Những người thích đau
Có rất nhiều lý do để các bạn trẻ tìm đến việc thể hiện cảm xúc bằng cách hành hạ bản thân, trong đó không ít câu chuyện từ hụt hẫng tình cảm, học tập, thiếu sự quan tâm chia sẻ của gia đình.
Vốn là một đứa con ngoan, lại học giỏi nên từ nhỏ N.T.H (ngụ Q3) đã được cha mẹ đặt rất nhiều kì vọng. Nhưng vì thiếu nửa điểm trong kì thi tuyển sinh đại học năm 2010, nên H. bị trượt vào ngôi trường mình mơ ước. Vừa chán nản lại bị ba mẹ trách mắng nên H. cảm thấy bế tắc. Lang thang trên mạng, cô vô tình phát hiện những người bạn có cùng chung tâm trạng với mình, vậy là họ nhanh chóng lập thành hội. Hết than vãn vì số phận không may mắn, cả nhóm bàn nhau làm một việc gì đó có ý nghĩa.
Nói là làm, một thành viên gợi ý nên “ghi dấu ấn” bằng việc khắc tên những người trong nhóm vào tay nhau. Lúc đầu cũng sợ đau nhưng khi nghe những người bạn nói khích, H. cũng nhắm mắt làm theo. Lần đầu còn thấy sợ, nhưng sau đó như bị “nghiện”, cả nhóm không ai bảo ai, cứ có vết rạch mới là ngày hôm sau lại khoe nhau ầm ĩ trên các trang mạng xã hội.
Cũng giống như H., Nguyễn Anh Quân (ngụ Q11), thành viên tích cực của “hội những người thích rạch tay, châm thuốc” cũng từng là học sinh giỏi. Vì chán nản chuyện gia đình nên Quân cùng vài người bạn lập nên hội “hành xác”, tìm cách lôi kéo những người có cùng sở thích để thể hiện bản lĩnh. Từ một thanh niên khỏe mạnh, thân thể lành lặn, giờ đây trên khắp người Quân và các “chiến hữu” của mình chi chít các vết sẹo do dao lam, thuốc lá tạo nên.
Thậm chí một thành viên có tên gọi “chàng trai cô đơn” chia sẻ: “Ai mà không sợ đau, nhưng qua được một lần là thấy dễ chịu ngay. Vả lại mình có làm một mình đâu mà sợ, cả nhóm cắt chung. Đứa này hỗ trợ đứa kia nên dễ tạo thêm tinh thần đoàn kết”.
Tự huỷ hoại cơ thể mình, một số bạn trẻ cảm thấy có thể trút bớt nỗi buồn.
Cần lắm sự quan tâm
Nhìn những tấm ảnh máu me bê bết, vết rạch chằng chịt được tung lên mạng, không ít người hãi hùng vì sự tàn phá cơ thể không thương tiếc của những bạn trẻ này.
Chị Nguyễn Thị Nhã (sinh viên Đại học KHXH&NV) cho biết: “Mình cũng từng trải qua những giai đoạn mất thăng bằng trong cuộc sống, nhưng chưa bao giờ mình nghĩ đến chuyện rạch tay, hành hạ bản thân như vậy. Không hiểu tại sao các bạn trẻ bây giờ lại có những hành động đáng sợ đến thế”.
Sau giáo trình dạy tự tử đến những hội thích “hành xác”, tất cả đều được truyền tải trên các trang mạng xã hội một cách cụ thể, chi tiết trở thành trào lưu đáng báo động.
Anh Trần Thanh Hoàng (nhân viên truyền thông Công ty Hồng Anh Q2) cho rằng: “Hiện nay hầu hết các bạn trẻ đều có thể tiếp cận với hệ thống internet, trong khi thông tin trên mạng ngày càng phong phú và đa dạng không thể kiểm soát được. Bên cạnh đó, những trào lưu xấu đua nhau xuất hiện cũng ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của nhiều bạn trẻ. Vì vậy nếu không có bản lĩnh rất dễ bị rủ rê”.
Bên cạnh số ít những thành phần thích chơi trội, chứng tỏ bản lĩnh thì đa phần những bạn trẻ chọn cách hành hạ bản thân đều có chung tâm trạng chán nản, thất vọng trong cuộc sống vì không tìm được sự chia sẻ từ phía người thân, lại bị bạn bè rủ rê, khích bác.
Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Minh Huệ (Công ty tư vấn tâm lý trẻ Q3): “Khi xã hội ngày càng phát triển, không ít bậc phụ huynh do bị cuốn vào vòng xoáy kinh tế, bận lo kiếm tiền nên thời gian quan tâm dành cho con cái bị bó hẹp lại, trong khi nhiều em lại đang ở độ tuổi phát triển tính cách. Do đó với tâm lý nổi loạn, không ít em sẵn sàng hành hạ bản thân với mục đích chỉ muốn cha mẹ quan tâm hơn”.