Hội chứng "comment bẩn" - biến tướng từ trào lưu "ném đá hội đồng"
Cụm từ ném đá hội đồng đã không còn lạ lẫm với dân ghiền mạng từ vài năm trở lại đây. Ban đầu, ném đá hội đồng là cách nói vui của các bạn trẻ nhằm tượng hình hóa việc nhiều người cùng nhắm tới một mục tiêu nào đó để chê bai.
Việc "ném đá hội đồng" được nhận định là sự phản đối một cách gay gắt về một quan điểm của một cá nhân, tập thể nào đó mà trái ngược với góc nhìn nhận của đa số lớn hơn trên Internet thông qua hình thức đăng tải bình luận. Hình thức này có thể bị đẩy lên cao trào khi có sự trợ giúp của các thành viên hoặc người dùng quá khích, khi dùng những lời lẽ "cay độc" để chỉ trích thậm tệ các cá nhân, tập thể khác có ý kiến khác với mình hoặc về một quan điểm, cách thức giải quyết hoạt động của vấn đề nào đó, và có thể kích thích, kêu gọi đám đông hưởng ứng và tạo thành phong trào a dua, hùa theo. |
Khi trào lưu này mới chỉ manh nha, cộng đồng mạng Việt Nam đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích, cho rằng việc lợi dụng tâm lý đám đông để "vùi dập" cá nhân là không nên. Song, cũng như nhiều hiện tượng khác từng xuất hiện trên Internet, chân lý thường dễ dàng nhượng bộ thói quen của số đông.
Người sử dụng mạng hiện nay đã biết cách lợi dụng việc tương tác bằng comment (bình luận) trên các diễn đàn mở, để dội những lời lẽ không mấy thiện cảm lên một chủ đề nào đó, nhằm "dìm hàng" đối tượng. Sự vật, hiện tượng hứng chịu "gạch, đá" của cộng đồng mạng thường nhanh chóng bị quy chụp bản chất xấu.
Ví dụ như, hiện tượng cư dân mạng 'thẳng tay ném đá' cử nhân ĐH treo biển tìm việc hồi tháng 2 vừa rồi. Các bình luận của cư dân mạng đối với việc chàng trai tốt nghiệp trường ĐH chuyên ngành Kinh tế, TP. HCM đạp xe, treo biển tìm việc làm, khá gay gắt, cho rằng nhân vật chính của câu chuyện: “Mang mác tốt nghiệp đại học nhưng phương pháp tiếp thị bản thân thì của lao động phổ thông. Anh bạn này khó mà kiếm được việc” - ý kiến của Bùi Hải An, một cựu sinh viên Học viện Ngân hàng. Huỳnh Ngọc Thành - nhân vật chính của câu chuyện, bỗng chốc trở thành người nổi tiếng nhưng lại theo cái cách mà chẳng ai muốn - nổi tiếng bị ghét.
“Tôi cần một công việc. Tôi có bằng đại học ngành tài chính ngân hàng, có các chứng chỉ UBCKNN (uỷ ban Chứng khoán Nhà nước); biết lập trình MATLAB, C++, VBA for EXCEL. Liên hệ: ...” - tấm bảng bằng bìa các - tông viết.
Câu chuyện của chàng cử nhân đạp xe tìm việc có lẽ sẽ không trở thành một hiện tượng nếu như không bị đào bới trên những diễn đàn mạng. Bởi thông tin báo chí phản ánh ban đầu về chàng trai chỉ là một bức ảnh ai đó ngẫu nhiên chụp được trên đường phố Sài Gòn. Thế nhưng chỉ sau 24 giờ đồng hồ báo đăng, có tới hơn 500 bình luận về Ngọc Thành mà đa phần là "ném gạch", trên một diễn đàn Internet. Nhờ cơn sốt bình luận này mà cộng đồng mạng nhanh chóng tìm ra lý lịch đầy đủ của chàng trai, bao gồm cả địa chỉ nhà, trang mạng cá nhân, hòm thư - tất cả phục vụ cho sở thích "ném đá" người khác - thú vui bệnh hoạn của một số cá nhân.
Lưu manh trên mạng
Cơn khát "gạch đá" không thể thỏa mãn nếu chỉ dừng lại ở những chủ đề nóng, nhiều con sâu mạng còn chứng tỏ đẳng cấp phá hoại của mình bằng việc tham gia hàng loạt diễn đàn mở, liên tục quăng những bình luận không-liên-quan vào mọi chủ đề. Thậm chí không cần biết nội dung ra sao, những tên "lưu manh trên mạng" (internet hooligan - theo cách gọi của các chuyên gia truyền thông) nhảy bổ vào giữa cuộc tranh luận, đưa ra những bình luận xấu xí về nhân vật chính trong câu chuyện, kèm theo đó là nhiều chiêu trò lôi kéo người khác ủng hộ ý kiến của mình.
