Có lẽ ngày còn lóa mắt trước sự “giàu sang” của “thiếu gia” người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn, thiếu nữ ấy không ngờ rằng cuộc tình xuyên biên giới sẽ dẫn đến kết cục bi thảm: Bản thân chán chường tự tìm đến cái chết, đứa con thơ mang hai dòng máu cũng mất mạng tức tưởi...
Thiếu phụ tự tìm đến cái chết
Những người hàng xóm cho biết, chị Ngọc (SN 1980, ngụ Phường 16, Quận 8, TP HCM) cùng mẹ chuyển về địa chỉ nêu trên thuê nhà ở đã hơn hai năm, khi đó thiếu phụ mới đang mang bầu. Mấy tháng sau chị sinh một bé trai, hàng xóm chỉ biết Ngọc có chồng là một người Trung Quốc, còn về dung mạo của anh chồng thế nào thì suốt hai năm qua họ chưa từng thấy.
Nguyệt là phụ nữ nhan sắc, hiền lành, ít nói, có cuộc sống khép kín. Bà mẹ tuy mới hơn 60 tuổi nhưng chân tay run rẩy không thể đi đâu ngoài phòng mình. Thời gian đầu mới đến, cứ 2 - 3 ngày cô gái trẻ lại dẫn con ra ngoài mua đồ ăn. Nhưng cách đây mấy tháng không hiểu lý do gì, chị khóa chặt cửa hầu như không bước ra ngoài. Mọi thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt trong gia đình đều do người hàng xóm kế bên mua giúp.
Cũng chính người hàng xóm này đã phát hiện ra vụ việc. Nhân chứng này kể, khoảng 8h ngày 11/9 trước lúc đi chợ chị ghé qua coi hàng xóm có cần mua gì không. Bà mẹ cô gái nhờ: “Cháu lên lầu kêu con Ngọc giùm bác. Bác gọi nó từ sáng tới giờ mà không thấy trả lời”.
Chị hàng xóm kể lại, khi leo lên lầu, vừa gõ cửa, vừa gọi không có ai trả lời, chị đẩy cửa bước vào thì kinh hoàng trước cảnh tượng: Xác thiếu nữ lơ lửng ngay trước mắt. Dưới giường là em bé nằm im như ngủ nhưng mặt mũi tím tái, có lẽ cũng đã chết. Nhân chứng này chỉ hét lên được một tiếng rồi quay đầu lao xuống cầu thang.
Lực lượng công an nhanh chóng có mặt tại hiện trường. Kết luận ban đầu cho thấy cháu bé đã bị mẹ cho uống thuốc ngủ với liều lượng cực cao nên đã mất mạng. Người mẹ trước đó cũng uống thuốc ngủ tự vẫn, nhưng có lẽ phản ứng đào thải của cơ thể đã khiến cô nôn ói thải chất độc ra. Quyết tâm tìm đến cái chết, cô gái đã lấy dao cắt mạch máu ở hai cổ tay để tự vẫn, nhưng vẫn không chết. Cuối cùng cô tự thắt cổ.
Chuyện tình xuyên biên giới
Người anh trai của cô gái ngậm ngùi kể về những bi kịch của gia đình. Gia đình anh vốn là người Sài Gòn gốc, nhà ở khu vực Thanh Đa (quận Bình Thạnh). Cha mất sớm, mẹ một nách ba con nhỏ, không có kinh nghiệm buôn bán nên việc làm ăn đổ bể, của cải gia đình tiêu tán, nhà cũng không còn. Từ đó cả gia đình phải ở nhà thuê, lang thang phiêu bạt khắp nơi. Nhà nghèo nhưng nhan sắc Ngọc không thua kém ai, người anh cho biết từ bé, mỗi lần Ngọc đi đâu ai cũng khen: “Sao xinh như búp bê vậy”.
Cả 3 anh em đều không học hành tới nơi tới chốn, 17 tuổi Ngọc xin vào làm nhân viên phục vụ cho một nhà hàng cao cấp trên Quận 1. Vẻ đẹp của Ngọc khiến người ta thích, nét đoan trang của cô gái khiến nhiều công tử, "đại gia" săn đón. Tuy nhiên, cô gái không đồng ý yêu ai. Cô kể với anh trai rằng các đối tượng tìm đến với cô lúc nào cũng vung tiền để mua mọi thứ nên rất coi thường người khác. Cô sợ cảnh là thứ “trang sức” đắt tiền mà những người đàn ông muốn sở hữu.
Cuối cùng, cô gái gặp một thanh niên người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn. Nhìn cách người này vung tiền, biết anh ta là con nhà giàu. Cũng như những người đàn ông khác, anh ta bị choáng váng trước nhan sắc của cô phục vụ bàn.
Cũng vẫn như mọi khi, cô gái từ chối. Tuy nhiên, nếu những người đàn ông khác “cả thèm chóng chán”, sau một thời gian săn đón, quà cáp… không được người đẹp đáp lại thì dần dần cũng ngãng ra. Riêng chàng trai người Trung Quốc không như vậy. Anh ta quyết liệt đeo bám thiếu nữ suốt 5 - 6 năm trời. Sự kiên trì, tấm chân tình của chàng trai cuối cùng cũng khiến cô xúc động, nhận lời yêu. Chuyện tình đẹp như mơ của họ kết thúc bằng một đám cưới rình rang long trọng.
