Hãy 'học thuộc bài học' chứ đừng để xảy ra 'bài học'!

Nạn nhân vụ đứt dây cáp cần cẩu ở công trường đường sắt trên cao (Thanh Xuân) là 1 sĩ quan Công an giỏi đã là 1 trong số "mỗi ngày có 25 người ra đường mà không trở về".

Tại sao và tại sao?

Vợ con, gia đình và có thể chính nạn nhân – nếu có thể biết được – chắc không thể không đặt câu hỏi: Tại sao lại có chuyện đứt dây cáp? Tại sao lại là anh ấy? Tại sao không thể ngăn ngừa được sự việc đau lòng ấy!

Là một nước đang phát triển, Việt Nam đã và đang đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng. Làm đường, xây cầu, mở mang nhà cửa là việc cần thiết và diễn ra khắp nơi. Có thể nói, cả nước là một công trường, đâu đâu cũng gặp cảnh ngổn ngang xây dựng, hối hả thi công, cốt sao có nhanh nhất, sớm nhất các công trình hữu dụng cho đời sống dân sinh và đáp ứng nhu cầu của đất nước.

Mỗi người chúng ta ai chẳng thông cảm với hiện thực ấy, ai chẳng mong mỏi có ngày được di chuyển nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn, dù cho là vì việc công hay việc riêng gia đình. Đường xá dẫu có vì một vài công trình dở dang mà chật chội hơn, đi lại khó khăn hơn, âu cũng là một thứ “giá phải trả” cho một đất nước còn nhiều nghèo nàn, lạc hậu, vừa lo tìm vay tiền vốn, vừa lo đẩy nhanh tiến bộ cho kịp giờ bàn giao sử dụng.

Nhưng, những tai nạn giao thông, tai nạn lao động xảy ra ở những công trình đang thi công lại luôn là điều lo sợ với bất cứ ai, phấp phổng bất cứ lúc nào và một khi có tử vong, thì lại dồn dập những câu hỏi “tại sao?”.

Như trường hợp nạn nhân Nguyễn Như Ngọc ở Thanh Xuân, có thể xem đây là một tai nạn hỗn hợp, vừa là tai nạn lao động nhưng vừa là tai nạn giao thông. Chính những người thi công hôm ấy đã chủ quan, không lường hết những nguy cơ tai nạn có thể xảy ra.

Cả một bó thép chỉ được bó bằng dây thừng, trong khi theo quy chuẩn, nó phải được bó bằng chính dây thép. Khi được cẩu lên độ cao quá lớn, sức kéo của trọng lực đã khiến sợi dây thừng quá tải, không chịu đựng nổi và một thanh thép rơi xuống đã vĩnh viễn cướp đi mạng sống của một con người đang độ cống hiến nhiều nhất cho gia đình và xã hội, dập tắt niềm hy vọng, trông mong của bao người khác và của chính anh ấy!

Báo trước vẫn phải “trả giá”

Trong đám tang, gia đình, đồng đội bạn bè, người thân và cả nhiều người chưa từng quen biết đã đến nhà tang lễ tiễn biệt sĩ quan Nguyễn Như Ngọc – người đáng ra không phải sớm vĩnh biệt cuộc đời này nếu như những gì cảnh báo trước được để tâm và ngăn ngừa tối đa.

Bấy lâu nay, đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông bước vào những tháng thi công quyết liệt nhằm rút ngắn tiến độ vốn bị kéo ra quá dài do nhiều nguyên nhân khác nhau. Chỉ có điều, ai có dịp đi gần công trường này đều dễ nhận thấy sự mất an toàn rất lớn khi mà nó vắt qua những tuyến đường có mật độ giao thông dày đặc của Hà Nội, đặc biệt đông đúc vào những giờ cao điểm sáng và chiều.

Thế mà, người ta chỉ cho lắp những tấm lưới an toàn rất mỏng, gần như chỉ có tác dụng… tạo hình ảnh, còn không thể chắn được bụi cát và càng không thể ngăn được những vật liệu nặng rơi xuống một khi xảy ra sự cố. Ai cũng nhìn thấy nguy cơ, nhiều người dân đã lên tiếng cảnh báo, thế nhưng điều đáng tiếc đã xảy ra, một mạng người đã mất không bao giờ lấy lại được.

Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) đã đình chỉ 10 cán bộ, công nhân đang làm việc khi tai nạn xảy ra. Ông Cấn Hồng Lai – Tổng Giám đốc Cienco 1 – cho rằng: “Đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá của những người làm trong ngành giao thông để nâng cao hơn nữa ý thức về thực hiện an toàn lao động”.

