Đây là xác ướp đóng băng nguyên vẹn nhất của bò Bison thảo nguyên khi vẫn còn nguyên não, phổi, các mạch máu và các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa.
Xác ướp bò Bison kể trên được tìm thấy ở Yana-Indigirka, một vùng đất thấp ở cộng hòa Sakha, Siberia, vào năm 2011. Đây là xác ướp đóng băng nguyên vẹn nhất của bò Bison thảo nguyên (một nhánh của loài bò Bison từng sinh sống trên các thảo nguyên khắp châu Âu, Trung Á, Bering và Bắc Mỹ đã tuyệt chủng).
Các nhà khoa học đã tiến hành mổ khám nghiệm để tìm hiểu con vật đã sống và chết như thế nào vào cuối kỷ Băng Hà. Kết quả cho thấy, con bò này có các chi tiết giải phẫu bình thường. Việc thiếu đi lớp mỡ ở vùng bụng cho thấy có thể con vật đã chết vì đói.
"Đây là một phát hiện cực kỳ hiếm có. Xác con bò được bảo quản rất tốt. Bình thường những xác ướp động vật kiểu này hay được tìm thấy trong tình trạng bị tổn thương nghiêm trọng do thú săn mồi trong quá khứ, hoặc do các động vật vùng cực hiện sống xung quanh gây ra, nhất là khi chúng lộ ra khỏi lớp băng vĩnh cửu trong mùa hè", tiến sĩ Olga Potapova thuộc Bảo tàng Mammoth Site ở Hot Springs, Nam Dakota cho biết.
Con bò này thuộc một giống bò đã tuyệt chủng từng sinh sống trong thời gian đầu của kỷ Holocene cách đây 9.000-12.000 năm. Hiện có rất ít ghi chép về các loài động vật thuộc thời kỳ đó.
"Xác ướp con bò này cho chúng tôi cơ hội nghiên cứu về gen và hình thái học từ những bộ phận nội tạng vẫn còn nguyên vẹn của nó", tiến sĩ Potapova chia sẻ.
Từ kết quả khám nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy não của con bò này vẫn còn nguyên vẹn, dù đã giảm đi 36% kích cỡ ban đầu. Tuy nhiên, các hạch não, dây thần kinh và thậm chí phần cuối não nối với tủy xương vẫn còn đó. Khí quản, tim, các mạch máu, dạ dày và dương vật của con bò cũng vẫn giữ được kích thước ban đầu, trong khi một số bộ phận khác như phổi, gan và tinh hoàn bên trái thì bị teo đi nhiều. Không phát hiện mỡ ở vùng bụng và cổ con vật.
Xác ướp con bò được phát hiện năm 2011 tại Cộng hòa Sakha, nơi trước đó từng tìm thấy xác voi Mamut. Tiến sĩ Albert Protopopov, Trưởng khoa nghiên cứu quần thể voi Mamut thuộc Học viện khoa học Yakutian cho biết:
"Việc phát hiện xác con bò này có ý nghĩa to lớn với các nhà khoa học như chúng tôi. Chúng tôi chắc chắn là bò Bison đã sống ở vùng này cách đây 9.000 năm, vào đầu kỷ Holocene, khi mà nhiều con voi Mamut đã chết. Việc khám nghiệm kỹ càng xác ướp sẽ giúp chúng tôi trả lời được nhiều câu hỏi, đầu tiên là vì sao bò Bison ở đây bị tuyệt chủng."
Các nhà khoa học hy vọng có thể lập được mô hình thảo nguyên cổ xưa từ việc nghiên cứu những gì còn sót lại trong các cơ quan tiêu hóa của con vật. Họ cũng cho rằng việc nghiên cứu các mẫu mô của con bò này là điều thú vị nhất khi nhiều khả năng họ sẽ phát hiện ra những động vật ký sinh trên con vật.
Yevgeniy Maschenki, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện Cổ sinh vật học, Học viện Khoa học Nga cho biết: "Qua các kiểm tra sinh hóa và so sánh với các loài ký sinh hiện nay, chúng tôi sẽ biết được có những loài ký sinh nào đã sống cách đây 9.000 năm".