùng Khánh Ly thể hiện bài hát trong một chương trình, Trịnh Công Sơn chỉ nói rằng đó là mơ ước của ông về một thế giới lấy tình yêu làm tôn giáo. Khi ấy, người ta sẽ không còn đau khổ nữa. Ở đó, giáo đường tượng trưng cho nơi có tình yêu, chốn dành cho những người cô đơn tìm về cầu nguyện. Trước khán giả, bà kể chuyện chân thành như đang nói với chính bản thân.

Thời còn trẻ, Khánh Ly không hiểu hết được ý tứ trong mỗi ca khúc Trịnh Công Sơn sáng tác. Đến khi lớn hơn, nữ ca sĩ mới ngấm được phần nào nhưng cũng không dám hỏi nhạc sĩ bởi bà sợ bị coi là "dốt". Có một lần duy nhất, Khánh Ly hỏi Trịnh Công Sơn rằng: "Anh Sơn, sống trong đời sống quan trọng nhất là điều gì?". Khi ấy, nhạc sĩ đã cất lời hát rằng: "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" .

60 năm sống xa Hà Nội, live concert lần này cũng là cơ hội để Khánh Ly trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Bà nhớ về thời 9-10 tuổi còn sống tại số 176 Hàng Bông. Thuở còn chạy dọc dãy phố để nghe radio những bài hát "Em bé quê", "Bà mẹ quê" của nhạc sĩ Phạm Duy, thời thơ ấu của Khánh Ly chỉ biết đến lá "cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ" còn những điều thân thuộc về Hà Nội như "mái ngói thâm nâu", "hoa sữa" hay "bầy sâm cầm nhỏ" đối với bà hoàn toàn xa lạ. Trở lại quê hương sau nhiều năm xa cách, bà ngẫu hứng mời nhóm bè, những người Tràng An, lên hát cùng mình ca khúc "Hà Nội mùa thu". Đây cũng chính là bài hát đánh dấu kỷ niệm Trịnh Công Sơn chỉ cho Khánh Ly biết về đàn chim sâm cầm thường bay về Hà Nội để tránh rét.

Tuy vậy, dấu vết của thời gian phần nào cũng khiến giọng hát của Khánh Ly không còn như trước. Những nốt cao, sáng giờ đã hơi đục và khản, thể hiện rõ nhất khi bà hát đến đoạn: "Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vàng..." trong ca khúc "Biển nhớ". Đoạn đầu ca khúc "Tình sầu", Khánh Ly hơi bối rối khi vào lệch nhịp. Phần hát bè, phối cùng kỹ thuật âm thanh giúp cân bằng, làm cho phần biểu diễn của Khánh Ly trở nên nuột nà hơn. Việc lồng ghép video có thu sẵn một đoạn bài hát hoặc cách sắp xếp cho nữ ca sĩ hát một lời các ca khúc "Diễm xưa", "Tình xa", "Tình sầu" cũng giúp bà tiết kiệm được sức lực cho những bài hát về sau.

Sau 39 năm mới trở lại hát trước khán giả quê nhà, nên Khánh Ly tự đặt ra cho mình nhiều thử thách. Từ lúc đặt chân về Việt Nam cho đến khi tập dượt cho đêm nhạc ở trong Nam lẫn ngoài Bắc, bà không gặp mặt bất kỳ người thân nào, kể cả gia đình. Khánh Ly tâm sự: "Tôi bị áp lực. Chồng tôi lúc nào cũng muốn tôi ăn uống điều độ, tập thể dục thường xuyên để mặc áo dài trông đẹp hơn. Bên cạnh đó, sự yêu mến quá lớn của khán giả cũng khiến tôi bị áp lực". Mong muốn có một đêm diễn trơn tru, bà đã phải tập luyện đến 4h sáng 8/5.

Khánh Ly chia sẻ, bà không có tuổi thanh xuân như bao người khác nên thích làm việc với thế hệ trẻ, từ ca hát cho đến các công tác xã hội. Trong live concert lần này, nữ ca sĩ tỏ ra thích thú khi được làm việc với những gương mặt trẻ như Hà Anh Tuấn, Quang Thành và Thái Châu.

Ngoài các nhạc phẩm hát song ca như "Ca dao mẹ" (Quang Thành - Khánh Ly), "Niệm khúc cuối" (Thái Châu - Khánh Ly) và "Xin cho tôi" (Hà Anh Tuấn - Khánh Ly), các ca sĩ trẻ cũng tạo ra những dấu ấn riêng trong chương trình. Trong khi Thái Châu thuyết phục khán giả bằng chất giọng trầm ấm, mượt mà với bài hát "Về đây nghe em" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc thì Hà Anh Tuấn lại thể hiện bản lĩnh với kỹ thuật trau chuốt và lối xử lý thông minh trong ca khúc "Áo anh sứt chỉ đường tà" của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tuấn Ngọc góp mặt trong chương trình với ca khúc "Áo lụa Hà Đông" của nhạc sĩ Ngô Thuỵ Miên và "Hãy yêu nhau đi" cùng Khánh Ly.

Các giọng ca được hoà quyện với hình ảnh, ánh sáng liêu trai trên sân khấu. Đó khi là chiếc lá mùa thu, mặt đất cằn cỗi, lúc là ô cửa kính nơi giáo đường với ánh nắng xuyên qua lung linh.

Khánh Ly xúc động khi hát "Một cõi đi về" để kết thúc chương trình.

Chương trình live concert 9/5 như một chuyến hành trình nhìn lại quá khứ của Khánh Ly. Ở đó, "tất cả vui, buồn, sướng, khổ đã đi qua. Chỉ còn tình yêu là ở lại". Bà hát như một cách mỉm cười với những kỷ niệm, yêu thương đã qua và chào đón những yêu thương nồng ấm ngày trở về. Càng hát, bà càng say, càng phiêu để cho thoả mơ ước "hát cho đến khi tắt tiếng". 

Không ít người hâm mộ đã liên tục vỗ tay cổ vũ Khánh Ly tiếp tục hát sau khi bà kết thúc bằng ca khúc "Một cõi đi về" đầy xúc động. Anh Thọ (43 tuổi, đến từ TP HCM) chia sẻ: "Tôi nghe nhạc Khánh Ly từ những năm lớp 4-5. Đến ngày hôm nay, tôi vẫn cảm nhận được sức truyền cảm cũng như sự nồng nàn, da diết của cô trong từng câu hát. Thi thoảng, cô vẫn bị lỗi nhịp hoặc lên cao chưa được tốt vì sức khoẻ không cho phép nhưng điều đó không mấy quan trọng.  Còn với các ca sĩ trẻ, tôi đánh giá cao nhất là Hà Anh Tuấn. Cậu ấy xử lý ca khúc rất khôn ngoan".

Một số khán giả trẻ tại Hà Nội cũng khẳng định sức truyền cảm trong giọng hát của Khánh Ly vẫn giữ nguyên như trước. Bên cạnh đó, họ cũng khen ngợi màn biểu diễn đơn ca của Hà Anh Tuấn vì "Áo anh sứt chỉ đường tà" không phải là một ca khúc dễ.