Trải qua những thăng trầm lịch sử, chợ Viềng ngày nay đã trở thành điểm giao lưu văn hóa cộng đồng, hội tụ tinh hoa sản vật và cũng là nơi đón chuyến xuất hành đầu xuân của khách thập phương về “mua may bán rủi”. Người đến với chợ Viềng để cầu may mắn, bình an, hạnh phúc cho cả gia đình, đồng thời xua đi những rủi ro trong năm mới với tâm lý “mua may bán rủi”.
Tất bật chuẩn bị
Cổng chợ Viềng xuân Nhâm Thìn 2012 - Ảnh Thu Bình
Ngay từ sáng ngày mùng 6 tết Âm lịch (tức ngày 28/01 dương lịch), không khí chuẩn bị cho chợ phiên đã bắt đầu diễn ra rầm rộ và gấp gáp, tới chiều cùng ngày mọi công việc chuẩn bị đã cơ bản hoàn thành. Chưa tới thời điểm diễn ra hội chợ nhưng từ khắp các tuyến đường ra vào xã Trung Thành người và xe đã nườm nượp, nhiều đoạn cũng đã bắt đầu xuất hiện tình trạng kẹt xe. Chiều ngày mùng 7 tết âm lịch (29/1 dương lịch), tại đường 56 dẫn vào chợ Viềng và Phủ Dầy đã xảy ra ùn tắc giao thông cả đoạn dài.
Cảnh ùn tắc tại đường 56 chiều ngày mùng 7 tết âm lịch - Ảnh Thu Bình
Ngoài những món hàng truyền thống như nông cụ, cây cảnh, cây giống, đồ đồng, mây tre đan, thịt bò…thì hội chợ còn ưu tiên cho các công ty, doanh nghiệp lớn như Bigc, gốm sứ, … quảng bá thương hiệu và giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng.”
Đồng thời, năm nay cây cảnh và các mặt hàng tới tham gia hội chợ có giá trị cao hơn so với những năm trước. Nhiều công ty, doanh nghiệp đã đưa đến hội chợ nhiều mặt hàng quý hiếm và có giá trị lên tới cả chục triệu đồng như: cây tùng, lộc vừng thế, sung, sanh, si,…
An ninh hội chợ cũng được thắt chặt và quản lý chặt chẽ hơn. Các đội tuần tra, các chốt canh được bố trí trên khắp các tuyến đường dẫn vào hội chợ đảm bảo an toàn giao thông và tránh tình trạng tắc nghẽn trong thời gian diễn ra hội chợ.
Cây cảnh được bày bán la liệt - Ảnh Thu Bình
Những chậu cây cảnh có giá cả chục triệu đồng - Ảnh Thu Bình
Tiếng là "hội chợ" nhưng chợ Viềng không mua bán những sản phẩm ngoại lai cao cấp, hào nhoáng đắt tiền như ở các hội chợ lớn khác. Sản phẩm được đem ra mua bán ở đây chủ yếu là cây trồng, nông cụ, thực phẩm: từ các loại cây ăn quả tới cây cảnh, cây hoa, cây chanh, cây ớt. Và sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông như cái cuốc, cái cày, cái liềm, rổ rá, thúng, đòn gánh, đòn sóc được làm bằng tre, nứa được bà con nông dân rất ưa chuộng, ai cũng muốn mua về gọi là một chút may mắn đầu năm và chuẩn bị nông cụ cho một năm lao động…
Mỗi một chiếc đòn gánh, đòn sóc này có giá từ 15-25 nghìn/chiếc - Ảnh Thu Bình
Thị bò có giá từ 210-250 nghìn/kg - Ảnh Thu Bình
Người ta có thể tìm mua ở đây từ những mặt hàng dùng trong đời sống thường ngày và nhưng nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như cây kim, cuộn chỉ tới những con dao, cái kéo, các vận dụng nhỏ như đôi quang, cái đòn gánh cùng hàng ngàn thứ vật dụng linh tinh khác. Chỉ với 25 nghìn đồng du khách thỏa lòng lựa chọn 3 sản phẩm ưng ý trong quầy hang tự chọn. Ngoài ra còn có thứ thực phẩm được người bán kẻ mua rất ưa thích, coi đó như hương vị của hội chợ, có thể làm quà cho cả gia đình. Ðó là thịt bò non, hay đúng hơn là thịt bê thui vàng ươm nguyên cả con, được bầy bán la liệt dọc các ngả đường đi vào chợ. Giá cả lại rất phải chăng trong khoảng từ 220 – 250 nghìn một kg.
