Jack Ma: Một ông chủ 'bốc đồng' và sự rời bỏ 'đứa con cưng' bất thường

Jack Ma khẳng định không bao giờ quay lại Alibaba ngay cả khi người kế nhiệm gặp khó khăn.

Jack Ma, người đồng sáng lập Alibaba cho biết ông sẽ không quay trở lại để điều hành công ty sau khi từ chức vào năm tới. Cam kết này sẽ vẫn giữ nguyên ngay cả khi người kế nhiệm của ông phải đối mặt với những khó khăn khi dẫn dắt tập đoàn công nghệ khổng lồ này trong tương lai.

"Tôi sẽ không trở lại, bởi vì tôi không cảm thấy như tôi đã rời đi," Ma phát biểu tại một hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Thiên Tân, Trung Quốc. CEO Daniel Zhang sẽ kế nhiệm Ma làm chủ tịch hội đồng quản trị vào tháng 9 tới. Cho đến thời điểm đó, Ma sẽ vẫn là chủ tịch điều hành.

 Jack Ma, người đồng sáng lập mang tính biểu tượng của Alibaba, tập
đoàn thương mại điện tử Trung Quốc

Tin tức về quyết định rời bỏ vị trí quản lý Alibaba của Jack Ma đến khá bất thường. Nó được tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn mà Ma từng từ chối thực hiện sau đó thông tin mới được công ty xác nhận. Alibaba công bố một lá thư, trong đó Ma giải thích về quyết định từ chức của mình, và hy vọng về tương lai của công ty dưới sự kế nhiệm của Daniel Zhang.

Theo kế hoạch của Ma, ông sẽ ở lại hội đồng quản trị của công ty đến năm 2020 với tư cách tham gia vào các cuộc họp cổ đông thường niên, đồng thời tập trung nhiều thời gian của mình vào hoạt động từ thiện và giáo dục.

Khác với những nhà lãnh đạo của công ty đối thủ, Jack Ma xuất phát từ một giáo viên tiếng Anh. Ma thiếu kiến ​​thức chuyên môn về công nghệ và trí tuệ nhân tạo như Robin Li, người sáng lập Baidu và sự hiểu biết sâu sắc về các sản phẩm như CEO Tencent Pony Ma. Nhưng ông đã xây dựng các dịch vụ bán lẻ, tài chính, truyền thông, giải trí và điện toán đám mây, đưa Alibaba trở thành công ty có giá trị nhất của Trung Quốc chỉ trong 19 năm.

Jack Ma không bao giờ do dự khi hành động một khi đã xác định con đường phía trước, và theo
đuổi mục tiêu của mình với nhiều sức mạnh hơn bất kỳ đối thủ nào

Ma là người sớm có tầm nhìn về tiềm năng lĩnh vực công nghệ tại Trung Quốc. Ông có sức lôi cuốn hơn nhiều so với những người sáng lập của các công ty công nghệ khác theo ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới Goldman Sachs. Ngân hàng và các nhà quản lý nói rằng Ma thể hiện cái nhìn sâu sắc về các cơ hội kinh doanh mới nổi hơn bất kỳ đối thủ nào của mình.

Tuy nhiên, Ma vẫn có những thiếu sót, đôi khi tạo ra rủi ro cho sự phát triển của Alibaba. Những người từng làm việc nhận xét Ma thường cư xử khiêu khích và có mối quan hệ không thoải mái với chính phủ. Nhưng thực tế là ông không ngừng quảng bá một hình ảnh tích cực của Trung Quốc ra nước ngoài bằng cách xuất hiện tại các sự kiện của chính phủ như Diễn đàn Boao hàng năm tại Hải Nam, tham gia nhóm mô phỏng thảo luận cấp cao trong các cuộc họp Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ. Ông cũng sẵn sàng hành động vì lợi ích của chính phủ nhiều lần.

Đáng chú ý là trong năm 2016, ông mua tờ South China Morning Post từ Robert Kuok, một ông trùm gốc Malaysia, trong một thỏa thuận được thiết kế để đảm bảo rằng tờ báo tiếng Anh hàng đầu tại Hồng Kong có thiện chí với Bắc Kinh. Cả Ma và phó chủ tịch Alibaba, ông Joe Tsai cho biết vào thời điểm này, thế giới cần một tờ báo quốc tế hiểu được Trung Quốc và có thể giải thích nó vượt ra ngoài lục địa.

Jack Ma luôn không ngừng thể hiện một hình ảnh tích cực của Trung Quốc với bạn bè thế giới

Ma cũng trải qua bi kịch khi cái chết của một đứa con trai nhỏ bị ung thư đã tạm thời phá vỡ cuộc sống gia đình và khả năng điều hành công ty của ông. Có lẽ đó là lý do tại sao ông có quan điểm xa hơn về đời sống kinh doanh so với một số đối tác của mình. Ông cho rằng kinh doanh không còn quan trọng khi đặt bên cạnh các vấn đề của cuộc sống và cái chết, cho dù bạn có sở hữu bao nhiêu tiền hay thị phần.

"Anh ấy tự giữ mình ở một tiêu chuẩn cao", một nhà đầu tư đại lục có quan hệ chặt chẽ với Ma nói. "Anh ấy không bao giờ muốn cả đời quản lý Alibaba. Và với anh ta, tiền không phải là tất cả."