Dẫn lại việc thông tin bịa đặt cha chồng dính con dâu của phóng viên báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam mới đây, ông Hà Minh Huệ, Phó chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phân tích: “Đây là kiểu viết báo giật gân, câu khách, phóng viên chỉ dựa trên nguồn tin nghe lại của người khác, đã vội vàng tung lên mạng. Nguy hiểm hơn trong sai phạm này, là một nhà báo của cơ quan báo chí khác lại tiếp tục khai thác chủ đề không có thật đó, phụ họa thêm chi tiết phỏng vấn người hàng xóm y như thật. Sau đó, một số báo khác “sao chép - dán” lên trang thông tin của mình. Vô hình trung đã nhân bản rộng rãi một sai phạm. Hậu quả khôn lường. Dư luận xã hội bức xúc và kết cục phóng viên đó, báo đó bị xử lý”.
Theo ông Huệ, những vi phạm trong hoạt động báo chí có ở nhiều khâu, nhiều bước của quá trình hoạt động tác nghiệp của nhà báo, của cơ quan báo chí, nhưng tập trung nhiều nhất ở quy trình khai thác và xử lý nguồn tin.
Thông tin về những vấn đề nhạy cảm chính trị, báo chí gần đây cũng mắc phải những sai sót không đáng có. Cách làm báo vô trách nhiệm đó vi phạm quy định về đạo đức của người làm báo Việt Nam, cho thấy sự không làm tròn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của nhà báo.
Theo nhà báo Trần Gia Thái, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, ngoài những vi phạm do thiếu kiến thức nói chung, hiện có một số vi phạm do ý thức công dân kém, cố tình vi phạm để mưu lợi; vi phạm do yếu kém về nghiệp vụ báo chí, nhất là trong quy trình khai thác và xử lý nguồn tin; vi phạm do thiếu rèn luyện về phẩm chất, đạo đức; vi phạm đặc biệt là việc khai thác nguồn tin, xào xáo, sao chép thông tin một cách thiếu đạo đức nghề nghiệp của một số nhà báo - hội viên.
“Làm báo bây giờ rất khó”
Đó là ý kiến của nhà báo lão thành Đỗ Phượng, nguyên Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam. Theo ông Phượng, cơ quan quản lý nhà nước nên mở các khoá tập huấn để giúp người làm báo biết rõ về trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo.
“Bây giờ làm báo khó quá. Không như ngày xưa khi chỉ có vài trăm nhà báo và cộng tác viên”, ông Phượng nói. Để tạo động lực cho các nhà báo làm việc, ông Phượng cho rằng, nên rà soát lại đội ngũ những người làm báo hiện nay. Người nào hư hỏng cần phải thải loại, còn người nào cống hiến thì có biện pháp bảo vệ, phát triển nghề nghiệp cho họ.
“Thế hệ tôi có khoảng chừng 300 nhà báo và cộng tác viên. Hiện, có tới 17.000 nhà báo. Với số người đó, chỉ cần mỗi người viết một bài báo chất lượng thôi thì sức mạnh và hiệu quả tuyên truyền là vô cùng to lớn”, ông Phượng nói.
Ông Đỗ Quý Doãn, Thứ trưởng Bộ TT-TT, cho rằng, sự tắc trách của phóng viên trong hoạt động nghề nghiệp hiện còn nhiều, cũng như việc xác định và kiểm chứng nguồn tin rất hạn chế, vội vàng. Theo ông Doãn, hiện pháp luật về báo chí tương đối đầy đủ, cần được thực thi tốt.