Vâng, bài học quá đắt giá mà đáng ra, các lực lượng thi công hoàn toàn có thể không “mất chi phí cao” nếu những tiêu chí an toàn thi công được tuyệt đối tuân thủ: Không cho phép cẩu lắp các vật nặng ở trên cao khi có người đi lại bình thường ở dưới, khi thi công không có rào chắn, cảnh báo, không có lực lượng giám sát, kiểm tra và đình chỉ thi công nếu nhận thấy không an toàn…

Rõ ràng, đơn vị giám sát và nhà thầu phải chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn, phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện an toàn lao động tại các công trường..

Trong Công điện phát đi ngay sau khi xảy ra sự cố, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu thi công “đình chỉ ngay hoạt động thi công không bảo đảm an toàn lao động, rà soát lại toàn bộ quy trình tổ chức thi công, công tác giám sát, bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là tại khu vực tổ chức thi công trong phần không gian của các hoạt động giao thông trên toàn tuyến, kiểm tra điều kiện an toàn của các trang, thiết bị phục vụ tổ chức giao thông cả thời gian ban ngày và ban đêm, bố trí người hướng dẫn giao thông tại khu vực đang triển khai thi công.

Cùng với đó, Bộ Giao thông vận tải phải “xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trực tiếp đến vụ việc, đặc biệt là cán bộ, người đứng đầu của đơn vị đại diện Chủ đầu tư nếu để xảy ra tai nạn do không thực hiện đúng quy định về tổ chức thi công và đảm bảo an toàn lao động, an toàn giao thông trên công trường”.

Chỉ đạo của Chính phủ là kịp thời nhanh chóng và kiên quyết nhưng dẫu sao, hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra mà đáng ra, nếu tất cả những chỉ đạo trong Công điện được tuân thủ theo đúng quy trình xây dựng các công trình lớn, có nhiều người qua lại thì chúng ta đã không phải vô cùng đau xót mà tiễn biệt một con người.

Hãy “học thuộc bài” chứ đừng để xảy ra “bài học”

Chứng kiến những giọt nước mắt tiếc thương, những cánh tay chào run run xót xa, những vòng ôm nghẹn ngào trong đám tang anh Ngọc, hẳn mỗi chúng ta chẳng ai có thể cầm được nước mắt. Người ta đang nói về “bài học” nhưng tại sao những người có trách nhiệm tổ chức thi công công trình không liên tục “học bài” và thi công “đúng bài” để “bài học đắt giá khủng khiếp” kia khỏi phải xảy ra với gia đình anh Ngọc, với xã hội chúng ta?

Hiện trường vụ án 

Cũng chính trên công trường này, hàng đêm vẫn có những chiếc xe siêu trường siêu trọng cầu đến và lắp đặt những thanh dầm nặng hàng trăm tấn nhưng không hề xảy ra sự cố nào, dù nhỏ. Luôn luôn có hàng chục người làm nhiệm vụ giám sát, cảnh báo cho phương tiện chuyên chở, ngăn luồng giao thông, phát tín hiệu an toàn để những chiếc dầm nặng nề “đi đến nơi, về đến chốn” mà không có bất cứ ai bị xây sát gì. Thế thì tại sao những việc ấy lại không được áp dụng khi cẩu những thanh thép vào cái thời khắc định mệnh 9h30 ngày 6/11/2014 kia?

Trên cả nước, đang còn hàng nghìn công trình đang thi công hối hả và chủ đầu tư nào cũng muốn lập thành tích về đích trước thời gian, hoàn thành sớm hơn tiến độ quy trình. Vụ tai nạn khiến người sĩ quan Nguyễn Như Ngọc thiệt mạng dẫu sao cũng đã xảy ra, người chết không thể sống lại nhưng thiết nghĩ, đừng một lần nữa coi cái chết của một con người là vô ích. Hãy xem đây là tiếng chuông báo động cuối cùng và mạnh mẽ nhất cho bất cứ nhà thầu, chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng nào trên tất cả các công trình, để tuyệt đối không còn một ai phải thiệt mạng một cách oan uổng như anh Ngọc.

Đột ngột phải từ giã cõi đời khi tuổi đương xuân, khi trong lòng đang ấp ủ nhiều hoài bão, khi mà còn vợ dại con thơ cha mẹ già yếu, anh Ngọc hẳn nhiều lắm nỗi tủi hờn, uất ức. Thế nhưng, nếu từ đây dứt hẳn những tai nạn thương tâm, chết người xảy ra trên các tuyến đường, trên các công trình xây dựng thì hẳn người sĩ quan Công an nhân dân ấy sẽ ngậm cười nơi chín suối bởi sự hy sinh tính mạng của anh đã giúp cho tất cả chúng ta được an lành, khoẻ mạnh.

Các nhà thầu, các chủ đầu tư, các doanh nghiệp xây dựng – khi đến thắp hương cho anh Ngọc và chia buồn cùng thân nhân của anh – có hiểu nhắn gửi ấy của anh không? Người đã chết, mọi lý lẽ đều là quá muộn, quá lê thê nhưng tấm lòng gửi gắm lại từ người đã khuất, mỗi chúng ta xin hãy đừng quên!.