Hơn 100 ca phản ứng sau tiêm chủng ở Hà Nội: Vaccine Quinvaxem có an toàn?

Trong tháng 11, tất cả 63 tỉnh/TP triển khai tiêm lại vaccine Quinvaxem, tuỳ từng tỉnh, có nơi thực hiện chiến dịch tiêm chủng vào đầu tháng hoặc cuối tháng.

Đã có nhiều ca phản ứng sau tiêm vaccine Quinvaxem được ghi nhận trong hơn 1 tháng qua, từ khi vaccine này được sử dụng lại trên toàn quốc, riêng tại Hà Nội đã có 113 ca. Những phản ứng sau tiêm này đã được lường trước là sẽ có, nhưng đây có phải là con số chấp nhận được và Quinvaxem có thật sự an toàn?

Tỉ lệ phản ứng sau tiêm vẫn thấp hơn thế giới

Cho đến nay, đã có 38 tỉnh triển khai tiêm vaccine Quinvaxem. Trong tháng 11, tất cả 63 tỉnh/TP triển khai tiêm lại vaccine Quinvaxem, tuỳ từng tỉnh, có nơi thực hiện chiến dịch tiêm chủng vào đầu tháng, nơi vào cuối tháng.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển - Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: “Qua phân tích báo cáo điều tra giám sát đầy đủ các phản ứng sau tiêm chủng ở Hà Nội đầu tháng 11, ghi nhận được 113 ca có phản ứng sau tiêm các loại trên tổng số 47.000 trẻ được tiêm, trong đó  có 37 trường hợp đến các cơ sở y tế và đều đã xuất viện.

Không có trường hợp nào phản ứng nặng, sốc phản vệ hoặc tử vong. Phổ biến nhất là sốt cao 38,5oC (chiếm 0,18%), sau đó là quấy khóc (0,05%), sưng đau đỏ tại chỗ (0,03%); tím tái (0,03%), co giật (0,02%).

Đây là những phản ứng thông thường sau khi tiêm vaccine chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Hầu hết các phản ứng vaccine là nhẹ và tự khỏi. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch với kháng nguyên vaccine".

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ phản ứng này có thể gặp từ 10- 50% trẻ được tiêm vaccine có thành phần ho gà toàn tế bào.

Tuy vậy cũng có thể có những phản ứng nặng hơn như tím tái, co giật, khóc thét dai dẳng, sốc phản vệ, bại não… nhưng rất hiếm gặp. Như vậy, tỉ lệ phản ứng sau tiêm ở Việt nam vẫn thấp hơn hàng chục đến hàng trăm lần so với tỉ lệ phản ứng cho phép của WHO đối với vaccine có chứa thành phần ho gà toàn tế bào.

Những ca phải nhập viện sau tiêm tại Hải Phòng và nhiều tỉnh khác đều có bằng chứng là trùng hợp với thời điểm sau tiêm trẻ có bệnh viêm phổi, viêm phế quản, béo phì, còi xương, thiếu máu…

Trường hợp trẻ ở Quảng Trị tử vong ngày 10/11 vừa qua là do viêm phổi nặng. Phản ứng sau tiêm nặng có thể trùng hợp với tiêm chủng và bị đổ cho là do tiêm vaccine không chỉ xảy ra ở Việt Nam và các nước.

Vaccine là một loại sinh phẩm mà trước khi đưa ra sử dụng đã trải qua một quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, xuất xưởng, cấp phép, và kiểm tra thường kỳ trong quá trình triển khai tiêm, tính an toàn được đặt lên hàng đầu.

Theo kết quả giám sát, lấy mẫu, kiểm định vaccine Quinvaxem và viêm gan B ở các tuyến do Viện Vaccine sinh phẩm quốc gia thực hiện trong 4 tháng qua, sau khi có quyết định 3029 về việc tăng cường an toàn tiêm chủng, cho thấy các lô vaccine này đều đạt tiêu chuẩn an toàn.

