Sau khi đọc bài "Học sinh Việt Nam xếp hạng cao hơn Anh, Mỹ", đáng lý ra chúng ta phải hãnh diện vì điều đó, nhưng tôi và không ít độc giả lại cảm thấy lo hơn mừng.
Chẳng hạn như những bài toán của học sinh lớp 10, lớp11 mà sang nước khác, phải vào đại học mới giải được. Ở nước ngoài, chương trình học của học sinh nhẹ nhàng hơn nhiều nhưng kết quả thực sự thì lại giá trị hơn vạn lần học sinh Việt Nam.
Ở lứa tuổi này các em được vừa học vừa chơi mà không bị ràng buộc, áp lực tâm lý đè nặng. Các em học để rèn luyện các kỹ năng, chú trọng phát triển tố chất riêng của từng em. Học sinh được trang bị các kỹ năng tự lập, ý thức cá nhân, ý thức bảo vệ môi trường…
Ở Việt Nam nhà trường và các bậc phụ huynh lại kỳ vọng con em mình sẽ đỗ đạt giải này giải kia, tương lai sẽ là những thạc sĩ, tiến sĩ. Các em phải nai lưng ra học từ 7h sáng đến 9h đêm mới về. Nền giáo dục Việt Nam đào tạo học sinh sau khi học xong phổ thông là phải thành một "siêu nhân". Cái gì cũng biết nhưng ra ngoài đời các em lại không thể ứng dụng được những gì đã học vào thực tế.
Các nước khác, học sinh đi học càng ngày càng khỏe ra, có đầu óc sáng tạo, độc lập còn học sinh chúng ta thì cận thị và lưng còng ngày càng nhiều, thể lực thì yếu kém. Có thể thành tích học tập cao nhưng những cái thiết yếu trước khi để trở thành một "super man" đích thực thì lại không thấy đâu. Thực tế không ít học sinh học rất giỏi nhưng lại không biết bơi, không biết bảo vệ môi trường sống, không biết cách xử lý tình huống khẩn cấp, nguy hiểm, không hiểu gì về an toàn giới tính ....
"Việt Nam là nước có thu nhập bình quân đầu người thấp nhất trong 65 nước tham gia nhưng chất lượng học sinh đã gây bất ngờ cho cả thế giới". Đọc xong câu này tôi rất buồn. Mình giỏi thật sao mà vẫn nghèo? “Đừng tự hào nghèo mà học giỏi. Hãy tự hỏi sao giỏi thế vẫn nghèo”. Cho đến giờ tôi vẫn thấy câu nói trên rất ý nghĩa.
Hàng năm trong các cuộc thi Olympic Quốc tế, mấy môn tự nhiên như Toán, Lý, Hóa, Việt Nam luôn giành được những giải thưởng cao nhưng thành tựu lại chẳng thấy đâu. Các nhân tài đều đổ xô đi nước ngoài để kiếm cơ hội sử dụng kiến thức của mình. Sinh viên du học thì ở lại nước ngoài luôn vì môi trường nước mình không giúp họ phát triển được. Hàng năm bằng đại học, thạc sĩ, tiến sĩ ở Việt Nam thì không thiếu nhưng tìm ra các công trình nghiên cứu thì khó như mò kim đáy bể.
Việt Nam không thiếu gì nhân tài nhưng đừng để cho các nhân tài bị thui chột vì nền giáo dục của nước nhà. Rất mong các nhà giáo dục có cái nhìn đánh giá tổng thể và khách quan, thực tế hơn về giáo dục Việt Nam. Nền giáo dục phải làm sao đề kết quả cao đó song song với những thành tựu, với sự phát triển phồn thịnh của nước nhà thì mới đáng mừng. Tôi rất hy vọng những mầm ươm này sẽ góp phần vào thực tế để phát triển xã hội nước nhà.