Những sản phẩm nông cụ của nhà nông - Ảnh Thu Bình
Ở chợ phiên này người bán cũng như người mua có đôi chút mặc cả, nhưng tất cả đều vui vẻ. Bởi "người bán, người mua" ở đây mang nặng một ý thức tâm linh nào đó, người ta chỉ cần bán hoặc mua được một vật gì đó dù rất nhỏ, thì người bán hay kẻ mua đều gặp nhiều may mắn tốt lành, và cả đôi bên đều cùng vui vẻ hả hê ra về đi lễ chùa cầu may cầu lộc.
Mang cây về nhà - Ảnh Thu Bình
Chính vì vậy hội chợ Viềng ngày xưa còn có tên gọi là chợ Cầu May. Hội chợ Viềng, nằm ở xóm phố xã Trung Thành. Bao xung quanh nó là cả một quần thể di tích lịch sử văn hóa, như đình chùa, đền, miếu, phủ, gồm có phủ Vân Cát, lăng tẩm, lăng Mẫu, đền Vua, chùa Long Vân, Phủ Tiên Hương...là những di tích đã tồn tại qua nhiều thế kỷ.
Cùng với chợ Viềng, còn có Phủ Dầy mà người dân ở đây thường gọi là Viềng phủ. Như vậy, ngoài đi chợ trẩy hội bán rủi mua may, du xuân trở về với một nét truyền thống văn hóa, du khách còn được hành hương về quần thể di tích Phủ Giày với 23 ngôi đền, chùa thắp hương lễ phật cầu may.
Cả quần thể di tích trên chủ yếu là thờ bà chúa Liễu Hạnh một nhân vật dân gian vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền thoại…Bà được dân gian phong Thánh, được coi là bà Chúa, bên cạnh đó là rất nhiều những sự tích, những câu chuyện xoay quanh cuộc đời của bà Chúa liễu. Tất cả đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân nơi đây. Về với chợ Viềng không đơn giản chỉ là về một ngôi chợ để bán, để mua mà đây còn là cơ hội để đi lễ chùa, đền phủ Bà Chúa để cầu may cầu lộc đầu xuân, an lành hạnh phúc cho cả gia đình.
Các dịch vụ ăn theo
Năm nào cũng vậy, tại chợ luôn có các dịch vụ ăn theo như: Bóc vé số vui xuân trúng thưởng, phần thưởng là xe đạp điện, xe đạp mini, chậu,… thu hút rất nhiều các bạn trẻ tham gia. Dịp này, dịch vụ trông giữ xe cũng thi nhau hốt bạc, dọc các ngả đường dẫn vào chợ, hàng loạt các điểm trông giữ xe được mọc lên với giá vé xe máy khoảng 10 – 30 nghìn, ô tô khoảng 50-100 nghìn/chiếc.
Xổ số vui xuân trúng thưởng - Ảnh Thu Bình
Các trò chơi tại hội chợ - Ảnh Thu Bình
Tại chợ Viềng năm nay còn có các trò chơi từ dân gian như như bịt mắt đập niêu với rất nhiều giải thưởng hấp dẫn, đến những trò chơi mang cảm giác mạnh như vào nhà ma, cầu trượt,…. thu hút rất nhiều bạn trẻ hiếu kỳ tham gia.