Từ các thẩm mỹ viện, hiệu thuốc, cửa hàng mỹ phẩm, chợ lớn, chợ bé, ngõ ngách và thời gian gần đây thì nó tung hoành trên khắp các mạng xã hội, website bán hàng… Đặc điểm chung của các loại kem được bán này là hầu hết đều “bí mật” về thành phần, không có giấy tờ kiểm định chất lượng nhưng lại được quảng cáo “trên trời” như tác dụng trắng ngay từ lần tắm/bôi đầu tiên, trắng như hotgirl chỉ sau vài tuần đến vài tháng…
Chị Ngọc Lan, nhân viên một ngân hàng ở Hà Nội cho biết, sau nhiều thời gian tham khảo nhiều các sản phẩm trắng da, cuối cùng chị đánh liều mua một sản phẩm của một nick “uy tín” trên một diễn đàn dành cho phụ nữ với một lọ kem trắng da cao cấp có giá 800.000 đồng và một lọ kem thường giá 300.000 đồng. Tuy nhiên, mua về rồi chị lại đắn đo không dám dùng vì hình thức lọ kem trông như “hàng chợ”, ngửi mùi thấy nồng, bôi thử vào da thì thấy hơi bết, trông có vẻ không tin tưởng lắm. “Cô bán kem trắng da ở chợ gần nhà mình bảo, giờ nhiều người cũng lấy hàng từ các chợ, hoặc sang Trung Quốc mua, chiết vào các hộp, lọ để bán, mua có mấy chục nghìn nhưng bán tiền trăm, tiền triệu. Bán rẻ thì vừa lãi ít, vừa bị khách hàng nghi ngờ về chất lượng”.
Mới đây một hotgirl tên T khá nổi tiếng trên mạng với việc kinh doanh sản phẩm trắng da đã bị hàng loạt khách hàng lên tiếng phàn nàn về chất lượng sản phẩm của cô, thậm chí còn cho rằng cô lừa đảo, bán kem giả. Một người được cho là am hiểu về mỹ phẩm cho rằng T đã “phù phép” giá nhiều loại mĩ phẩm, ví dụ lọ kem trị mụn nhập giá 80.000 đồng, bán ra gần 300.000 đồng. Người này còn tố T bán hàng loạt loại kem giả, ví dụ huyết thanh tế bào gốc là một loại hóa chất tẩy da mua bên chợ Trung Quốc theo cân, lít (chưa đến 100.000đồng/l) để đóng ra hàng chục gói bán tiền triệu mỗi gói. Loại kem ốc sên thì chứa corticoid làm bào mòn da. Một khách hàng khác cũng cho biết cô dùng kem ốc sên của T đã bị hỏng da, phải mất gần chục triệu đi chữa trị. “Dùng kem ốc sên của chị T đợt đầu dùng thấy tạm ổn thôi vì da em trắng sẵn rồi. Sau đó em mới dừng được 1 tháng thì da khô, bong tróc, mẩn, thỉnh thoảng có mụn. Đến tầm tháng 5, sau khi dừng 2 tháng da em kinh khủng luôn. Da khô, sần, đỏ, đau như hàng trăm con kiến nó cắn, rồi mụn li ti đầy da luôn, em sợ quá đi khám chữa đến bây giờ là 2 tháng”. Nhiều thành viên khác cũng liên tục lên tiếng về tình trạng tương tự như khách hàng trên sau khi dùng loại kem này của T.
Thật ra đây không phải là lần đầu tiên xảy ra những vụ “to tiếng” giữa người mua và người bán về kem trắng da kém chất lượng, giá cao. Các chuyên gia cho rằng có tồn tại các sản phẩm có tác dụng trắng da an toàn, nếu nó được chiết xuất từ những thành phần tự nhiên, nhưng sẽ không trắng siêu tốc như những loại kem đang bán được. Phân tích thành phần của các loại kem làm trắng da, các bác sỹ da liễu chỉ ra rằng: Hầu hết sản phẩm kem trắng da chứa thành phần axit, Hydroquinone, thủy ngân… có khả năng oxy hóa cực mạnh; khi sử dụng sẽ tẩy đi lớp da sạm màu bên ngoài, ngăn ngừa sự hình thành sắc tố melamine, giúp trắng da.
Tuy nhiên, các sản phẩm này có thể nảy sinh những tác dụng phụ có hại như đột biến tế bào, làm da bị loang lổ và sạm màu, thậm chí gây ra nhiều triệu chứng nguy hiểm khác như để lại sẹo, teo, rạn, bong tróc da, làm da mẩn đỏ, đau rát, hoặc ung thư da. Đặc biệt, hầu hết các loại kem trộn đều có corticoid. Hoạt chất này có thể làm trắng, mịn da trong thời gian đầu sử dụng. Tuy nhiên, nếu sử dụng kéo dài từ 3 tuần trở lên sẽ xuất hiện tác dụng phụ. Ban đầu, người dùng có thể bị nổi mụn, sau đó xuất hiện các biểu hiện khác như dạn, sạm da, rối loạn sắc tố da. Người sản xuất kem trộn, bản thân họ không phải là chuyên gia mỹ phẩm hay bác sỹ da liễu, nên đôi khi chính họ cũng không biết tác dụng của các loại kem trộn và các thành phần hóa học cấu tạo nên nó nên cứ quảng cáo trên trời.