Điều đáng lo ngại sau khi nhìn lại những cuộc thảo luận của giới trẻ (trong đó có sự tham gia của không ít kẻ lưu manh trên mạng) là việc cộng đồng mạng thờ ơ tới mức dường như chấp nhận thứ văn hoá xấu xí đang len lỏi trên Internet Việt Nam. Sự phản đối của số cá nhân tích cực cũng không thể đẩy lùi được số lượng comment "bẩn" tràn lan của những tên lưu manh trên mạng.
Comment bẩn có khá nhiều dạng. Dạng dễ nhận thấy nhất là những comment tục tĩu, cũng là loại phổ biến nhất. Những comment bẩn dạng này thường là những lời nói bậy bạ, vô văn hoá, song thường thì câu từ của chúng không có nhiều ý nghĩa cụ thể mà chỉ nhằm mục đích phá hoại. Loại này có thể dễ dàng bắt gặp ở những diễn đàn không có người quản lý trực tiếp (admin)... Bộ lọc ngôn từ bậy của những trang mạng này không cao, số lượng comment lại vào loại "khủng" nên dễ vượt quá kiểm soát.
Những lời bình luận trên youtube về clip nhảy hiện đại của một nhóm nữ sinh. Kể cả người lên tiếng bênh vực cũng sử dụng từ ngữ tục tĩu.
Dạng comment bẩn thứ hai tinh vi hơn, dễ lọt lưới kiểm soát vì nhìn thoáng qua tưởng chừng vô hại. Những kẻ thường xuyên tung comment bẩn dạng này bỏ thời gian để theo dõi xem những người còn lại trong diễn đàn đang nói về điều gì để bắt lỗi. Với cách làm khôn khéo, nhiều người chỉ nghĩ đó là quan điểm cá nhân, dẫu cho những bình luận này thường gay gắt hơn mức bình thường. Và người đưa ra bình luận luôn sẵn sàng đối đáp kịch liệt với "chủ thớt" (người lập ra topic) để chứng minh nhận xét của mình.
Một khi đã nắm được thóp của "chủ thớt", kẻ phá hoại sẽ liên tục xoáy sâu vào nhược điểm đó. Đặc biệt, kẻ này còn có thể dùng nhiều tài khoản khác nhau để tung bình luận. Với bản chất tò mò, nhiều người bị kẻ xấu lợi dụng mà không hay biết. Tuy nhiên, xét cho đến cùng, những lời lẽ qua lại giữa các bên thường không mấy liên quan đến chủ đề và dễ dẫn đến thù hằn.
Gần đây, cư dân mạng tỏ ra quan tâm tới vụ tỏ tình ở nhà hàng pizza của nam sinh RMIT, diễn ra tối ngày 17/5. Khi clip vụ tỏ tình được đăng tải, nhân vật chính đã nhận được hàng nghìn phản hồi từ mọi diễn đàn. Sẽ không có gì đáng nói nếu như không có những kẻ lợi dụng sự công khai và thân thiện của Internet để bài xích, chia rẽ giới trẻ. Đồng ý rằng ai cũng có ý kiến cá nhân, mỗi người có quyền bày tỏ quan điểm của mình. Phản đối hay đồng tình không phải là vấn đề người viết muốn hướng tới, mà quan trọng hơn là văn hoá khi bình luận.
Ở bài tổng hợp bình luận vừa qua, những comment bẩn đã được lược bỏ, không đăng tải nguyên văn. Song những ai theo dõi câu chuyện đều có thể nhận thấy tần suất xuất hiện của các bình luận xấu xí đủ nhiều để người trong và ngoài cuộc đều phải lưu tâm. Đã có những comment nhắm tới cha mẹ của nhân vật chính với những lời lẽ khó nghe. Cá biệt hơn, có kẻ còn đưa ra những lời bình luận mang tư tưởng phản động, phân biệt người miền này - miền khác, phân biệt người giàu - kẻ nghèo theo lối bài xích.
Tạm kết
Một vài câu chuyện kể trên chỉ là những dẫn chứng rất nhỏ về nạn comment bẩn xuất hiện ngày một dày đặc trên Internet. Số lượng thực tế của những câu chuyện tương tự khó mà thống kê đầy đủ, chỉ biết rằng chúng ta chưa có phương pháp cụ thể để kiềm tỏa hội chứng này. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng triệu người tham gia các diễn đàn, có tài khoản ở chế độ mở trên Internet đang phải chịu cảnh sống chung với "bẩn".
Những người có trách nhiệm, các admin của một số diễn đàn uy tín vẫn đang đi tìm phương án ngăn chặn sự lây lan của hội chứng comment bẩn, trong khi các thành viên của họ dần nảy sinh tâm lý e sợ: mình sẽ là mục tiêu tiếp theo cho những "quả bom tạ" bị quăng ném vô tội vạ.
Cùng với đó, nhiều bạn trẻ cũng tỏ ra lo ngại rằng tình trạng comment bẩn tràn lan sẽ bôi đen hình ảnh thân thiện mà chúng ta đã dày công xây dựng cho cộng đồng mạng Việt Nam.