Tiểu thương chỉ nghe tên Hưng “kính” là… lảng tránh
Vừa qua một phóng sự với tiêu đề “Phức tạp hoạt động bảo kê tại chợ Long Biên” của Đài truyền hình Việt Nam được phát sóng. Theo đó, để tồn tại buôn bán ở chợ Long Biên (quận Ba Đình, Hà Nội), bà con tiểu thương sẽ phải đóng tiền bãi (hay còn gọi là tiền “bảo kê”).
Không đóng tiền thì không có chỗ đỗ xe để chuyển hàng. Ở chợ Long Biên, hàng hóa bán buôn là chính, vì vậy, không có chỗ đỗ xe coi như là hết đường làm ăn.
Một người thu tiền bến bãi cho hay, cứ lên bãi là phải đóng 200 nghìn đồng, nếu xe to thì 350 nghìn đồng. Theo các tiểu thương, số tiền bãi phải đóng của mỗi người khác nhau, có người đóng theo tháng, có người đóng năm, có người lại đóng ngày. Ví dụ, với 1 đầu xe nhỏ đỗ trên bãi cá là 100 triệu đồng/năm.
Hình ảnh một người đàn ông đứng ra thu tiền của tiểu thương ở chợ Long Biên
Chiều ngày 26/9, trả lời PV, ông Hoàng Văn Đức, Phó trưởng Ban quản lý (BQL) chợ Long Biên cho hay: “Ông Nguyễn Kim Hưng (biệt danh Hưng “Kính” - PV) đã làm việc ở chợ Long Biên từ năm 1993 với cương vị Tổ trưởng tổ bốc xếp. Đây là một bộ phận của BQL chợ, với nhiệm vụ tổ chức điều hành bốc xếp hàng hoá cho bà con. Còn về con người, ông Hưng là người nhiệt tình, tích cực và làm việc tốt”.
“Trong quá trình làm việc tất nhiên khó tránh khỏi sai sót, mâu thuẫn. Nhận được phản ánh, chúng tôi đều giải quyết theo đúng vai trò nhiệm vụ của mình. Về thông tin phản ánh xuất hiện bảo kê ở chợ Long Biên như vừa qua, tôi khẳng định là BQL không phát hiện bất kỳ dấu hiệu bảo kê nào. Hiện tại cơ quan công an vẫn đang làm việc, khi có kết quả chúng tôi cũng sẽ công bố chính thức theo kết luận điều tra”, ông Đức cho hay.
Tuy nhiên, theo thực tế ghi nhận của PV ở chợ Long Biên thì thái độ và phản ánh của tiểu thương về ông Hưng lại khác. PV có mặt ở chợ Long Biên vào buổi chiều. Vì đây là chợ đầu mối, tiểu thương giao dịch chỉ tập trung đông từ 22h đêm đến khoảng 4h sáng nên thời điểm chúng tôi tới không quá tấp nập. Thấy khách đến, tiểu thương nào cũng vồ vập mời chào.
Tuy nhiên, khi PV vừa đề cập đến tên Hưng “Kính”, vị Tổ trưởng tổ bốc xếp hàng hóa đã làm việc hơn 20 năm tại chợ thì kỳ lạ các tiểu thương lảng đi như chưa từng nghe PV hỏi gì. Người bạo dạn lắm thì được câu bâng quơ “để yên cho chúng tôi làm ăn” hay “bác già rồi chả biết ai với ai đâu”. Những câu hỏi tiếp theo về nhân vật này tiếp tục chỉ nhận được những cái lắc đầu, xua tay.
Tiếp tục di chuyển khoảng 1 giờ đồng hồ quanh khu chợ rộng lớn, PV mới được chị Q. - người kinh doanh hoa quả tiếp chuyện, chị khẽ nói: “Phóng viên hả, sau khi ông Hưng bị đưa lên truyền hình, em có hỏi cả chợ cũng không ai dám nói đâu”.
Rồi người phụ nữ trên ra ám hiệu với PV: “Cấm được viết tên và chụp hình thì vào đây chị kể”. Dứt lời, chị Q. đảo mắt nhìn quanh rồi mời PV vào.
Giọng nói chậm và nhỏ hơn, chị Q. bắt đầu kể: “Ở chợ Long Biên này làm gì có ai không biết Hưng “Kính”, ông này làm ở đây cả chục năm nay rồi. Dân buôn ở đây chủ yếu là dân tỉnh lẻ, ai cũng sợ mất miếng cơm manh áo nên không dám hé lời, không ai bảo ai cứ thế chấp nhận đóng tiền bến bãi.
Bến xe đậu hoa quả hiện nay vốn trước kia là bãi đậu xe của hàng hải sản, tuy nhiên do tiền thu từ hải sản không bằng tiền thu từ xe hoa quả nên ông Hưng đã đuổi bãi xe hải sản đi. Ông Hưng chưa từng trực tiếp đánh ai bao giờ, nhưng ai cũng sợ”.
