Internet đưa cái "tôi" của mỗi người đến với mọi người

Thế mạnh của thông tin trên mạng chính là khả năng được chọn lựa, mình sẽ che giấu khía cạnh nào, đến mức độ nào bộ mặt thật của mình trước những người khác.

Bạn có thể tìm thấy trên mạng hàng ngàn nhóm bạn, vô số những cuốn nhật ký, các kênh tào lao hay các nhóm tán gẫu, hàng triệu người sử dụng các dịch vụ thông tin trên mạng và hàng trăm triệu trang web cá nhân. Các cuộc gặp gỡ offline ngày càng hay được thay thế bằng các cuộc gặp gỡ online và kiểu gặp này đang dần dà thế chỗ cho những mối quan hệ thiết thực. Trên mạng, người ta chỉ có thể diễn đạt cảm xúc của mình thông qua những tổ hợp các ký tự, song không ai phàn nàn về chuyện đó. Trái lại, mọi người vẫn thích được ẩn danh và tách rời khỏi thực tế cuộc sống.

Thế mạnh của thông tin trên mạng chính là khả năng được chọn lựa, mình sẽ che giấu khía cạnh nào, đến mức độ nào bộ mặt thật của mình trước những người khác. Bạn có thể đóng vai một người hoàn toàn khác hoặc chỉ tô vẽ thêm cho hình ảnh của mình. Trao đổi với ai đó trên mạng, rất khó biết được người ấy thực sự  là người như thế nào và cái tôi của người ấy là gì?

Thường thì chúng ta cho rằng cái tôi của mình là cách mà chúng ta tự thể hiện trước người khác và là cái mà mọi người cảm nhận về ta hàng ngày. Chúng ta thể hiện mình qua lời ăn tiếng nói, qua quần áo ta mặc, qua ngôn từ và ngôn ngữ của cơ thể, qua các sở thích… Nhưng ta luôn băn khoăn rằng liệu tất cả những cái đó có là bản thân của chúng ta hay không? Trong thực tế, nhiều người vẫn che giấu cảm xúc thật của mình, họ vẫn mang mặt nạ, nói những gì không phải là họ nghĩ thực sự, còn những ước mơ hay tưởng tượng của họ lại biểu thị “cái tôi lý tưởng”, tức là người mà họ muốn trở thành. Vậy những hình ảnh được lý tưởng hóa trong không gian ảo chiếm bao nhiêu phần trăm của sự thật?

Những cuộc trò chuyện trên mạng nhắc chúng ta nhớ đến nững cuộc trò chuyện mà chúng ta vẫn thường hay thấy ở trên tàu xe. Hai người không quen biết nhau tình cờ gặp nhau thường có xu thế thêm mắm thêm muối vào chủ đề của mình. Khi không ai có thể hoài nghi gì về những thành công của chúng ta trong cuộc sống, thì chúng ta dễ sa vào việc thể hiện cái tôi được lý tưởng hóa của mình. Những người liên hệ với nhau trên mạng cũng rất hay thêm thắt kiểu như vậy, hơn là khi nói chyện “ba mặt một lời”. Còn có một đặc điểm nữa là kể cả sau khi làm quen với nhau trên mạng, đến lúc gặp mặt thật sự thì sự đánh giá của ta với người kia vẫn tốt hơn. Thậm chí cả khi những người tham gia biết chắc là ở trên mạng và khi gặp trực tiếp, họ nói chuyện với những người khác nhau, thì trong thực tế họ vẫn thích những người quen qua mạng hơn. Hình như khi ở trên mạng, chúng ta là những người mà chúng ta mơ ước.

Sự ẩn danh làm giảm tính nhút nhát, bạn không cần phải cảnh giác nữa mà có thể nói một cách cởi mở về những bí mật của mình. Khi nói chuyện trên mạng, không có những trao đổi thông tin của bối cảnh xung quanh mà trong thế giới thực chúng luôn đi kèm với từng câu nói của bạn. Nhờ đó bạn cảm thấy tự tin hơn, không phải bận tâm đến những câu bình luận của xung quanh. Và những cuộc tiếp xúc tlafm quen trên mạng quả đáng là một thứ “dạ hội hóa trang”, mỗi người đeo vào một thứ “mặt nạ” cho riêng mình.

Trong không gian ảo, hình ảnh của các bạn chỉ là một khái niệm tương đối. Sau một khoảng thời gian nhất định sẽ đi tới một cuộc gặp mặt đối mặt và sau đó là… thất vọng.