Thầu đề giết vợ chồng con bạc lật lọng
Hai nạn nhân được xác định là vợ chồng anh Trần Thanh Liêm (SN 1971) và Nguyễn Thị Kim Hương (SN 1976, cùng ngụ quận 6). Các nhân chứng nhanh chóng đưa nạn nhân bị thương đi cấp cứu, đồng thời báo cơ quan chức năng. Kiểm tra cho thấy, tác nhân gây cháy khiến nạn nhân chết thảm là hóa chất phenol (một loại hóa chất tính axit yếu nhưng cực độc).
Sau khi gây án, hung thủ Kha Cư (SN 1971, ngụ phường 9, quận 6) đã chạy tới công an phường gần đó để tự thú. Theo đó, khoảng đầu năm 2011, Kha Cư quen biết với vợ chồng anh Liêm, biết Kha Cư là thầu đề nên vợ chồng anh Liêm muốn “thử vận may”. Khoảng tháng 4 - 6/2011, trung bình mỗi ngày vợ chồng anh Liêm nhắn tin cho Cư để chơi đề với số tiền từ 4 - 6 triệu, riêng ngày cuối tuần thì chơi nhiều tiền hơn. Trong thời gian này, vợ chồng anh Liêm thắng khoảng 600 triệu, Cư trả rất đầy đủ cho các con bạc. Đến một ngày giữa tháng 7/2011, vợ chồng anh Liêm liên tục nhắn tin chơi đề với số tiền lên tới 700 triệu. Thế nhưng hôm đó vợ chồng con bạc không trúng. Qua ngày hôm sau, Cư qua để thu tiền thì vợ chồng anh Liêm nói không có tiền để trả cùng một lúc, mà chỉ trả góp mỗi ngày 500 ngàn.
Mỗi khi vợ chồng con bạc thắng, Cư đều phải đi vay mượn của người ngoài, (phải trả lãi tới 40% mỗi tháng) để trả. Vậy nhưng khi thua, vợ chồng con bạc lại lật lọng khiến Cư rất bức xúc. Chưa có cách nào khác, Cư đành chấp nhận để cho họ trả góp. Được một thời gian, Cư không kham nổi khoản lãi với chủ nợ, thường xuyên bị chủ nợ hăm dọa. Tới bước đường cùng, nhiều lần Cư hẹn gặp vợ chồng Liêm để yêu cầu trả 1 lần, nhưng hai con nợ không chịu, thậm chí còn dẫn cả xã hội đen đến uy hiếp lại. “Hôm xảy ra vụ án, tôi hẹn họ tại quán như thường lệ để nói họ trả cho khoảng 200 triệu, số còn lại (khoảng 300 triệu) coi như huề. Tuy nhiên vợ chồng họ không chịu, mà còn lớn tiếng thách thức. Tôi không kiềm chế được tức giận nên tạt ca hóa chất vào ngang người họ với mục đích để họ sợ mà trả tiền, nhưng không ngờ hậu quả lại kinh khủng đến vậy”, hung thủ trình bày.
Người nhà bị hại xin tha chết cho thủ phạm
Người chồng đau đớn chết tại chỗ vì loại hóa chất cực mạnh, người vợ cũng “ra đi” theo chồng ít ngày sau đó. Cả hai vợ chồng qua đời trong sự đau đớn đến tột cùng vì loại hóa chất đó vừa gây cháy da thịt, vừa gây hoại tử, vừa gây sốc tim, suy thận… Họ qua đời đi để lại cậu con trai cùng 2 người mẹ già đơn độc. Cuối năm 2013, TAND TP.HCM đã đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa này, Kha Cư tỏ ra rất ăn năn hối cải “Bị cáo không chủ ý giết vợ chồng họ, mà chỉ muốn dọa để họ trả tiền nên mới tạt axit vào ngang người, chứ không tạt vào mặt họ. Giờ bị cáo rất hối hận, chỉ mong HĐXX xem xét cho bị cáo một con đường sống để bị cáo sớm trở về làm việc nuôi vợ con và bồi thường phần nào cho gia đình bị hại”.
Về phía gia đình bị hại, mẹ của chị Hương, mẹ của anh Liêm, con của vợ chồng anh Liêm cũng đành gác lại nỗi đau, quên đi thù hận mà thành tâm xin tha tội chết cho bị cáo. “Dù gia đình bị cáo rất khó khăn, nhưng gia đình họ cũng đã tích cực bồi thường, qua thăm hỏi, động viên gia đình tôi. Dù thế nào thì bố mẹ tôi cũng đã chết, nếu xử bị cáo mức án tử hình thì bố mẹ tôi cũng không sống lại được. Mong HĐXX cho bị cáo một con đường sống, vì bị cáo còn vợ và 3 đứa con, bị cáo là trụ cột trong gia đình đó. Mức án chung thân cũng đủ để bị cáo dày vò, day dứt về hành vi tội ác của mình”, người con duy nhất của vợ chồng anh Liêm bày tỏ sự rộng lượng.
