Ngay trong chiều 1/1/2012, đại diện gia đình các thuyền viên còn mất tích của tàu Vinalines Queen đã thuê xe lên làm việc với Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vinalines Shipping - Công ty chủ quản tàu Vinalines Queen) về việc tìm kiếm 22 thuyền viên còn mất tích.
Buổi làm việc diễn ra rất căng thẳng, đại diện các gia đình yêu cầu Công ty Vinalines Shipping nói rõ các việc đã và đang làm để cứu hộ các thuyền viên.
Đại điện các gia đình thủy thủ còn mất tích làm việc với Công ty Vận tải biển Việt Nam.
Đại diện Công ty Vinalines Shipping đã báo cáo các bước và quá trình tìm kiếm cứu nạn 22 thuyền viên còn lại. Công ty cho biết đã thành lập tổ tìm kiếm cứu nạn thuyền viên tại Philippines sau khi phát hiện thuyền viên bị nạn Đậu Ngọc Hùng được cứu vớt.
Theo báo cáo mới nhất của Tổ công tác (3 người, do Vinalines Shipping cử sang Philippines tìm kiếm thuyền viên) thì việc lật tàu Vinalines Queen diễn ra nhanh, ngay sau bức điện báo cuối cùng của thuyền trưởng báo về công ty, do vậy khả năng sống sót của các thủy thủ còn lại là không cao. Có khả năng các thuyền viên trôi dạt vào các đảo hoang khu vực Balintang (Trung Quốc).
Các máy bay trực thăng cứu nạn của Philippines vẫn đang tích cực tìm kiếm các thuyên viên và vật thể trôi dạt tại khu vực này.
Sau khi nghe phía công ty báo cáo, phía gia đình các thuyền viên còn mất tích vẫn tỏ ra chưa hài lòng, khi trong suốt thời gian qua Công ty chỉ tìm kiếm bằng trực thăng, mà khả năng tìm kiếm thành công của trực thăng là rất thấp. Vì vậy, các gia đình thuyền viên yêu cầu Công ty phải thuê ngay tàu tìm kiếm của Nhật Bản và Philippines để tìm kiếm quanh khu vực.
Bà Trần Thị Thắng, vợ của máy trưởng Lê Bá Trúc (SN 1953, quê Thanh Hóa) bức xúc: “Chúng tôi rất hiểu công ty đã làm nhiều việc, nhưng cho đến bây giờ đã là ngày 1/1/2012 (6 ngày sau khi Vinalines Queen mất liên lạc – PV) rồi mà mới chỉ thấy một nhân mạng, ngoài ra không còn gì thêm. Chúng tôi rất bức xúc, và đã tổ chức cái đoàn hôm nay để có tiếng nói tới công ty”.
Bà Trần Thị Thắng (trái) và chị Nguyễn Thị Tâm - vợ của thuyền trưởng Nguyễn Văn Thiện.
Cũng theo bà Thắng, hiện vẫn có khả năng nhiều thuyền viên đang mắc kẹt ở các đảo san hô quanh khu vực tàu bị nạn, nên đề nghị Công ty Vinalines Shipping tích cực hơn nữa trong các hoạt động tìm kiếm 22 thuyền viên còn lại.
“Tôi đề nghị chúng ta có sự phối hợp tốt hơn nữa, Công ty đứng ra đại diện để cầu cứu các cơ quan chức năng. Để làm sao đẩy nhanh việc tìm kiếm hơn nữa, không thể nào chịu đựng được chồng, con chúng tôi trôi trên biển rồi chết lạnh là không có được, tết đến nơi là chúng tôi không chấp nhận như thế”, giọng bà Thắng run run.
Ông Lê Bá Hợp, anh trai của máy trưởng Lê Bá Trúc (nguyên là Phó Tổng giám đốc Công ty bảo đảm Hàng hải Việt Nam), người có nhiều kinh nghiệm về hàng hải phân tích và chỉ ra rằng: “Công tác tìm kiếm vừa qua chưa thích hợp và chưa đủ, khu vực tàu Vinalines Queen bị nạn có rất nhiều đảo san hô do đó vẫn có thể các thuyền viên mắc kẹt ở đó”.
