Căn cứ vào sổ kê khai hộ tịch của gia đình ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa do cán bộ UBND xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An có ghi tên Nguyễn Công Phượng sinh ngày 21/11/1993 rồi sau đó có sửa lại là 21/1/1995.
Theo thông tin tìm hiểu, ông Nguyễn Công Bảy (SN 1956) và bà Nguyễn Thị Hoa (SN 1960) có tổng cộng 6 người con gồm 3 trai, 3 gái: Nguyễn Thị Thu (SN 1979), Nguyễn Công Thủy (1982), Nguyễn Thị Kiều (SN 1990), Nguyễn Công Khoa (SN 1993), Nguyễn Công Phượng (SN 1995) và Nguyễn Thị Phương Anh (SN 2001).
Trong số 6 người con này, cậu con trai Nguyễn Công Khoa, anh trai kế Công Phượng không may bị chết đuối khi tắm suối lúc nhỏ (chưa xác định mất là năm nào, nhưng chắc chắn trước ngày 7/4/2001 là ngày làm sổ hộ tịch). Chuyện về cậu anh trai Nguyễn Công Khoa vắn số của Công Phượng đã được báo chí viết nhiều cách 2-3 tháng.
Nhìn vào cuốn sổ hộ tịch đăng ký nhân khẩu của gia đình ông Nguyễn Công Bảy và bà Nguyễn Thị Hoa do cán bộ xã Mỹ Sơn lập vào ngày 07/4/2001 chỉ ghi hộ gia đình có 7 nhân khẩu (2 vợ chồng và 5 con), vắng mất tên Nguyễn Công Khoa.
Và thay vì gạch tên Nguyễn Công Khoa để ghi tên Nguyễn Công Phượng thì cán bộ xã Mỹ Sơn lại dùng bút bi màu xanh khi đè chữ "Phượng" lên trên chữ "Khoa" và ghi thêm chữ "Phượng" nữa ở phần dành ghi Nguyên Quán?
Ở trang kế bên thì cán bộ có ghi chữ bút bi xanh là "Khai sinh lại 1995" rồi đóng mộc đỏ để xác nhận (nhìn hình dưới)
Có thể nhìn thấy ở trang đầu sổ hộ tịch gia đình ông Bảy và bà Hoa, phần tên Nguyễn Công Phượng ở dòng số 6 nét chữ "Phượng" ghi đè lên chữ "Khoa". Ở trang kế cán bộ xã ghi từ "Khai sinh lại 1995" bên cạnh ngày sinh 21/1/1993 và đây có thể là điểm gây nên sự hiểu lầm
Như vậy nếu theo tính logic thì bà Nguyễn Thị Hoa sinh Nguyễn Thị Kiều (năm 1990) rồi sau đó sinh Nguyễn Công Khoa (năm 1993) rồi mới sinh tiếp Nguyễn Công Phượng (năm 1995) cũng điều hợp lý.
Ngược lại nếu gia đình ông Bảy bà Hoa cố tình làm lại năm sinh của Nguyễn Công Phượng từ 1993 sang 1995 thì có thể cậu anh Nguyễn Công Khoa sẽ sinh năm 1991 hoặc 1992.
Tuy nhiên, cần biết, rằng thời điểm khai sổ hộ tịch là năm 2001, tức lúc đó Công Phượng chỉ mới 6 tuổi (nếu sinh năm 1995) hoặc 8 tuổi (nếu sinh năm 1993) thì cũng không phải thời điểm để Công Phượng đi thi tuyển bóng đá năng khiếu ở lò Sông Lam Nghệ An. Riêng Học viện HAGL Arsenal JMG năm 2007 mới mở trường.
Do vậy, câu chuyện tuổi thật của Công Phượng có thể đến từ việc cán bộ xã Mỹ Sơn đã làm việc khá cẩu thả khi khi đè chữ "Phượng" lên chữ "Khoa" để rồi gây nên sự hiểu nhầm sau này.
Còn trong trường hợp nếu ông Bảy bà Hoa có đúng là khai tụt tuổi của Công Phượng từ 1993 sang thành 1995 cũng vì lý do nào đó chứ không phải để gian lận tuổi để Công Phượng đi thi tuyển bóng đá.
Câu chuyện tuổi thật của Công Phượng đã lên cả bản tin Chuyển động 24h của VTV1
Riêng về phía Học viện HAGL Arsenal JMG trong trường hợp này hoàn toàn vô can vì họ nhận thí sinh dự tuyển căn cứ vào giấy khai sinh, sổ hộ khẩu của cầu thủ nhí do gia đình cung cấp. Lúc thi tuyển và về sau này, toàn bộ giấy tờ của Nguyễn Công Phượng đều ghi ngày sinh là ngày 21/1/1995.
Bầu Đức phát biểu: "HAGL chỉ biết từ xưa đến nay Công Phượng sinh năm 1995 và bây giờ là 19 tuổi là căn cứ vào giấy tờ do gia đình cung cấp, có địa phương xác nhận. Còn ai muốn xác minh Công Phượng bao nhiêu tuổi thì về làm việc với Công an tỉnh Nghệ An".