Là một trong những chiếc áo không thể thiếu trong tủ của tín đồ thời trang sành điệu mỗi dịp thu, đông, chiếc motor jacket hay áo khoác da cho dân đua motor không chỉ là một trang phục giữ ấm cơ thể mà đã trở thành một biểu tượng văn hóa.
Tuy nhiên, những chiếc áo da đầu tiên ra đời không phải vì mục đích thời trang mà để phục vụ chiến tranh. Chúng được thiết kế cho những phi công trong chiến tranh thế giới thứ nhất. Áo khoác da thời kỳ này cồng kềnh, với đường cổ và lót lông cừu có tác dụng giữ ấm và bảo vệ phi công khỏi các thay đổi khí hậu, tác nhân gây hại cho cơ thể.
Người đầu tiên nhìn ra tiềm năng thời trang của chiếc áo khoác da là nhà thiết kế Irving Schott và anh trai ông là Jack. Năm 1928, họ đã làm nên chiếc áo khoác da dáng motor đầu tiên mang tên Perfecto.
Chiếc Perfecto được cắt trên da dày, với ve áo và khóa kéo lớn, đủ độ bền để bảo vệ những tay lái motor khỏi xây xước nếu gặp tai nạn trên đường bộ. Đến những năm 1930, nó lập tức trở thành trang phục hàng đầu được các tay đua lựa chọn. Những năm sau đó, Perfecto càng đình đám hơn vì được những hãng motor hàng đầu thế giới, điển hình là Harley Davidson phân phối.
Tới năm 1953, chiếc áo khoác da cho dân motor lần đầu xuất hiện trên màn ảnh Hollywood nhờ công của nam diễn viên Marlon Brando trong bộ phim The Wild One. Kể từ đó, chiếc áo da trở thành hình tượng cho mẫu bad boy, những chàng trai có phần xấu xa nhưng đầy quyến rũ. Hai năm sau đó, James Dean tiếp tục làm những cô gái phát cuồng khi xuất hiện với áo khoác da, motor và điếu thuốc hững hờ trên môi.
Tới cuối những năm 1950, một trào lưu nổi loạn mới mang tên Greaser hình thành trong giới trẻ Mỹ. Những người trẻ phản đối mọi thứ, tìm đến tự do và họ lấy chiếc áo khoác da này làm biểu tượng cho vẻ đẹp tự do, phóng khoáng. Tiếp nối trào lưu Greaser là Punk của thập niên 70, tiếp tục tôn vinh hình tượng của chiếc áo bó sát sexy này. Áo khoác da thời kỳ này đặc biệt có rất nhiều phụ kiện, đinh tán.
Yves Saint Laurent là nhà thiết kế đầu tiên đưa chiếc áo khoác da lấy cảm hứng từ chiếc Perfecto lên sàn catwalk vào năm 1960. Những cô gái cũng bắt đầu mặc áo khoác da như đàn ông. Kiểu dáng của thời kỳ này có vẻ bó hơn, với những đường cắt gãy gọn hơn.
Tới những năm 80, áo khoác da có chút biến tấu với trào lưu Grunge. Dáng áo được ưa chuộng là dáng oversize (quá khổ). Đến cuối những năm 80, chiếc áo khoác da đã tràn ngập trên sàn thời trang, kể cả của các hãng cao cấp như Versace hay Chanel.
Những chiếc áo khoác da cho nam và nữ có nhiều màu sắc, chủ đạo vẫn là màu đen hoặc nâu, bó sát, với khóa kéo tiện dụng. Áo khoác da dáng ngắn, với đường cắt khỏe mạnh, mang lại vẻ trẻ trung, phóng khoáng cho cả nam và nữ.
Năm 2013, chiếc áo khoác da kinh điển tiếp tục xuất hiện trong bộ sưu tập của các tên tuổi thời trang đình đám như Phillip Lim, Balmain, Yves Saint Laurent và Alexander McQueen.
Cách mix truyền thống của áo khoác da cho dân motor là với quần bò, tạo nên vẻ bụi và ngầu. Một số tay chơi nhạc rock nam và nữ thậm chí còn mix cả cây áo khoác da và quần da khi lên sân khấu biểu diễn.
Ngày nay, cách phối áo khoác da đã có nhiều sự nới lỏng. Áo khoác da không nhất thiết phải đi với quần bò rách gối cùng phụ kiện dây xích loằng ngoằng mà còn có thể kết hợp rất nữ tính với chân váy xòe và đầm, tạo cho các cô gái vẻ nữ tính mà vẫn không kém phần cá tính.