Vùng Thất Sơn không chỉ nổi tiếng và kỳ bí với những đạo sĩ thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng, võ công cái thế, xuất quỷ nhập thần, với loài rắn hổ mây to như cây thốt nốt già, mà còn vô số những thứ kỳ quái, lại lùng khác.
Những ngày tìm hiểu ở vùng Thất Sơn, phóng viên thu lượm được vô số chuyện lạ lùng, khó tin. Những câu chuyện mang tính huyền thoại, nhưng như thể là thực, mang tính thời sự ở vùng Thất Sơn lắm chuyện huyền bí này.
Theo đạo sĩ Ba Lưới, đạo sĩ duy nhất còn sống, hiện tròn 100 tuổi, tu ẩn ở núi Cấm (ngọn núi cao nhất vùng Thất Sơn, thuộc xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang), thì xưa kia vùng Thất Sơn rừng rú rậm rạm, chỉ có thú dữ sinh sống.
Đạo sĩ Ba Lưới
Ngoài các đạo sĩ tinh thông võ nghệ, thì không ai dám vào rừng sinh nhai.
Nơi đây không chỉ có loài cọp vằn vàng như bình thường, mà còn có vô số hổ trắng, hổ đen.
Loài hổ đen, hổ trắng vô cùng hung dữ, to như trâu, bò đi lững thững trong rừng. Loài hổ đen, hổ trắng có thể quắp con trâu nhảy phóc trên những vồ đá.
Bò sát khổng lồ
Loài bò sát khổng lồ hổ mây, dài hàng chục mét, thân to người ôm không hết, phóng ào ào như giông bão trên ngọn cây thì ai cũng biết, ai cũng kể, nhưng chưa có bằng chứng cụ thể nào về sự tồn tại của nó. Loài vật này mang tính huyền thoại hơn là sự thực.
Nhưng, có một loài bò sát khổng lồ có thực ở vùng Thất Sơn chính là con nưa. Người dân vùng Thất Sơn đều sợ hãi con nưa và họ thường gọi nó là “trăn tinh”. Sở dĩ, người ta gọi nó như vậy, vì con nưa rất lớn, hung dữ và cực độc.
Con nưa. Ảnh internet
Theo đạo sĩ Ba Lưới, cách đây 40-50 năm, con nưa ở núi Cấm rất nhiều. Những con nưa khổng lồ to bằng cây thốt nốt, hết vòng tay ôm, dài đến 20 mét, nặng 400 đến 500kg.
Với thân hình khổng lồ như vậy, chúng có thể nuốt chửng trâu, bò. Món khoái khẩu của nưa là cá sấu. Xưa kia, chúng thường mò xuống sông, đầm để săn cá sấu.
Chúng có hình dạng giống trăn, nhưng màu da hơi vàng, thậm chí là vàng óng. Điểm đặc biệt dễ nhận biết, là nó có tới 9 lỗ mũi. Kỳ thực, trong số 9 cái lỗ ấy, chỉ có 2 lỗ mũi thật, còn lại 7 lỗ giả, chỉ là lỗ hõm vào ở phần mũi.
Loài nưa di chuyển cả trên cây và dưới đất. Khi chúng di chuyển dưới đất thì dũi đầu xuống thay vì hơi ngóc lên như trăn.
Ở trên cây, trăn di chuyển chậm, nhưng con nưa phóng ào ào như giông bão, chẳng khác gì hổ mây khổng lồ. Chính vì thế, những người không hiểu biết về rắn, chưa từng gặp hai loài này bao giờ, thì thường nhầm lẫn hổ mây với con nưa.
Theo đạo sĩ Ba Lưới, cùng với trăn, con nưa bị người dân săn bắt rất nhiều, nên ngày càng hiếm. Nhiều năm trở lại đây, ở Thất Sơn không còn loài nưa khổng lồ, nặng vài trăm kg nữa, mà chỉ bắt được những con nưa nặng trên dưới 100kg mà thôi.
Cựu nhà giáo Đoàn Hoàng Quân, nhà ngay chân núi Cấm khẳng định rằng, chính anh từng tận mắt chứng kiến nhóm thợ săn ở núi Cấm bắn chết một con nưa khổng lồ, nặng ước chừng 300kg.
