Theo đề án "Thí điểm mô hình đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục tiểu học từ lớp 1 đến lớp 3" của Sở Giáo dục TP HCM, trọng tâm được đặt ra là đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với giáo dục tiểu học.
Với kinh phí thực hiện khoảng 4.000 tỷ đồng, đề án kỳ vọng học sinh lớp 1, 2, 3 cấp tiểu học tại thành phố sẽ học hoàn toàn trong những lớp học thông minh. Các em được tương tác với tấm bảng thông minh, mỗi em sử dụng một máy tính bảng để học, làm bài tập, bài kiểm tra, giáo viên điều khiển lớp học qua máy tính, sách giáo khoa được số hóa với khả năng hiển thị hình ảnh động và âm thanh cho mỗi bài học…
Mô hình phòng học thông minh được Sở và đối tác mô phỏng lại trong buổi hội thảo.
Trong sách giáo khoa điện tử này, ngoài chương trình hiện hành còn được bổ sung các nội dung khác như đa phương tiện, hoạt hình 3D, video, bài giảng điện tử... Máy tính bảng cũng được cài đặt phần mềm tạo bài giảng tương tác trên máy; phần mềm quản lý giáo dục trực tuyến bao gồm quản lý tài chính, điểm danh, tuyển sinh, thưởng - phạt..., phần mềm quản lý phòng học và các phần mềm học tiếng Anh tăng cường...
Song song với việc đồng bộ hóa máy tính bảng, đề án cũng cải tạo, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin cho trường, bao gồm các thiết bị kết nối Internet, wifi... Các trang thiết bị dạy học tiên tiến khác cũng được đầu tư như thiết bị dùng chung tại mỗi phòng học gồm bảng tương tác, máy tính xách tay cho giáo viên, bộ thiết bị tương tác, máy chiếu, camera quan sát lớp học. Tổng số bộ thiết bị dạy học dùng chung cần đầu tư lên tới 6.386 bộ.
Vì sao cần phải có đề án
Ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở Giáo dục cho rằng, việc chọn lớp 1, 2, 3 là đối tượng của đề án vì chỉ những khối lớp này đã mấy ngàn tỷ đồng. "Nếu làm một loạt từ lớp 1 đến lớp 5 theo như mong muốn thì chúng ta phải biết sức mình tới đâu, các em sẽ trang trải kinh phí đó như thế nào?. Trọng tâm mà đề án đặt ra là đổi mới chương trình, sách giáo khoa đối với giáo dục tiểu học. Theo đó sẽ đồng bộ chương trình sách giáo khoa điện tử ở tất cả môn học trên hệ thống công nghệ 3D nhằm kích thích học sinh năng động sáng tạo và khả năng tư duy, giúp học sinh không phải mang nặng khi không còn sử dụng sách giáo khoa in sẵn", ông Sơn nói.
Cũng theo người đứng đầu ngành giáo dục, với sách giáo khoa điện tử này, khi có yêu cầu sửa đổi bổ sung nội dung thì sẽ được cài đặt lại đồng loạt, giảm được chi phí in ấn và xuất bản cho phụ huynh.
Tại cuộc hội thảo bàn về việc xây dựng đề án thay thế sách giáo khoa bằng sách giáo khoa điện tử, rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra như tại sao phải bỏ cả nghìn tỷ để thực hiện đề án này; khả năng, hiệu quả từ đề án cũng như những tác động tiêu cực của máy tính bảng đến học sinh như làm giảm thị lực, học sinh có thể bị nghiện máy tính bảng, khả năng làm hỏng - mất, sử dụng sai mục đích... Tuy nhiên, ngành giáo dục thành phố vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng.
Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Hứa Ngọc Thuận, đề án này xuất phát từ cuộc gặp gỡ hồi đầu năm của UBND thành phố với các học sinh. "Có em nói rằng đi học phải mang cặp quá nặng. Tôi thay mặt lãnh đạo thành phố có hứa với phụ huynh và các em là sẽ giao Sở Giáo dục nghiên cứu để làm sao các em đi học chỉ mang một cuốn sách thôi”, ông Thuận nói. Song, Phó chủ tịch TP HCM cũng cho rằng không thể bỏ phương pháp giáo dục truyền thống vì ở lứa tuổi này việc rèn luyện chữ là rất quan trọng, điều này không thể thực hiện trên máy móc.
4.000 tỷ đồng chi vào những khoản nào
Các con số tính toán về số lượng máy, kinh phí trong dự thảo đề án được tạm tính bằng 60% trên tổng số trường, số học sinh tiểu học trên địa bàn TP HCM hiện tại. Theo đó, có 451 trường tiểu học tham gia đề án.
Bộ trang thiết bị dùng chung cho mỗi phòng học (bảng tương tác hoặc máy chiếu tương tác và các thiết bị khác) là 6.386 bộ, trong đó đã trừ đi 488 bộ hiện trang bị từ các dự án trước.
Dự thảo đề án đưa ra ba mô hình trang bị với các danh mục thiết bị khác nhau. Theo đó, danh mục bộ thiết bị và phần mềm dùng chung cho một lớp học ở mô hình 1 là 262 triệu đồng, mô hình 2 là hơn 175 triệu đồng và mô hình 3 là hơn 566 triệu đồng/bộ.
Mỗi học sinh lớp 1 đến lớp 3 cần trang bị một bút chấm đọc điện tử và một máy tính bảng có cài đặt sách giáo khoa điện tử. Ngân sách thành phố hỗ trợ 5.334 học sinh thuộc diện đối tượng chính sách. Số học sinh còn lại (hơn 321.000) phụ huynh phải tự trang bị. Dự thảo cũng trình năm lựa chọn máy tính bảng với giá dao động từ 3-5 triệu đồng/máy, kích cỡ màn hình từ 7-10,1 inch.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ hiệu trưởng tại nước ngoài trong bốn tuần là 250 triệu đồng/ người.
Đào tạo giáo viên theo hình thức tổ chức tập trung trong nước, cấp chứng chỉ quốc tế: thời gian ba tháng, chi phí 55 triệu đồng/người.
Đầu tư hạ tầng Công nghệ thông tin: hơn 730 tỷ đồng.
Đầu tư phòng họp trực tuyến: gần 500 tỷ đồng (mỗi trường một phòng trị giá hơn 1 tỷ đồng).
Kinh phí xây dựng trường tiểu học mô hình mới: 2,2 tỷ đồng.
Xây dựng sách giáo khoa điện tử và chương trình đào tạo: 1 tỷ đồng.
Kinh phí khảo sát, đánh giá thực trạng giáo dục tiểu học là hơn một tỷ đồng.
Hiện Sở Giáo dục TP HCM đã trình UBND và đưa ra các phương án lấy ý kiến của đội ngũ cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh để triển khai trên thực tế. Đề án này cũng đã được trình lên Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu được thông qua, Đề án này sẽ do Sở Giáo dục đứng ra chủ trì triển khai với sự phối hợp của các Sở Tài Chính, Sở Nội Vụ, Sở Thông tin Truyền thông và UBND các quận huyện cùng các phòng giáo dục, trường tiểu học.