Tương tự, hai người mẹ của 2 bị hại cũng đã tha thiết xin HĐXX cho bị cáo con đường sống. Tuy nhiên xét thấy hành vi của bị cáo là không thể tha thứ được nên cấp sơ thẩm đã tuyên mức án tử hình với Kha Cư.
Với khát vọng được sống, bị cáo làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Gia đình phía bị hại cũng đã làm đơn kháng cáo xin cho bị cáo, nhưng quá thời gian quy định. Khi biết kháng cáo của mình không được tòa chấp nhận, cả gia đình bị hại vẫn không từ bỏ, mà chạy ngược chạy xuôi làm đơn, nhờ chính quyền xác nhận, đồng thời gửi khắp mọi nơi để mong có tia hy vọng nào đó cho bị cáo.
“Giấu đầu, hở đuôi”
Tại phiên tòa phúc thẩm mới đây, một lần nữa bị cáo không trả lời được câu hỏi của HĐXX: “Bị cáo là thầu đề, người ta nợ bị cáo, không phải không trả, mà do chưa có nên mới trả từ từ cho bị cáo. Con đường làm ăn của bị cáo là phi pháp, cơ quan điều tra không làm sáng tỏ đường dây cờ bạc của bị cáo để xử lý theo pháp luật là sai sót. Bị cáo đã làm ăn phạm pháp mà còn tàn độc, dùng loại hóa chất cực độc cướp mất 2 mạng người. Nếu đặt bị cáo vào hoàn cảnh của bị hại thì bị cáo có thấy mình đáng chết không? Bị cáo thấy tội mình gây ra có đáng được sống không?”.
Công tố viên đặt câu hỏi: Bị cáo mua loại hóa chất đó ở đâu? Mua từ khi nào? Nhằm mục đích gì? Cư đáp: “Bị cáo mua khoảng 1 lít ở chợ Kim Biên từ năm 2010 về để lau chùi rỉ sét mấy cánh cửa sắt. Loại hóa chất đó khi mua là dạng cục, người bán bày cho bị cáo về đổ nước vào nấu ra cho dễ dùng. Bị cáo đã dùng hết khoảng nửa lít, còn một nửa bị cáo cất trong nhà. Trước lúc đi gặp vợ chồng anh Liêm, vì sợ anh ấy đe dọa nên bị cáo nấu cục hóa chất đó ra đổ vào ca và mang theo rồi tạt vào vợ chồng bị hại. Bị cáo hoàn toàn không biết nó lại độc đến mức như vậy. Chỉ đến khi thấy vợ chồng anh Liêm la hét “nóng quá, nóng quá”, bị cáo mới tỉnh ngộ nhưng chẳng biết phải làm thế nào. Trong cơn hoảng loạn bị cáo chỉ biết chạy ngay đến công an thú tội”.
Lập luận đó bị công tố viên bác bỏ: “Bị cáo nói như vậy là không đúng, vì chính bị cáo đi mua về, còn biết cách nấu nước sôi để phenol rắn tan ra. Bị cáo cũng đã từng thử sự nguy hiểm của nó khi dùng que nhang nhúng vào hóa chất rồi chạm vào tay mình thì thấy bỏng nặng. Vậy mà bị cáo tạt hẳn nửa lít hóa chất đó vào người ta thì bị cáo phải biết mức độ tàn phá sẽ như thế nào chứ? Việc vợ chồng nạn nhân nợ tiền bị cáo, hay thuê giang hồ đến dằn mặt bị cáo cũng chỉ là lời khai một phía mà thôi”.
Nói lời sau cùng, bị cáo cúi gằm mặt xin chia buồn với gia đình bị hại và mong HĐXX giảm án cho bị cáo. Lời “chia buồn” tiếp tục bị phê phán: “Bị cáo nói xin lỗi thì còn nghe được, còn việc chia buồn là để cho người khác, bị cáo đã giết chết người ta, gây nên sự đau thương tang tóc như thế mà còn chia buồn cái gì?”.
Phiên xử kết thúc bằng bản án không chấp nhận kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, tuyên y án tử hình với Kha Cư.