Đó là đôi nét khái quát về Hit: Hoàng tử & Lọ Lem, bộ phim vừa ra mắt báo giới tối 18/7. Và với bộ phim này, dường như đạo diễn Ngô Quang Hải đang khẳng định lối làm phim “tỏ ra nguy hiểm” sau những gì từng làm ở “Mùa hè lạnh” trước đó.
Tựa phim về Lọ Lem làm khán giả liên tưởng ngay đến phim “Lọ Lem Sài Gòn” hợp tác với Hàn Quốc, một “đáy” mới của thảm họa phim Việt ra mắt cách nay hai tháng. Cả hai đều chung một mô típ cô gái nghèo tham gia vào một cuộc thi hát rồi chiến thắng trước đối thủ là một tiểu thư con nhà giàu, đã được lót đường để đoạt ngôi vị cao nhất.
Trước hết, phải nói rằng mô típ này nhàm đến mức lựa chọn nó đã là một sự “dũng cảm”. Bởi nếu muốn hay, đạo diễn cần phải thổi vào đó sự tinh tế, sáng tạo, tâm lý trong từ chi tiết. Đương nhiên, tay nghề của đạo diễn Ngô Quang Hải còn xa mới đạt được ngưỡng này. Thậm chí, nếu xét về ý thức tạo “sóng gió” cho câu chuyện, giúp phim “có gì đó để xem” thì anh còn thua cả đồng nghiệp xứ Hàn.
“Hit: Hoàng tử & Lọ Lem” gần như rỗng tuếch, nhạt nhẽo, chẳng có lấy một chút cao trào, dù là trong cuộc tranh tài ca hát hay trong cuộc tình đáng ra phải hết sức lãng mạn mới có thể níu chân khán giả.
Ngọc Trinh trong một cảnh quay "chẳng để làm gì" trong phim.
Cũng như Lọ Lem "hợp tác", Lọ Lem “thuần Việt” nói gót để mắc phải những lỗi tệ hại. Đó là việc đạo diễn “nhúng tay” quá sâu vào cuộc sống của nhân vật, bắt họ hành động theo ý muốn chủ quan mà không cần quan tâm xem có logic hay không.
Các nhân vật yêu nhau, ghét nhau, bỗng dưng xuất hiện, bỗng dưng biến mất, thành công, thất bại... đều như những con rối trong tay nhà làm phim vậy. Tiếp đó là sự xuất hiện của những nhân vật thừa thãi, không ăn nhập vào đâu như nhân vật của Ngọc Trinh, Hoàng Mập, Hà Việt Dũng mà vai trò nếu có chăng chỉ để câu khách.
Nhưng “đặc sản” đáng kể nhất của Ngô Quang Hải chính là “nghệ thuật tô vẽ”, nhằm biến câu chuyện làng nhàng trở nên “đỏm dáng” nhờ những “siêu triết lý” lạ lùng nhằm nâng tầm quan điểm cho phim, kiểu như “yêu nhau vì sinh lý, quý nhau vì tiền” hay “cuộc sống không giống như cuộc đời”...
Bên cạnh đó là kiểu dựng phim rối rắm một cách không cần thiết, chẳng khác gì “Mùa hè lạnh”. Nhưng thực tế, một hình thức màu mè, rườm rà và “tỏ ra nguy hiểm” chẳng thể nào khỏa lấp hay cứu rỗi được một nội dung rỗng tuếch và nhạt nhẽo đến vậy.