Anh trai của nạn nhân âu sầu: “Người ta bảo gia đình tôi có phước, em gái “một bước lên tiên”. Nhưng đời không ai học hết được chữ ngờ. Cưới nhau được một năm thì vợ chồng bắt đầu lục đục”. Theo đuổi, yêu đương suốt nhiều năm mới nên duyên, ai cũng nghĩ anh chồng sẽ rất trân trọng người vợ xinh đẹp mà anh ta khó khăn lắm mới lấy được. Nhưng sự thật không phải như vậy.
Đôi vợ chồng khác quốc tịch khi còn yêu nhau
Chồng ngoại quốc bạc tình
Người chồng vốn có cuộc sống phóng túng, những năm trước vì chinh phục người đẹp nên cố làm ra vẻ đứng đắn, đàng hoàng. Nay mang được cô gái ao ước về ở trong nhà, anh ta bắt đầu quay lại cuộc sống nhiều “màu sắc” khi xưa. Cùng với những bữa tiệc tùng triền miên là những người cuộc tình chóng vánh với đủ hạng đàn bà...
Khi vợ phản ứng, cô nhận được câu tuyên bố: “Đó là chuyện làm ăn, cô là vợ phải chấp nhận”. Cô con dâu cầu cứu ba mẹ chồng thì bà mẹ người Trung Quốc cũng cho rằng “gái lấy chồng rồi phải theo chồng. Miễn là chồng vẫn chấp nhận mình là người vợ danh chính ngôn thuận. Còn ở ngoài, đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện bình thường”.
Cô gái trẻ vốn có lối sống rất nề nếp nghiêm túc nhất quyết không đồng ý kiếp “chồng chung”. Những trận cãi vã nổ ra.
Người chồng ngoại quốc có thời gian dài ở Việt Nam nhưng vốn tiếng Việt cũng chỉ bập bõm, theo kiểu miệng nói tay diễn tả. Còn người vợ thì tiếng Hoa chỉ dừng lại ở mức “nỉ hảo”. Bất đồng về ngôn ngữ khiến cả hai không thể tâm sự, không hiểu được suy nghĩ trong lòng người bạn đời. Mâu thuẫn đã không thể hóa giải; cộng thêm việc khác biệt về văn hóa, tập quán khiến rạn nứt ngày một lớn.
Không tìm được giải pháp, người vợ đã mang thai hai tháng quyết định trở về với mẹ ruột già yếu. Hai mẹ con thuê căn nhà nhỏ, nằm khuất sâu trong con hẻm trên đường 41, phường 16 bên con kênh đen thui mọc đầy dừa nước, ngày đêm bốc mùi hôi thối.
Người chồng một thời gian sau cũng về hẳn Trung Quốc. Từ đây cô gái trẻ bắt đầu phải đối mặt với cuộc sống khó khăn. Không việc làm, không thu nhập, bụng mang dạ chửa, lại cộng thêm người mẹ đau yếu, cô phải “vượt cạn” một mình, vừa chăm bé sơ sinh lại chăm mẹ già bệnh tật. Với khoản trợ cấp bốn triệu/tháng từ người chồng “danh chính ngôn thuận” ở nước ngoài, cô xoay xở tiền nhà, thuốc cho mẹ, tiền sữa cho con.
Ai ngờ cách đây khoảng 6 tháng, người chồng đột ngột cắt trợ cấp và cũng cắt đứt liên lạc khiến cô vợ tuyệt vọng. Thêm chuyện cuộc sống thiếu thốn, thậm chí cô không có tiền mua thuốc cho mẹ, mua sữa cho con. Sự hỗ trợ của hai người anh trai, một làm công nhân, một làm bảo vệ chỉ như muối bỏ bể. Cô bắt đầu có nhiều suy nghĩ tiêu cực.
Trong thời gian này, một số đàn ông thuộc thành phần phức tạp nơi Ngọc ở trọ nhận thấy cô gái xinh đẹp chỉ sống với mẹ già và con nhỏ nên buông lời lả lơi mời mọc khiến bà mẹ trẻ sợ hãi. Từ đó cô ngại ra ngoài, thường xuyên khóa cửa ở trong nhà, chỉ giao tiếp với thế giới bên ngoài từ sau cánh cửa sắt thông qua người hàng xóm tốt bụng. Sống như vậy một thời gian dài, cô gái rơi vào tình trạng trầm cảm nặng.
Cách đây mấy tháng, cô nhắn tin với anh trai than buồn, chán sống. Người anh động viên: “Em còn trẻ, ráng khổ nuôi con vài tháng nữa rồi đi làm lấy tiền nuôi mẹ nuôi con”. Thấy em gái không nói gì, anh cũng yên tâm vì nghĩ đó chỉ là tâm lý nhất thời.
Vuốt di ảnh đứa cháu, người anh thở dài: “Do gia cảnh khó khăn, hai anh em trai tôi nay đã hơn 40 tuổi đều chưa lập gia đình. Chúng tôi mải mưu sinh nên đã không trợ giúp được gì cho mẹ và em gái. Tôi nghĩ nó ở nhà hoài nên sinh ra buồn chán, tôi không hiểu được những sự khổ sở mà nó phải chịu suốt thời gian qua. Nếu biết trước, tôi đã chuyển hẳn về nhà ở với mẹ với em, động viên em thì có lẽ không có cơ sự này”.