Khai hội lễ hội đình Bái Ân

Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày mùng 10 tháng 2 âm lịch hàng năm, người dân thủ đô Hà Nội lại nô nức hướng về lễ hội đình Bái Ân, nơi thờ ba vị Thành hoàng làng có công với làng xã.

Làng Bái Ân có ngôi đình cổ nhất trong các ngôi đình còn lại của phường Nghĩa Đô hiện nay. Đình được dựng vào đầu thế kỷ XVII, cấu trúc theo kiểu “nội công, ngoại quốc”. Đình thờ vợ chồng ông Vũ Phục đã hy sinh thân mình để giúp cho việc đắp đoạn đê ở chỗ ngã ba sông Thiên Phù và sông Tô Lịch vào đời Vua Lý Nhân Tông (1072 - 1128). Cũng có thuyết nói ông bà hy sinh để cứu Vua. Ngoài ra, đình còn thờ em Vũ Phục vì thương anh mà chết. Trong đình hiện còn 16 đạo sắc phong cho ba vị thành hoàng, là Chiêu ứng Vũ đại vương (Vũ Phục), Thuận Chinh công chúa (vợ Vũ Phục) và Chiêu Điều đại vương (em Vũ Phục). Đáng lưu ý trong đình còn bản vi chỉ và lệnh chỉ của chúa Trịnh ban vào năm Cảnh Hưng thứ bảy và thứ tám (1746, 1747) cho phép dân phường Bái Ân được sử dụng Ao Cả là khí sông Thiên Phù còn lại cùng khoảnh ruộng liền kề để phục vụ việc thờ thần.

Tế lễ tại đình Bái Ân - Ảnh Thu Bình

Sáng ngày mùng 9, đội ngũ các cụ có uy tín trong làng được chọn, trong trang phục lễ hội truyền thống vào lễ cáo với các vị Thành hoàng làng về công việc trong làng và mong các vị phù hộ cho con cháu sống khỏe mạnh, nhân đức và làm ăn thuận lợi. Sau đó là lễ rước kiệu quanh làng được thực hiện bởi nam thanh nữ tú và dân làng. Buổi chiều là những tiết mục văn nghệ và các trò chơi của làng.

Hát quan họ tại lễ hội - Ảnh Thu Bình

Mùng 10 là ngày hội chính được bắt đầu bằng màn tế lễ nam và tế lễ nữ của các bậc cao niên được lựa chọn trong làng. Tiếp theo là lễ dâng hương của đại diện các làng khác được mời tham dự lễ hội và bà con trong làng. Chiều, lễ hội được diễn ra với các màn ca hát dân gian các trò chơi như chọi gà, đánh cờ, hát quan họ,…

Kết thúc lễ hội là màn lễ tạ của các cụ bô lão trong làng vào lúc xế chiều.