Việc khám sàng lọc đã tốt hơn

Theo WHO, mặc dù vaccine Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng tại chỗ và sốt cao, nhưng chấp nhận được, không đe dọa tính mang, không gây tử vong và vẫn là vaccine có độ an toàn tương đương với vaccine ho gà vô bào.

Cho đến nay, trên thế giới và ở Việt Nam không có bằng chứng nào cho thấy có mối liên quan giữa việc tiêm vaccine Quinvaxem với các trường hợp tử vong sau tiêm vaccine.

Do mỗi buổi tiêm chủng chỉ có khoảng 50 trẻ/điểm được tiêm nên theo ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế): Số trẻ hoãn tiêm hoặc có chống chỉ định tiêm do tình trạng sức khỏe không đảm bảo cũng nhiều hơn.

Điều đó chứng tỏ việc khám sàng lọc đã kỹ càng và tốt hơn, dù chỉ là những khâu hỏi tiền sử dị ứng, quan sát, đo nhiệt độ, đo nhịp thở, nhịp tim chứ không phải như khám ở bệnh viện.

Theo kế hoạch, sắp tới năm 2014 vaccine Rubella sẽ được đưa vào bổ sung trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia: Các vaccine mới khác cũng phải được cân nhắc như vaccine rotavirus phòng tiêu chảy, thay thế vaccine bại liệt uống bằng vaccine bại liệt tiêm, vaccine phòng viêm phổi do phế cầu, HPV phòng ung thư cổ tử cung...

Hiện nay, có hiện tượng một số cán bộ tiêm chủng có chứng chỉ đủ điều kiện tham gia hoạt động tiêm chủng đã hết hạn sử dụng 3 năm mà  chưa được tập huấn và cấp lại chứng chỉ. Vì thế, họ không “dám” thực hiện tiêm chủng, và do đó việc tiêm Quinvaxem và một số vaccine khác tại đó phải “hoãn” lại.

GS Hiển khẳng định: "Nếu có việc này, trạm y tế hoặc điểm tiêm chủng phải báo cáo ngay Phòng Y tế huyện, Sở Y tế để thực hiện tập huấn lại ngay.

Nếu gặp khó khăn chưa đạt đủ điều kiện của một điểm tiêm chủng theo quy định thì  Sở Y tế  cần báo cáo trực tiếp UBND tỉnh/TP để chỉ đạo và hỗ trợ để giải quyết, đảm bảo cho việc đến hết tháng 11.2013, 100% các điểm tiêm chủng đều có thể tiêm Quinvaxem.

Theo dự kiến kế hoạch năm 2014, kinh phí dành cho chương trình tiêm chủng mở rộng có thể sẽ bị cắt giảm khoảng 40%, từ 240 tỉ đồng năm 2013 xuống còn 144 tỉ đồng năm 2014. Với nguồn lực bị cắt giảm này, chương trình sẽ phải cắt giảm nhiều hoạt động: Không tiêm bạch hầu - ho gà - uốn ván mũi 4 và sởi mũi 2 cho trẻ 18 tháng tuổi; giảm 70% tiêm vaccine viêm não Nhật Bản; không tiêm vaccine tả, thương hàn ở một số vùng có nguy cơ cao; thiếu 20% vốn đối ứng  cho việc nhận tài trợ vaccine Quinvaxem nên số trẻ được tiêm vaccine này sẽ giảm đi; không có kinh phí triển khai như truyền thông, tập huấn mới và tập huấn liên tục cho cán bộ y tế, giám sát bệnh và tỉ lệ tiêm chủng, vận chuyển vaccine, công tác phí,  bảo dưỡng duy trì sửa chữa, thay thế các thiết bị dây chuyền lạnh…. Với tình huống này, chắc chắn mục tiêu cam kết với thế giới về loại trừ bệnh sởi cũng như khống chế viêm gan B trong cộng đồng dưới 1% dân số vào năm 2017 và nhiều chỉ tiêu khác của dự án tiêm chủng mở rộng đã được Thủ tướng phê duyệt giai đoạn 2012-2015 sẽ không đạt được". (GS.TS Nguyễn Trần Hiển)