Nhìn chung trên thế giới, xu hướng ủng hộ người đồng tính gia tăng qua từng năm. Song, hiện nay vấn đề hợp pháp hóa hôn nhân giữa những người cùng giới tính vẫn gây nhiều tranh cãi tại nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, pháp luật đã loại hôn nhân đồng tính ra khỏi danh sách cấm, tuy nhiên cho đến nay vẫn “không thừa nhận” hình thức này.
Nhằm trưng cầu dân ý về vấn đề này, cuối năm 2013, Viện Xã hội học, Viện chiến lược và chính sách y tế, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã khảo sát lấy ý kiến của 5.297 người dân Việt Nam, độ tuổi từ 18 đến 69 ở 2.592 hộ gia đình thuộc 8 tỉnh thành. Kết quả ghi nhận:
- Đa số người dân cho rằng việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới không ảnh hưởng đến gia đình hay cá nhân họ.
- 33,7% ủng hộ việc hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới. Xét về trình độ học vấn, những người học càng cao thì ủng hộ nhiều hơn (49,7% người học cao đẳng, đại học trở lên ủng hộ, nhưng chỉ có 18,5% người trình độ dưới phổ thông cơ sở ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới).
- 41,2% người dân ủng hộ việc công nhận quyền sống chung như vợ chồng của những người cùng giới tính. Sự ủng hộ cũng tỷ lệ thuận với học vấn của người dân.
- 56% người dân ủng hộ đôi cùng giới nhận con nuôi, 51% ủng hộ quyền sở hữu tài sản chung, 47% ủng hộ quyền thừa kế.
Nhìn nhận vấn đề này dưới góc độ khác, ông Lê Quang Bình, Viện trưởng Viện iSEE cho rằng, việc hợp thức hóa hôn nhân đồng tính càng bị trì hoãn thì càng kéo thêm nhiều hệ lụy cho xã hội, điển hình là nguy cơ nhiều người có thể "cưới nhầm" vợ hoặc chồng đồng tính.
Một nghiên cứu trực tuyến do Viện iSEE thực hiện vào năm 2013 với sự tham gia của gần 2.500 người đồng tính, ghi nhận: có 40,2% (khoảng 980 người đồng tính) cho biết sẽ kết hôn dị tính hoặc đang suy nghĩ về việc này. Đa phần vì không dám công khai giới tính thật của mình nên "nhắm mắt" cưới vợ (chồng) dị tính vì chữ hiếu hoặc để làm bình phong che giấu gia đình và xã hội.
Ước tính, hiện nay cả nước có 1,65 triệu người đồng tính, trong đó 3% ở độ tuổi từ 15 đến 59. Từ kết quả nghiên cứu trên, ông Lê Quang Bình bày tỏ lo ngại: "Nếu hôn nhân đồng tính không được chấp nhận thì khả năng hơn 600.000 người Việt Nam sẽ có vợ hoặc chồng là người đồng tính vì họ trở thành bình phong che giấu xã hội và gia đình. Hôn nhân mà không có tình yêu thực sự là bi kịch đối với xã hội".
Mặt khác gần 62% người đồng tính tham gia nghiên cứu này cho biết đang trong một mối quan hệ yêu đương cùng giới. Họ luôn mong muốn sống chung với người yêu dưới một mái nhà để hỗ trợ nhau về tinh thần, tình cảm, đồng thời tạo cảm giác an toàn và cam kết chung thủy. Một số đôi còn hoạch định cuộc sống tương lai lâu dài về vấn đề con cái, tài sản, chia sẻ chi tiêu tài chính...
Dự kiến vào tháng 5 tới, Quốc hội sẽ họp và bỏ phiếu thông qua Luật Hôn nhân và Gia đình sửa đổi. Trong đó, ngoài việc bỏ điều "cấm" thay bằng "không thừa nhận" hôn nhân cùng giới, Quốc hội còn xem xét việc bỏ hay không Điều 16 trong dự thảo luật quy định: "Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của các bên trong quan hệ chung sống giữa những người cùng giới tính được giải quyết theo thỏa thuận của các bên; nếu không có thỏa thuận thì theo quy định của Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Công việc nội trợ và các công việc khác có liên quan đến duy trì đời sống chung được xem như lao động có thu nhập".
Đại diện Trung tâm ICS (hoạt động về quyền lợi của cộng đồng LGBT) cho biết, tổ chức này đang kêu gọi cộng đồng tham gia chiến dịch "Tôi Đồng Ý 16+" nhằm vận động giữ lại Điều 16 như trên. Bên cạnh đó còn vận động cho quy định về quyền, nghĩa vụ giữa các bên và con của người đồng tính được giải quyết giống như quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái trong gia đình.
"Chúng ta có thể sống chung với nhau mà không cần ai cho phép. Nhưng những quy định của pháp luật về nhân thân, con cái và tài sản chung... thì luôn cần được bảo đảm", lời hiệu triệu được đăng trên trang mạng xã hội lớn nhất của cộng đồng người đồng tính Việt Nam.