Hồi đó là năm 1985, khi anh 15 tuổi. Nghe tiếng súng xả liên thanh, người dân cả xã An Hảo chạy ra xem. Lát sau, anh thấy một nhóm người hò nhau kéo xác một con nưa khổng lồ từ rừng ra, để vắt ngang lộ. Cái lộ rộng thế, căng con nưa ra, mà đầu và đuôi nó vẫn nằm dưới rãnh.
Anh Quân từng tận mắt con nưa khổng lồ do một nhóm người bắt chết
Anh chàng Quân khi đó bạo dạn, liều lĩnh xông đến ôm con nưa thấy đủ một vòng tay. Thân của nó phải bằng cây thốt nốt già.
Nhóm người này dùng dao lột da, xả thịt, chia cho cả ấp mang về nấu cao. Lúc mổ bụng nó, mọi người đếm được 5 con lợn rừng trong bao tử. Đấy là chưa kể vô số lông lợn, xương lợn vẫn nằm trong dạ dày của nó, chưa tiêu hóa hết.
Sau vụ đó, không thấy ai bắt được nưa khổng lồ nữa, mà chỉ bắt được trăn, nưa nặng trên dưới 100kg. Chuyện bắt được trăn, nưa trên dưới 100kg ở Thất Sơn khá thường xuyên. Kiểm lâm cũng từng thả những con trăn lớn như thế (thu được từ bọn buôn bán động vật hoang dã) về rừng.
Huyền thoại "trăn tinh"
Có một câu chuyện về loài nưa, mà người dân vùng núi Cấm còn kể mãi đến hôm nay như một huyền thoại đẹp của vùng Thất Sơn.
Chuyện xảy ra cách nay đã ngót 100 năm. Khi đó, khu vực điện Cây Quế, có nhiều hang động, ít người ra vào, là lãnh địa ẩn náu của nưa và hổ mây khổng lồ.
Người ta còn đồn rằng, sau điện có cây quế cổ thụ tỏa hương thơm nức, nên cặp “trăn tinh” lúc nào cũng quấn quýt trên cây. Cặp trăn tinh ấy chính là loài nưa khổng lồ.
Mỗi khi núi Cấm diễn ra lễ hội, cúng bái linh đình, thì giai nhân mặt đẹp như hoa, da trắng như bông bưởi, từ cây quế bay xuống điện.
Con nưa có 7 lỗ mũi giả, 2 mũi thật . Ảnh internet
Nhìn thấy giai nhân, chúng sinh đều chắp tay lễ bái. Lễ cúng xong, giai nhân tuyệt sắc ấy lại ngược điện Cây Quế rồi biến mất dạng. Người dân trong vùng tin rằng, giai nhân đó chính là con trăn tinh cái, tức là con nưa đã thành tinh.
Đạo sĩ Ba Lưới kể rằng, loài nưa không chỉ có thân hình khổng lồ, nặng hàng trăm kg, mà còn độc khủng khiếp. Nọc độc của nó có thể giết hàng chục con trâu, bò. Thậm chí, voi cũng bỏ mạng với những cú đớp kèm phóng độc của nưa.
Chuyện nhiều người trong ấp Thiên Tuế trúng độc nưa vẫn còn là vấn đề thời sự dưới chân núi Cấm.
Núi Cấm
Theo đó, cách nay 30 năm, một số người Khmer vào rừng săn bắn, đã phát hiện con nưa khổng lồ, dài hơn 10m đang nằm ngủ vắt vẻo trên cây, ngay phía sau chùa Vạn Linh.
Con nưa to quá, nên nhóm người này gọi thêm dân bản vào vây bắt. Có tới 20 người, với dao, gậy, dây thừng tấn công con nưa.
Họ kẹp nó vào những cây gỗ dài, để nó không quấn người được, rồi khênh xuống núi. Bữa đó, cả ấp cùng xẻ thịt ăn.
Đang nhậu nhẹt tưng bừng, thì mấy người cùng hộc máu mồm lăn ra chết. Tổng số 5 người mất mạng vì trúng độc từ thịt nưa. Cả bản nghĩ ăn phải “trăn tinh”, nên sợ quá kêu thầy lập bàn thờ cúng bái.
Chuyện người dân trong ấp trúng độc được người già kể lại và chuyện này vẫn là vấn đề thời sự dưới chân núi Cấm. Chính vì thế, người dân trong vùng không dám ăn thịt con nưa.
Còn tiếp…