Mới đây, Trung tâm Khoa học vì Quyền lợi Công chúng Mỹ (CSPI) đưa ra cảnh báo, chất tạo màu trong thành phần nước giải khát Coca-Cola và Pepsi ở California (Mỹ) đều chứa nồng độ cao chất gây ung thư 4-methylimidazole (4-MIE) nên cần phải cấm. CSPI khẳng định, lượng 4-MEI trong sản phẩm của Coca-Cola và Pepsi đã làm 15.000 người Mỹ bị ung thư và hàng triệu người khác phải đối diện nguy cơ này.
Đáp trả thông tin này, hai tập đoàn Coca-Cola và Pepsi tuyên bố sẽ thay đổi thành phần tạo màu trong sản phẩm do có chứa chất bị nghi có thể gây ung thư: 4-methylimidazole (4-MEI). Cả hai cho biết, sẽ bắt đầu thay đổi chất tạo màu ở California (Mỹ), sau đó tiếp tục mở rộng ra toàn quốc để thống nhất hệ thống sản xuất và phân phối. Tuy nhiên, cả hai không đưa ra thời hạn nào cho việc thay đổi này.
“Hồi bé mình rất thích uống loại nước này, lớn lên đâm ra nghiện, đi ăn uống gì thường là phải uống nước có ga. Từ bé đến giờ chắc phải uống đến chục ngàn cốc rồi. Uống nhiều quá không biết có chết không nhỉ”, Trung Anh lo lắng.
Cũng thường xuyên sử dụng các sản phẩm của coca cola, Hoàng Tiến (ĐH Mỏ địa chất) giật mình khi biết thông tin về chất tạo màu có khả năng gây ung thư. Tiến cho biết dù rất thích uống loại nước này nhưng một khi thông tin về chất gây ung thư chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng, anh sẽ chuyển sang dùng các sản phẩm đồ uống khác để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Coca-Cola và Pepsi sẽ thay đổi thành phần tạo màu trong sản phẩm.
Theo ghi nhận của PV, phần lớn người tiêu dùng đều cảm thấy hoang mang, lo ngại khi thông tin về chất tạo màu gây ung thư trong sản phẩm coca cola và pepsi vẫnđang nhập nhằng. Đặc biệt là phụ huynh có con em hay sử dụng hai loại nước này.
Phát biểu trên báo Tuổi trẻ, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho hay: Trước thông tin cơ quan chức năng Hoa Kỳ có yêu cầu mới trong việc ghi khuyến cáo về chất tạo màu trên nhãn chai Coca và Pepsi Cola, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm sẽ liên lạc với cơ quan chức năng Hoa Kỳ để kiểm tra thông tin.
“Các bước xử trí của Việt Nam sẽ được xem xét sau khi xác nhận được thông tin. Cơ quan quản lý không đưa ra quyết định khi chưa rõ độ xác thực của nguồn tin” - ông Phong nhấn mạnh.
Theo Tiến sĩ Phan Thị Sửu - GĐ Trung tâm Kỹ thuật an toàn vệ sinh thực phẩm -chất 4-MIE vẫn nằm trong danh mục chất phụ gia được phép lưu hành và đến nay chưa hề có cảnh báo gì từ cơ quan chức năng về việc chất này có liên quan tới bệnh ung thư.
“Vấn đề này còn quá mới. Nếu cần cảnh báo hạn chế sử dụng thì Bộ Y tế phải có ý kiến chính thức” - bà Sửu nói.
Cũng theo bà Sửu, một chất phụ gia nào đó khi đã được đưa vào danh mục cho phép lưu hành trên thế giới nhất định đã phải qua sự xét duyệt của Ủy ban CODEX quốc tế. Cũng theo tiến sĩ Sửu, để đi đến quyết định loại trừ chất này khỏi danh mục phụ gia cho phép lưu hành cũng cần có kết quả nghiên cứu thống nhất từ nhiều phía.
Trong khi đó, PGS-TS Đồng Thị Thanh Thu (ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM) cho biết:“Vấn đề chất 4-MIE tạo màu caramel trong nước ngọt trong ngành chúng tôi có biết, nhưng để đưa ra một kết luận hay khuyến cáo thì cần có nghiên cứu sâu vềchất này từ công thức cho đến phản ứng hóa học của nó”.
Trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức về vụ việc này, người tiêu dùng cần có lựa chọn sáng suốt để tự bảo vệ sức khỏe của mình.