Ngày 8/10, Đại tá Nguyễn Trung Nghĩa, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Phú Yên, xác nhận: Bị can Trần Thị Hải Yến (31 tuổi, ngụ thôn Phước Lương, xã An Cư, huyện Tuy An, Phú Yên) đã dùng áo treo cổ tự tử trong nhà tạm giữ Công an huyện Tuy An. Các cơ quan chức năng đã tiến hành khám nghiệm tử thi, điều tra vụ việc.
Bà Nguyễn Thị Thanh Liễu (mẹ chị Yến) cho biết lúc 21h ngày 7/10 có người đến báo tin chị Yến được công an đưa vào cấp cứu tại BV Đa khoa Phú Yên. Khi gia đình đến nơi, BV cho biết chị Yến đã chết, tử thi đã đưa vào nhà xác.
Theo hồ sơ, tối 3/3/2012, ông Nguyễn Tấn Dũng (ở cạnh nhà bà Liễu) tổ chức hát karaoke cùng một số người quen nên gia đình bà Liễu đề nghị ông Dũng dừng hát để gia đình nghỉ ngơi. Sau đó, hai gia đình xảy ra cãi vã, ném đá qua lại. Trong lúc xô xát, ông Dũng bị thương ở đầu. Trung tâm Giám định pháp y kết luận ông Dũng bị thương tích 12%, trong đó vĩnh viễn 2%. Sau đó Công an huyện Tuy An ra quyết định khởi tố vụ án và ngày 15/1/2013, chị Yến bị Công an huyện Tuy An bắt tạm giam về tội cố ý gây thương tích.
Tại phiên xử sơ thẩm ngày 19/3, TAND huyện Tuy An tuyên phạt bị cáo Yến 30 tháng tù về tội cố ý gây thương tích. Sau khi bị cáo kháng cáo kêu oan, ngày 1/7/2013, TAND tỉnh Phú Yên xử phúc thẩm, tuyên hủy án vì chưa đủ cơ sở vững chắc để buộc tội, có nhiều vi phạm nghiêm trọng về tố tụng, giao cấp sơ thẩm điều tra lại.
Luật sư Ngô Minh Tùng (Đoàn Luật sư Phú Yên), người bào chữa cho bị cáo Yến, cho biết trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, chị Yến khăng khăng mình không phạm tội. Trong khi cơ quan tố tụng huyện Tuy An cho là chị Yến dùng gạch ném trúng đầu ông Dũng thì chị Yến và một số nhân chứng cho biết sự thật không phải như vậy.
Thẩm phán Nguyễn Văn Tào, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, chủ tọa phiên xử phúc thẩm bị cáo Yến, nói: “Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Yến một mực kêu oan, cho rằng trong lúc xô xát, ông Dũng say rượu, bị té rồi tự gây thương tích. Qua tra cứu hồ sơ và phiên xử phúc thẩm, tòa thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ. Cơ quan điều tra không lấy lời khai của những người đầu tiên đến hiện trường là cán bộ công an xã, trưởng thôn. Biên bản lấy lời khai có nhiều sửa chữa, bổ sung không đúng thủ tục, lời khai của những người tham gia tố tụng có nhiều mâu thuẫn. Hồ sơ bệnh án của nạn nhân bị gạch xóa, có nhiều mâu thuẫn, lúc thì ghi vết thương ông Dũng do bị đánh, lúc thì ghi do bị ném đá. Cơ quan điều tra chưa tiến hành thực nghiệm điều tra để xác định cơ chế hình thành vết thương… Vì thế tòa đã hủy án”.
Còn theo luật sư Tùng, việc VKS huyện Tuy An lấy lời khai của bốn nhân chứng cùng một lần, cùng một biên bản đã tạo điều kiện cho họ thông cung.
Theo gia đình chị Yến, trong gần hai năm qua, gia đình liên tục gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan, bốn lần xin bảo lãnh cho chị Yến được tại ngoại vì là lao động chính nhưng không được chấp nhận.
Sáng 8/10, ông Nguyễn Thái Học, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Phú Yên, đã đến chia sẻ, động viên gia đình chị Yến, hứa sẽ xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án để làm rõ vụ việc. Ông Học trực tiếp đến xem việc khám nghiệm hiện trường buồng giam, can thiệp theo yêu cầu của gia đình nạn nhân không cho giám đốc Trung tâm Giám định pháp y Phú Yên tham gia khám nghiệm tử thi vì gia đình cho rằng trước đó người này giám định không khách quan… * Do bị cáo đã chết nên cơ quan điều tra sẽ đình chỉ vụ án và chưa rõ các cơ quan chức năng có tiếp tục làm rõ vụ án trên để xác định có oan sai hay không. Nếu có oan ức dẫn đến cái chết của chị Yến là điều rất đau xót. Ông NGUYỄN VĂN TÀO, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên |