Hoàn cảnh của người phụ nữ hầu toà vì nhặt được của rơi đi làm từ thiện

Sau khi con trai nhặt được vàng, người phụ nữ không trả lại cho người làm rơi mà đem làm 'từ thiện'. Đến khi ra tòa, chị mới biết mình vi phạm pháp luật và trả lại vàng.

Nhặt được vàng đem làm từ thiện

Chiều ngày 16/6/2012, chị Võ Thị Hoa (SN 1980, ngụ tại thôn Ca Công Nam, xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, tình Bình Định) được người quen gửi 2 chiếc nhẫn vàng (loại 2 chỉ/chiếc) nhờ bán giúp. Chị Hoa bọc hai chiếc nhẫn vào túi và đi hóng mát tại sân cầu lông trong thôn nhưng trong lúc ngả lưng nằm nghỉ trên ghế đá đã vô tình đánh rơi mà không biết.

Lát sau, cháu bé hàng xóm là Huỳnh Văn Tí (SN 2002) đến chơi nhặt được đã mang về cho mẹ là chị Phan Thị Thảo (SN 1982). Nghe con trai mừng rỡ khoe: “Mẹ ơi, con nhặt được hai cái nhẫn”, chị Thảo vô cùng ngỡ ngàng. Sau khi kiểm tra và thấy đó là vàng thật, chị Thảo vẫn hoài nghi nên mang vàng đi nói chuyện với vài người hàng xóm. Chuyện con trai chị Thảo nhặt được vàng phút chốc lan truyền ra cả xóm. Lúc đó, chị Hoa nghe được chuyện nhưng vì chưa hay biết mình đã đánh rơi vàng nên bỏ ngoài tai.

Đến tối 17/6, chị Hoa mới phát hiện 2 chiếc nhẫn của mình đã mất. Nghĩ đến việc cháu Tí nhặt được nhẫn vàng có thể là của mình nên đã đến nhà nói chuyện xin lại. Nhưng chị Thảo từ chối trả lại vì nghi ngờ có sự mạo nhận dù chị Hoa “xuống nước”, hứa hậu tạ người hàng xóm 2 triệu nếu trả lại vàng.

Lời qua tiếng lại hai bên xảy ra mâu thuẫn. Sau đó, chị Hoa sau đó trình báo sự việc lên công an xã, mong được giúp đỡ để được lấy lại số vàng. Chị Thảo biết được chuyện này nên đã nảy sinh ý định: “Đã vậy tôi sẽ bán số vàng này để làm từ thiện xem bà Hoa làm được gì”.

Khi chính quyền chưa kịp can thiệp giải quyết, chị Thảo đem bán số vàng trên lấy 15,7 triệu đồng. Sau khi “lập danh sách” các hộ nghèo trong thôn, chị Hoa đem mua gạo rồi gọi họ tới nhà để phát gạo. Sau đó chị lấy một ít để cho con trai và 4 cháu nhỏ cùng đi chơi ở sân cầu lông hôm nọ. Còn lại 500 ngàn đồng, chị Thảo giao nộp cho công an xã với suy nghĩ đơn giản rằng với những việc làm trên thì chẳng ai có thể chê trách mình được, đồng thời cũng không phải trả lại vàng cho chị Hoa.

Chính quyền địa phương sau đó vào cuộc xác minh và mời hai bên đến để tiến hành hòa giải. Dù được khuyên trả lại vàng cho người mất nhưng chị Thảo vẫn khăng khăng cho rằng mình làm như vậy không có gì là sai. Chị Thảo đưa ra lý lẽ rằng, trước đây một người trong thôn nhặt được 500 ngàn mà chị đánh rơi nhưng chị xin lại không được. Vì vậy, lần này con trai chị nhặt được của rơi thì cũng có quyền không trả. Với lập luận này, chính quyền địa phương nhiều lần hòa giải vẫn không thể giải quyết được sự việc nên phải chuyển hồ sơ lên TAND huyện Hoài Nhơn.

Ở lần xử sơ thẩm, Tòa buộc chị Thảo phải trả lại vàng cho chị Hoa nhưng chị Thảo làm đơn kháng cáo vì cho rằng mình không làm gì sai. Ngày 11/9 vừa qua, TAND tỉnh Bình Định đã xét xử phúc thẩm, tuyên buộc chị Thảo phải trả lại cho chị Hoa 4 chỉ vàng. Bởi theo luật định, hành vi của chị Thảo đã vi phạm quy định tại Điều 241 Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, việc làm “từ thiện” không bằng tiền của mình mà lại từ tiền của người khác của chị Thảo là có mục đích không trong sáng.

Đi tù vì bốn chỉ vàng không trả (Ảnh minh hoạ)

“Đi tù thì được chứ không trả nổi vàng”

Trước bản án tòa tuyên, chị Thảo cho rằng như thế là tòa đã làm khó cho chị. Bởi số vàng nhặt được chị đã dùng làm “từ thiện”, đó là một việc làm “ý nghĩa”, không thể phủ nhận. Khi được giải thích cặn kẽ các quy định pháp luật, “Mạnh Thường Quân” thôn mới té ngửa khi mình việc làm của mình rõ ràng đã vi phạm pháp luật. Dù tỏ ra ân hận vì thiếu hiểu biết nhưng người phụ nữ vẫn cố chấp: “Mình đâu có biết luật quy định là nhặt được vàng là phải trả lại hoặc phải giao nộp cho Nhà nước. Bà con nhân dân trong thôn và chính quyền cũng không khuyên mình phải làm sao cả. Mình nghĩ thôi thì bán vàng mua gạo cho những người nghèo là đúng chứ chẳng sai trái gì. Có ngờ đâu mình đã sai, giờ chẳng biết phải làm sao!?”.

Nghĩ đến việc mình bắt buộc phải trả lại vàng, chị Thảo tỏ ra buồn rầu, lo lắng. Bởi với chị và gia đình thì 4 chỉ vàng là một số tiền quá lớn. Cũng như bao nhiêu hộ dân làng chài nơi đây, cuộc sống gia đình chị không tránh khỏi cảnh “thiếu trước hụt sau“. Không có đất đai cũng không nghề nghiệp ổn định, chồng chị quanh năm lênh đênh ngoài biển để lo đủ cho 5 miệng ăn trong nhà. Chị ở nhà chăm con và làm công việc nội trợ, thi thoảng đi làm thuê làm mướn. 3 đứa con trai nhỏ đang tuổi ăn học, đứa lớn nay 15 tuổi, đứa út nay mới 9 tuổi nên chẳng thế giúp đỡ được gì cho bố mẹ. Bởi thế, cuộc sống gia đình với chị đã là một gánh nặng chứ đừng nói đến số vàng buộc phải hoàn trả. Khi nghĩ đến việc bắt buộc phải trả lại số vàng trên, người phụ nữ tỏ ra bất lực tâm sự rằng: “Đi tù thì còn chịu được chứ không trả nổi vàng...”.

Cách đó không xa là nhà chị Hoa, hoàn cảnh của chị này cũng chẳng khấm khá gì hơn. Vợ chồng chị Hoa có 2 đứa con nhỏ, cậu lớn học lớp 6, con gái nhỏ học lớp 1. Cuộc sống gia đình đều nhờ vào những chuyến đi biển của người chồng nhưng nguồn thu nhập này cũng vô cùng bấp bênh. Chị Hoa hàng ngày ở nhà lo nội trợ và chăm sóc hai con nhỏ. Cuộc sống gia đình vốn khó khăn sau ngày chuyện xảy ra khiến cuộc sống càng thêm nặng nề. Chưa bao giờ chị Hoa thôi lo lắng về việc mình phải trả lại số vàng cho người quen. Chị Hoa tâm sự: “Nếu chị Thảo cứ khăng khăng không trả vàng thì tôi cũng hết cách. Khi đó, tôi sẽ phải làm lụng để trả lại vàng cho người quen. Khổ nỗi, phụ nữ ở cái thôn nghèo này thì biết làm gì cho ra tiền”.

Chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật và hành xử ích kỉ, người phụ nữ trên cứ tưởng mình làm điều tốt nhưng không ngờ việc làm đó là vi phạm pháp luật. Nếu sống có tình làng nghĩa xóm và biết nhường nhịn lẫn nhau thì có lẽ chuyện đã đến mức này. Trên cả giá trị của 4 chỉ vàng, thứ quý giá nhất là tình người sau những phiên tòa giờ đây đã tan thành mây khói. Đó cũng là bài học ứng xử cả về tình về lý cho mỗi người chúng ta. (Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi).

Điều 241 Bộ luật Dân sự: Xác lập quyền sở hữu đối với vật do người khác đánh rơi, bỏ quên

1. Người nhặt được vật do người khác đánh rơi hoặc bỏ quên mà biết được địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc trả lại vật cho người đó; nếu không biết địa chỉ của người đánh rơi hoặc bỏ quên thì phải thông báo hoặc giao nộp cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc công an cơ sở gần nhất để thông báo công khai cho chủ sở hữu biết mà nhận lại. Uỷ ban nhân dân hoặc công an cơ sở đã nhận vật phải thông báo cho người đã giao nộp về kết quả xác định chủ sở hữu.

2. Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về vật nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật có giá trị đến mười tháng

lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó thuộc sở hữu của người nhặt được; nếu vật có giá trị lớn hơn mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì sau khi trừ chi phí bảo quản người nhặt được được hưởng giá trị bằng mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định và 50% giá trị của phần vượt quá mười tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định, phần giá trị còn lại thuộc Nhà nước.

3. Vật bị đánh rơi, bị bỏ quên là di tích lịch sử, văn hoá mà sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai, không xác định được chủ sở hữu hoặc không có người đến nhận

thì vật đó thuộc Nhà nước; người nhặt được vật đó được hưởng một khoản tiền thưởng theo quy định của pháp luật.