Buổi sáng ngày 3/1/2014 tàu ngầm mang tên Hà Nội (HQ182) đã chính thức hiện hình trên biển tại quân cảng Cam Ranh, đánh dấu một mốc mới trong sự phát triển của lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên không mấy người biết rằng cách đó hơn 30 năm, tại vùng biển Đà Nẵng gần đó, đã từng diễn ra nhiều cuộc “săn ngầm” của các chiến sĩ hải quân Việt Nam.
Trong một buổi gặp vào đầu năm 2014, chúng tôi đã được Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm (nguyên Lữ trưởng Lữ đoàn tàu 161 HQ, nguyên Giám đốc Học Viện Hải quân) bật mí về câu chuyện này. Dù đã bước sang tuổi 79 nhưng những ký ức đó vẫn nguyên vẹn trong tâm trí người sĩ quan chỉ huy. Bằng giọng nói rành rọt đầy hứng khởi ông kể lại:
Câu chuyện diễn ra vào một ngày trong năm 1979, khi đó Hải quân Liên Xô còn đang có mặt tại Cam Ranh. Để nhận biết khả năng của một lực lượng mới, ta và bạn đã tổ chức các cuộc diễn tập “săn ngầm” tại vùng biển Đà Nẵng.
Tham gia cuộc diễn tập này Binh đoàn 17 phía bạn có đưa vào một tàu ngầm lớp Kilo trong khi chúng tôi có 4 tàu nổi với các thiết bị săn ngầm đi kèm.
Hôm đó, vào 7h sáng đội hình bắt đầu tiến ra biển, chiếc tàu ngầm đi trước, 4 tàu chúng tôi đi phía sau. Khi tới vùng nước đã định trước, phía Liên Xô yêu cầu trống máy, chỉ mở máy đo sâu. Đến lúc có lệnh, chúng tôi tản ra 4 góc còn tàu ngầm ở giữa, một lúc sau chiếc tàu ngầm từ từ lặn xuống, cuộc diễn tập bắt đầu.
Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm hào hứng kể lại cuộc săn ngầm.
Trước đó chúng tôi thống nhất với nhau bao giờ có một tín hiệu màu xanh da trời từ dưới biển nổi lên thì đó là vị trí tàu ngầm và chính thức khởi hành cuộc “đi săn”. Sau khoảng 10’ chờ đợi, chúng tôi nhìn thấy cách vị trí của mình khoảng 4 – 5km nổi lên tín hiệu như quy ước. Lập tức các tàu được lệnh sử dụng thiết bị săn ngầm để dò tìm và thực hiện tấn công tàu ngầm bằng ký hiệu.
Ít phút sau chúng tôi phát hiện được tín hiệu âm vọng về, nhưng chỉ trong vòng khoảng 3 phút là tín hiệu đó “mất tiêu” luôn. Thấy vậy chúng tôi quyết định giữ hướng và tiếp tục tìm kiếm, đồng thời thông báo ai phát hiện được tàu ngầm thì lập tức báo cáo để triển khai đội hình vây đánh nhưng vẫn không phát hiện được gì thêm.
Thấy lâu quá mà mình không bao vây họ được, thế là từ xa tít "đối phương" lại thả một tín hiệu màu xanh. Khi đó các tàu tiếp tục lao tới triển khai đội hình tìm kiếm nhưng chỉ sau vài ba phút có tiếng vọng về rồi lại biến mất. Cứ như thế trong suốt gần 5 tiếng buổi sáng chúng tôi quần thảo khắp vùng biển nhưng chỉ phát hiện được các tín hiệu này 3 lần, cũng có nghĩa là đã 3 lần triển khai đội hình để diệt tàu ngầm.
Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, hải quân Việt Nam đã có tàu ngầm từ những năm 80Trong ảnh là tàu ngầm Hà Nội - HQ 182 tại căn cứ Cam Ranh: Ảnh: Nguyễn Chung.
Kể lại câu chuyện "săn ngầm" như thế để thấy rằng tàu ngầm có thể nhận biết tàu mặt nước từ rất xa, nhưng tàu mặt nước tìm ra tàu ngầm thì rất khó. Đành rằng khi đó các thiết bị săn ngầm chưa phát triển, nhưng mục tiêu cũng là lớp tàu cũ. Hiện nay tàu Kilo lớp mới còn khó phát hiện hơn rất nhiều, vì thế phương Tây gọi lớp tàu này là “Lỗ đen lòng biển”.
Vào đầu những năm 80 của thế kỷ 20, Liên Xô đã có kế hoạch viện trợ cho chúng ta hai chiếc tàu ngầm lớp Kilo, các thủy thủ cũng đã được lựa chọn và được cử đi học tại nước bạn, đội trưởng của đoàn chính là đồng chí Trần Quang Khuê, hiện nay là Trung tướng – Phó tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam. Tuy nhiên sau đó do gặp phải khó khăn trong việc xây dựng cơ sở huấn luyện trên bờ nên việc này đành gác lại.
Chuẩn đô đốc nhận định, ngày nay chúng ta có hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo và chiếc đầu tiên đã về tới Cam Ranh, đó thực sự là bước tiến lớn của lực lượng Hải quân Việt Nam. Điều này thể hiện cái nhìn toàn diện của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Hải quân. Từ nay chúng ta đã có một binh chủng mới, là lực lượng đặc biệt tăng cường sức mạnh tổng hợp, đa dạng của hải quân Việt Nam cả trong thời bình lẫn khi xảy ra chiến tranh.