Nữ tiểu thương chia sẻ thêm: “Chị là người ở đây, chị không sợ ai. Chị buôn thúng bán mẹt mấy cân hoa quả lời lãi là bao! Nhưng thôi, vì thế mà cũng an phận. Còn dân tỉnh lẻ buôn bán lớn sẽ phải chịu tiền “bảo kê”. Cùng chỗ buôn bán chị còn lạ gì, hoa quả nhập về nhiều khi phải lô dập có khi còn lỗ. Vậy thì không hiểu nộp cả trăm triệu tiền bến bãi rồi thuế khoá, những tiểu thương kia sống kiểu gì?”.
“Muốn biết rõ hơn về Hưng “Kính” thì ra phố Hàng Đậu là khu nhà ông ấy, nếu hỏi được ai thì đừng chụp hình lấy tên người ta”, chị Q. dặn dò.
Khu vực chợ Long Biên.
Sống “kín kẽ” ở khu phố?
Theo tìm hiểu của PV, bà H. (gần 70 tuổi, trú tại phố Hàng Đậu) cho biết: “Hưng “Kính” vốn là người người Hà Nội. Sinh ra trong gia đình đông anh em, từ nhỏ các em của Hưng đã nổi tiếng ngang bướng, cả phố không ai không biết, không ai không sợ. Nhưng so với các anh em trong nhà Hưng kéo léo hơn rất nhiều và không để điều tiếng với ai trong phố bao giờ”.
Sau khi ông Hưng “Kính” xuất hiện trên truyền hình với nghi vấn bảo kê bến bãi ở chợ Long Biên đã khiến bà Th. cùng trú tại phố Hàng Đậu rất bất ngờ. Theo bà thì ông Hưng có cửa hàng buôn bán ở nhà, không nghĩ Hưng còn làm tổ trưởng tổ bốc xếp ở chợ.
Bình tĩnh lại, bà Th. nhớ ra: “Trước kia các anh trai của Hưng cũng làm ở chợ Long Biên nên có lẽ về sau ông Hưng cũng ra làm ở đây. Anh em nhà Hưng xưa kia nổi tiếng giữ giằn, nhưng riêng Hưng khá kín kẽ và chưa có điều tiếng với ai”.
Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Nguyễn Dương Hải, Chủ tịch UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Chợ Long Biên là chợ loại 2 nên trực thuộc quản lý của UBND quận Ba Đình, không thuộc quản lý của UBND phường.
Phường có chức năng phối hợp để đảm bảo an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường và quản lý khu vực xung quanh chợ. Còn hoạt động bên trong chợ thuộc trách nhiệm chính của Ban quản lý chợ. Trong quá trình hoạt động của chợ Long Biên phường cũng chưa từng nhận đơn thư phản ánh, có lẽ tiểu thương muốn được giải quyết nhanh nên đã gửi lên những cơ quan trực tiếp phụ trách”.
Nói về ông Hưng “Kính”, vị Chủ tịch phường Phúc Xá cho hay: “Ông Hưng không phải người dân trong phường. Như tôi đã nói, công việc của họ không do phường quản lý nên tôi không biết nhiều về người này. Thậm chí, có những lúc gặp mặt, ông Hưng cũng không chào tôi bao giờ”.
Công an quận Ba Đình cho biết, đang phối hợp với các lực lượng chức năng tiến hành điều tra làm rõ những phản ánh của báo chí về hoạt động có dấu hiệu “bảo kê” ở chợ Long Biên. Quan điểm của cơ quan công an là sẽ làm nghiêm túc, nếu phát hiện hành vi phạm pháp thì sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Nhân vật Hưng “Kính”
Chủ tịch TP.Hà Nội chỉ đạo làm rõ sự việc
Ngày 21/9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã có văn bản hoả tốc giao Giám đốc Công an TP chỉ đạo làm rõ hoạt động bảo kê tại chợ đầu mối Long Biên.
Qua đó, Công an TP có nhiệm vụ khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật; báo cáo Thành uỷ, UBND TP.
Cũng trong ngày 21/9, cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ba Đình đã triệu tập các đối tượng nằm trong nội dung đơn tố cáo đến trụ sở công an lấy lời khai.
Chợ Long Biên có khoảng 1.000 hộ kinh doanh với gần 300 hộ thường xuyên cần chỗ đỗ xe. Mức vé niêm yết cho các lượt xe vào để trả hàng/đóng hàng mà BQL chợ Long Biên được phép thu là từ 15-60 nghìn đồng/lượt.
Tuy nhiên, theo phản ánh của người tố cáo, mức thu này gấp 10 lần và bị nhóm bảo kê tiếp tục thu thêm số tiền cao hơn nhiều lần nữa.