Nếu không có những thông tin đồn đoán về việc sẽ có một gói chính sách hỗ trợ DN vào đầu tháng 5 thì có thể thị trường đã bước vào xu thế giảm rõ rệt hơn.
Trong bản tin ngày 23/4, CTCP Chứng khoán VNDirect đã có nhận định đáng chú ý, “trong phiên giao dịch ngày 24/4 (tức phiên hôm qua - PV), VN-Index chạm về trendline có thể bật tăng trở lại, nhưng việc mua mới nên hạn chế do nhiều khả năng đây chỉ là bulltrap”. Theo lập luận của bộ phận phân tích CTCK này, CPI tăng thấp là do hàng hóa dư thừa, hàng tồn kho lớn và nhiều khả năng, nền kinh tế đang gặp nguy cơ thiểu phát. Khuyến nghị của VNDirect là nhà đầu tư nên giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu.
Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi vào cuối phiên hôm qua, giới đầu tư xôn xao về thông tin Ngân hàng Nhà nước sẽ áp trần lãi suất cho vay là 16,5%/năm. Đây là mức lãi suất mà một số DN sản xuất lớn, khách hàng uy tín đã được vay. Nhưng đây sẽ là mức lãi suất mà nhiều DN bất động sản mơ ước, vì khối DN này dù thuộc đối tượng được nới tín dụng theo quy định mới đây của Ngân hàng Nhà nước nhưng vẫn đang phải vay với lãi suất 19 - 20%/năm.
Đây chính là nguyên nhân khiến cuối phiên giao dịch hôm qua, các cổ phiếu bất động sản tăng trần hoặc áp giá trần, dù rằng lượng dư mua chưa lớn bởi thông tin áp trần lãi suất cho vay chỉ được truyền đi trong giới thạo tin.
Cho đến thời điểm này, áp trần lãi suất cho vay là tin đồn nặng ký trong nhóm tin tốt có khả năng tác động đến TTCK. Nếu thông tin này là hiện thực thì đây có thể là một giải pháp nằm trong gói giải pháp hỗ trợ DN như miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT được nhắc đến khá nhiều trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, trước tin tăng giá xăng trước đó, thị trường chỉ bị ảnh hưởng với hai phiên giảm mạnh, sau đó đã lấy lại được thế cân bằng bởi lực mua giá thấp của nhóm nhà đầu tư đã kịp chốt lời đúng đỉnh. Mặt khác, dựa trên phân tích cơ bản, một số cổ phiếu sau hai phiên giảm sàn đã tiếp cận mặt bằng giá tương đối rẻ, với chỉ số P/E giảm còn 5 - 6 lần. Chính vì thế, bên mua đã mạnh dạn mua vào, bất chấp rủi ro giá có thể giảm thêm 5 - 10%.
Tuy nhiên, xu hướng thị trường phía trước cũng còn không ít trắc trở. Theo phân tích của CTCK HSC, việc tăng giá xăng dầu vừa qua ước tính sẽ khiến CPI tháng 5 tăng thêm 0,26%.
HSC cũng lưu ý khả năng giá điện sẽ tăng từ 5 - 10% (việc này đã được trì hoãn trong vài tháng qua). Giá than gần đây cũng đã tăng và là một dấu hiệu cho thấy giá điện cũng sắp tăng. Lương tối thiểu cũng sẽ tăng từ ngày 1/5. Thông thường, lương tối thiểu tăng sẽ có tác động làm tăng giá một số mặt hàng lương thực cơ bản. Theo đó, HSC dự báo, mức tăng CPI tháng 5 khoảng 0,5%, nghĩa là vẫn ở mức thấp nhưng tăng nhẹ so với mức tăng CPI của tháng 4, theo đó CPI theo năm sẽ tăng khoảng 8,7%.
Việc tăng giá một số yếu tố đầu vào sẽ tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư ít nhất cho đến khi các thông tin này thành hiện thực, giống như tác động của tăng giá xăng dầu vừa qua. Sau đó, thị trường sẽ nghe ngóng, đánh giá xem giá điện, giá xăng dầu tăng như vậy sẽ tác động dây chuyền đến giá cả các mặt hàng khác như thế nào. Và dù gì thì những thông tin này sẽ giảm bớt hiệu ứng tích cực của một gói các chính sách hỗ trợ DN nếu có.
Thị trường được đánh giá là rủi ro với nhà đầu tư ngắn hạn do đã tăng khá mạnh trong quý I, trong khi đó, kết quả lợi nhuận của hầu hết DN thời gian này không mấy khả quan. Nhiều DN đạt kết quả lợi nhuận thấp so với cùng kỳ hoặc thua lỗ. Nhóm cổ phiếu chứng khoán được hoàn nhập dự phòng, nhưng chủ yếu đã thể hiện hết trong diễn biến giá quý I. Đặc biệt là nhóm cổ phiếu bất động sản mà dòng tiền đang “đánh lên, đánh xuống” dựa vào tin hỗ trợ, chứ bản thân DN cũng chưa được thụ hưởng những chính sách tín dụng nới lỏng. Kết quả kinh doanh của nhóm DN bất động sản có khả năng phải đến quý IV năm nay mới có thể ghi nhận sự cải thiện.
Thực tế này không khó để nhận biết, nên chắc chắn dòng tiền vào nhóm cổ phiếu bất động sản mang tính chất lướt sóng nhiều hơn, giống như diễn biến giá của nhóm cổ phiếu này trong 1 tháng qua đã tăng giảm theo tin nới tín dụng cho bất động sản.
Điểm tích cực nhất của thị trường hiện nay là dù nhà đầu tư thận trọng trong quyết định đầu tư, nhưng tâm lý sợ hãi của năm 2011 đã nhạt nhòa đi rất nhiều.