“Thú thực, là người trong nghề, bao đêm cùng anh tuần tra khắp trại giam nên chúng tôi ít ai muốn nhắc đến câu chuyện đêm hôm ấy mà chỉ coi đó như một bài học cho sự cảnh giác trong công tác quản lý tù nhân. Nhưng đã lỡ kể với cậu, tôi sẽ nói nốt vậy”, anh khẽ thở dài trước khi kể tiếp về câu chuyện vượt ngục của hai tử tù năm xưa.
Chân dung hai tử tù tạo nên vụ vượt ngục có một không hai ở Việt Nam
"Sau khi toàn trại phát lệnh báo động, anh em tỏa ra kiểm tra tất cả các phòng giam thì sững người trước xà lim 3K3, khu biệt giam tử tù. Cả hai giường vẫn buông màn nhưng soi kỹ thì không có người. Như vậy, điều không ai mong muốn đã xảy ra, hai nam tử tù bị giam tại đây đã trốn thoát.
Giám thị, phó giám thị trại giam lúc đó cũng có mặt tại buồng biệt giam, tận mắt chứng kiến sự việc. Trước khi tẩu thoát khỏi buồng biệt giam, chúng đã để lại ngổn ngang những đồ đạc mà sau này nhiều thứ trong đó đã được giám định chính là công cụ bọn chúng dùng để cưa xiềng, phá khóa.
Thời điểm ấy, tôi đang kiểm tra khu khác, nhưng được anh em kể lại, tại buồng biệt giam đã thu giữ nhiều vật dụng rất đặc biệt, với người ngoài thì đó là thứ vứt đi, nhưng với tử tù thì có khi đó chính là con đường để sống”, anh nói thêm.
Các đồ dùng được xác định là một chiếc cưa tự tạo có gắn một dao lam ở giữa giằng hai đầu có mẩu nhựa màu vàng dài khoảng 5cm được buộc vào thanh nứa dài 15cm; một chiếc gương nhỏ hình bán nguyệt được gắn vào bàn chải đánh răng màu xanh - trắng; một miếng gạch men hình ngũ giác độ dài nhất 4cm, ngắn nhất 1,5cm…
Điều khá bất ngờ là hai chiếc cùm chân ở phía cuối “giường” nằm của tử tù nhìn còn nguyên vẹn. Vậy làm sao chúng thoát khỏi buồng biệt giam khi cùm chân chưa mở khóa và không bị cưa đứt, chả lẽ chúng có phép màu? Thế nhưng, khi kiểm tra kỹ hơn, các cán bộ trại giam ngớ người khi thấy hai chiếc cùm chân ở phía cuối bệ nằm của tử tù cũng đều đã bị mài lõm ở móng cùm đến độ có thể... rút được chân ra mà không cần mở khóa.
Bốn đoạn thanh chấn song sắt ở trên ô cửa thông gió cũng đã bị cưa đứt, tạo thành một lỗ hổng lớn, đủ cho một người chui qua. Đó là ở phía bên trong xà lim.
Còn ở phía bên ngoài xà lim thì 2 song sắt bên trái của cửa sổ tường rào của buồng giam 3K3 cũng đã bị cưa đứt và bẻ quặt vào phía trong tạo thành một lỗ hổng đủ cho một người chui qua. Ở hành lang phía sau khu K3, khóa treo cửa sắt ở hành lang và cửa sắt thông qua khu giam chẵn cũng đã bị phá.
Tại bức tường thành ngăn cách giữa khu vực trại tạm giam và bên ngoài có một cây cầu tự tạo đã được bắc lên trên dây điện trần bảo vệ tường thành. Cây cầu này được tạo bởi 4 cây gỗ tròn được buộc nối vào nhau.
Một đầu cầu được buộc với một cây keo (cây keo này nằm cách bức tường thành khoảng 5m), đầu kia thì bắc lên trên dây điện trần trên bức tường thành. Hai chiếc chăn - một chiếc chăn dạ, một vỏ chăn hoa - vẫn phủ chình ình lên hàng dây điện trần.
Ngay sau đó, ban Giám thị trại tạm giam đã cấp báo sự việc lên lãnh đạo Công an TP.Hà Nội. Xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, chỉ một lúc sau Giám đốc Công an TP.Hà Nội thời bấy giờ - Thiếu tướng Phạm Chuyên đã có mặt tại trại.
Tên tuổi hai tử tù đào tẩu giờ phút này cũng đã được xác định chính xác. Hai tập hồ sơ dày cộp mang tên Nguyễn Văn Thân (tức Thân “rau muống”) và Nguyễn Hải Nam (tức Nam “cu Chính”) đã được rút ra từ kho hồ sơ lưu trữ của tử tù. Từng trang hồ sơ ố vàng lại được lần giở, lật lại nghiên cứu. Hóa ra, cả hai kẻ tử tù đào tẩu trong đêm mưa ấy đều có những số phận riêng, cực kỳ đặc biệt...