Ông Lâm Văn Quản - Trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp và ĐH Sở Giáo dục TP HCM cho biết, năm nay TP HCM có 129.636 hồ sơ, trong đó lượng thí sinh tập trung thi vào trường ĐH Tôn Đức Thắng và ĐH Sài Gòn đông nhất. Dù thành phố có lượng hồ sơ nhiều nhất ở phía Nam nhưngcũng giảm hơn 18.000 hồ sơ so với năm trước.
Khối A vẫn là lựa chọn hàng đầu với hơn 44.000 hồ sơ dự tuyển, tiếp đó là khối D1, A1. Riêng khối C chỉ còn hơn 2.800 thí sinh đăng ký.
Theo ông Quản, năm nay lượng hồ sơ giảm là do hạn chế được số hồ sơ ảo vì lệ phí cao hơn và công tác hướng nghiệp cũng tốt hơn. Thực tế lượng thí sinh dự thi có thể tương đương năm trước.
Sở Giáo dục tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, năm nay có 42.000 hồ sơ, giảm hơn 6.000 so với năm trước. Thí sinh tập trung chủ yếu vào các khối tự nhiên như khối A (41%), khối A1 (13%), khối B và D1 (19%) còn khối C chỉ có hơn 1.000 hồ sơ (chiếm khoảng 3%), các khối năng khiếu chiếm 4% còn lại. Lượng lớn thí sinh chọn thi trường ĐH Đồng Nai, ĐH Nông Lâm... vào các ngành kinh tế.
Tương tự, theo Trưởng phòng giáo dục thường xuyên, chuyên nghiệp tỉnhKhánh Hòa Trần Ngọc Anh, năm nay có ít hơn năm trước 2.400 hồ sơ bởi tổng số hồ sơ của thí sinh chỉ là 26.083. Hồ sơ tại Phú Yên, Sóc Trăng, Bình Dương... cũng giảm trên 1.000 hồ sơ so với năm trước.
Trong khi đó, dù đã được cảnh báo là bị bão hòa và thừa nhân lực trong những năm gần đây nhưng các ngành thuộc nhóm kinh tế như Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế, Quản trị kinh doanh vẫn tiếp tục nhận được nhiều hồ sơ hơn hẳn các nhóm, ngành khác.
Cụ thể, ĐH Ngân hàng TP HCM tăng gần 12.000 hồ sơ khi nhảy từ 1.900 lên 13.739 hồ sơ. ĐH Công nghiệp TP HCM cũng tăng hơn 2.000 hồ sơ so với năm trước khi năm nay nhận được hơn 37.000 hồ sơ. ĐH Y Phạm Ngọc Thạch cũng tăng 1.000 hồ sơ. Ngược lại, ĐH Kỹ thuật TP HCM giảm tới 10.000 hồ sơ và phần xét tuyển có 95 chỉ tiêu nhưng trường chỉ nhận được 93 hồ sơ.