Năm 1997, khi HLV K.Weigang rút lui khỏi cương vị HLV trưởng ĐTQG, người được đề cử thế chỗ là ông Trần Duy Long. Ai cũng nghĩ, cùng với Thế hệ vàng của bóng đá Việt Nam thời bấy giờ là Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hoàng Bửu... ông Long sẽ dễ dàng lập được chiến tích. Qua đó, giá trị của những nhà cầm quân bản địa sẽ được khẳng định.
Ông Phan Thanh Hùng (phải) nhận được rất nhiều kỳ vọng của NHM
Nhưng rồi, những thất bại liên tiếp ở vòng loại World Cup 1998 khiến mối lương duyên của ông Long với ĐTQG giữa đường đứt gánh. Một lần nữa, ĐTQG được giao cho các ông thầy ngoại.
Năm 2004, ông Trần Văn Khánh được bổ nhiệm thế chỗ HLV Tavares ở trận đấu cuối cùng vòng bảng Tiger Cup. Nhưng sự gắn kết đó chỉ là cơn gió thoảng qua, bởi sau đó ĐTQG và ĐT U23 lại được giao vào tay thầy ngoại.
Và giờ, sứ mệnh gánh vác trọng trách ĐTQG lại được giao phó cho HLV Phan Thanh Hùng và các cộng sự. Chưa hết, HLV trưởng ĐT U22 QG cũng là một HLV nội và còn rất trẻ là Lư Đình Tuấn.
Ai đó sẽ nói, bóng đá Việt Nam đang tiến hành một cuộc cách mạng trên băng ghế chỉ đạo ở các ĐTQG. Phải nhấn mạnh rằng, đây là cuộc cách mạng về tư duy quản lý! Và phải trải qua rất nhiều thời gian, cùng những thăng trầm cùng các ông thầy ngoại, chúng ta mới đủ tự tin để giao phó trọng trách cho các HLV nội.
Tất nhiên, cuộc cách mạng về con người ở ĐTQG, ĐT U23 không xuất phát từ “sự duy ý chí”, hay đơn giản là những lời hô quyết tâm thật hoành tráng. Việc đặt niềm tin vào các HLV nội vốn còn rất trẻ là kết quả của chiến lược tạo nguồn của bóng đá Việt Nam trong nhiều năm nay. Họ, những HLV bản địa đã được VFF cử đi học ở cả trong nước lẫn nước ngoài và sau đó, tung vào môi trường đầy thách thức để rèn giũa bản lĩnh và trưởng thành.
Và giờ, khi các HLV nội đã khẳng định được thương hiệu thì cũng là lúc chúng ta cần phải tiến thêm một bước, đó là đặt trọn niềm tin vào họ. Tất nhiên, con đường tiến đến vinh quang sẽ có rất nhiều chông gai, nhưng đó lại là cơ hội để chúng ta chứng tỏ bản lĩnh, sự quyết tâm và tầm nhìn chiến lược của mình.