Ông Lê Bá Hợp tỏ ra chưa hài lòng với việc chỉ tìm kiếm bằng trực thăng.
“Bây giờ các anh và chúng tôi cần làm hết sức, quyết liệt hơn. Theo tôi mấy ngày qua làm vẫn chưa đủ. Quá trình, tiến trình tìm kiếm có rất nhiều khiếm khuyết, ngày đầu tiên không cứu được gì, lẽ ra ngày đầu tiên phải có tàu của Đài Loan ra hoặc Philippines thì sẽ cứu được.
Tôi hỏi làm sao mấy ngày hôm trước máy bay các anh bay ở đâu? Nếu là máy bay của Bảo đảm hàng hải Nhật Bản thì họ thừa sức tìm được. Bây giờ là quá muộn nhưng chưa phải là tuyệt vọng”, ông Hợp gay gắt.
Theo ông Hợp, cái chưa “ổn” là suốt những ngày qua, Công ty Vinalines Shipping chỉ tìm kiếm bằng trực thăng và phát tín hàng hải yêu cầu các tàu thuyền trong khu vực giúp đỡ tìm kiếm, chứ chưa thuê tàu thuyền ra những khu vực tàu bị nạn và khu vực phát hiện ra bè của thủy thủ Đậu Ngọc Hùng để tìm kiếm.
“Máy bay trực thăng chỉ có thể phát hiện được những vật có dấu hiệu cảnh báo, làm sao có thể phát hiện được những vật nhỏ trôi nổi trên mặt nước. Ngay như trường hợp của thủy thủ Hùng, trực thăng tìm kiếm mấy ngày mà đâu có phát hiện ra. Phải dùng thuyền thì mới được”, ông Hợp nói.
Ngay sau đấy, bà Thắng bày tỏ: “Tôi có mong muốn công ty, các cơ quan chức năng, trung tâm cứu nạn và nhà nước tham gia cấp cứu khẩn trương để tìm kiếm sự sống chết của chồng, con chúng tôi. Chúng tôi vẫn thắc mắc là công tác cứu nạn của công ty và các trung tâm cứu nạn làm vậy có khẩn trương không, kịp thời không, tại sao tới nay vẫn chưa thuê tàu ra khu vực đấy để tìm kiếm?”.
“Tại sao tàu Queen hiện đại như thế, đứng thứ nhất nhì Việt Nam mà xảy ra tai nạn như thế? Thêm nữa, đây là vấn đề nhạy cảm tôi không muốn nói, nhưng vẫn phải nói, là mức bảo hiểm bồi thường như vậy có xứng đáng không?”, bà Thắng nói thêm.
Vì vậy, đại diện các gia đình thuyền viên cho rằng “còn nước còn tát” và đã làm đơn đề nghị Công ty Vinalines Shipping, cùng các cơ quan ban ngành liên quan tích cực tham gia tìm kiếm thân nhân của họ, cũng như làm rõ vì sao tàu Vinalines Queen hiện đại như vậy lại bị chìm.
Về phía Công ty Vận tải biển Vinalines, ông Nguyễn Văn Hạnh, Giám Đốc Công ty khẳng định: “Chúng tôi chịu trách nhiệm trước sự cố này và sẽ nỗ lực cùng gia đình các thuyền viên làm tất cả những gì có thể để tìm kiếm họ. Ưu tiên hàng đầu hiện nay là tìm kiếm các thuyền viên còn lại”.
“Tất cả các thuyền viên và tàu đều được mua bảo hiểm. Chế độ chính sách, bảo hiểm của các thuyền viên sẽ được thực hiện theo đúng hợp đồng mà các thuyền viên đã ký với công ty”, ông Hạnh nói thêm.
Ngay sau buổi làm việc với Công ty Vinalines Shipping, đại diện gia đình 22 thuyền viên còn mất tích đã đến Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải Việt Nam (Việt Nam RMCC) để tiếp tục bàn biện pháp tìm kiếm các thuyền viên.